Giữ cốt cách doanh nghiệp quân đội là phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ

Lũ chồng lũ, mưa lớn liên tiếp nhiều ngày khiến đất đá sạt lở nhiều nơi, nhiều người gặp nạn, tài sản, hoa màu bị vùi lấp, cuốn trôi. Trong những lúc nguy nan ấy, máy móc, phương tiện kỹ thuật hiện đại của nhiều doanh nghiệp quân đội đã được điều động giúp đẩy nhanh quá trình tìm kiếm cứu nạn (TKCN). Sự xả thân của những người lính trên mặt trận kinh tế-quốc phòng trong mưa lũ, cũng như uy tín họ tạo ra trên mặt trận kinh tế tiếp tục tô thắm thêm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.

Vượt qua hiểm nguy

Nhớ lại những thời khắc lũ lụt hoành hành khắp miền Trung, gây lở đất với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12 (Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn), cho biết: Ngay khi nhận được mệnh lệnh của lãnh đạo Bộ Quốc phòng, thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, đơn vị lập tức điều động lực lượng, phương tiện, máy móc của các công ty tham gia nhiệm vụ TKCN tại khu vực Tiểu khu 67, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế. 8 chiếc máy xúc công suất lớn cơ động ngay tới hiện trường, do Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó tư lệnh Binh đoàn 12 chỉ huy, phối hợp với các đơn vị khác tham gia tìm kiếm các đồng chí trong đoàn công tác hy sinh khi làm nhiệm vụ.

Vừa hoàn thành nhiệm vụ ở Tiểu khu 67, các anh tiếp tục được lệnh tiến vào khu vực Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 4 và Rào Trăng 3. Tuy nhiên, thời điểm đó rất nhiều đoạn đường bị sạt lở lớn, máy móc không thể cơ động được. Các phương tiện đang cơ động ra ngoài thì lại nhận được mệnh lệnh tiến thẳng vào hiện trường vụ sạt lở tại Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 (Quân khu 4) để phối hợp với các lực lượng khác tiến hành TKCN các cán bộ, chiến sĩ đang bị vùi lấp. Quá trình cơ động vào hiện trường hết sức khó khăn, nhiều đoạn sạt lở sát mép núi, rất nguy hiểm, song bằng tinh thần trách nhiệm, kinh nghiệm nhiều năm tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, các đơn vị của Binh đoàn 12 đi tới đâu mở đường tới đó, nhanh chóng cơ động vào hiện trường.

Trong quá trình vận hành máy móc TKCN, nguy hiểm vẫn rình rập khi cảnh báo nguy cơ sạt lở vẫn tiềm ẩn. Nhiều đồng chí lái máy xúc, máy ủi... vẫn quyết tâm bám máy ngày đêm với tinh thần phải tìm thấy đồng đội nhanh nhất. Mọi công tác được tiến hành rất khẩn trương, chính xác, với trọn vẹn tấm lòng của những người đồng chí, đồng đội. Chiều 19-10, thi thể nạn nhân cuối cùng đã được tìm thấy. Những nỗ lực của các đơn vị thuộc Binh đoàn 12 đã được thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị đánh giá cao. Và ngay khi hoàn thành nhiệm vụ tại khu vực sạt lở ở Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337, các đơn vị của Binh đoàn 12 lại tham gia mở đường, chống sạt lở, mở thông các tuyến đường tới những nơi đang bị chia bắt bởi bão, lũ.

 Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc đại diện Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn ký hợp đồng với chủ đầu tư là Ban quản lý dự án Thăng Long. Ảnh: VĂN PHÁC.

Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc đại diện Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn ký hợp đồng với chủ đầu tư là Ban quản lý dự án Thăng Long. Ảnh: VĂN PHÁC.

Giữ nét văn hóa đặc thù của doanh nghiệp quân đội

Không chỉ trong thực hiện nhiệm vụ TKCN mà trên mặt trận kinh tế, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ luôn được phát huy đã giúp Binh đoàn 12 luôn giữ vững uy tín, sự tin tưởng từ các nhà thầu. Trong thời gian không dài, binh đoàn đã nhận được nhiều hợp đồng trị giá nhiều nghìn tỷ đồng. Mới nhất, ngày hôm qua (11-11), Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12 đã ký hợp đồng thực hiện gói thầu số 13, thi công 14km đường cao tốc từ Mai Sơn đi Quốc lộ 45, với chủ đầu tư là Ban quản lý dự án Thăng Long, Bộ Giao thông vận tải (GTVT), có trị giá gần 1.300 tỷ đồng.

Chia sẻ với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc cho biết: Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn được Bộ GTVT đánh giá rất cao do chất lượng cũng như tiến độ thi công các hạng mục công trình mà đơn vị đã và đang thực hiện, như các đoạn đường cao tốc đoạn La Sơn-Túy Loan, Cam Lộ-La Sơn, Cầu Giẽ-Ninh Bình, Hà Nội-Thái Nguyên, Long Thành-Giầu Dây, hay cầu vượt biển Lạch Huyện (Hải Phòng), cũng như một số hạng mục tại khu vực sân bay Nội Bài... Các đơn vị thuộc Bộ GTVT đặc biệt tin tưởng Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, khi thực hiện các công trình giao thông trọng điểm, tổng công ty luôn thi công với tinh thần trách nhiệm cao, hoàn thành vượt tiến độ.

Giải thích lý do hầu hết các công trình giao thông đều vượt tiến độ, Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc chia sẻ: Trước hết nói phải đi đôi với làm. Việc gì đã hứa với cấp trên và chủ đầu tư thì phải làm bằng được. Với người dân cũng vậy, biết nghĩ đến quyền lợi của người dân trước thì nhân dân mới tin tưởng và sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung. Ví dụ, với một số công ty, thường chủ đầu tư phải bàn giao mặt bằng thì họ mới triển khai thi công. Còn riêng với tổng công ty, ngay khi ký hợp đồng với chủ đầu tư, dù chưa có mặt bằng, tổng công ty sẽ tính toán và ưu tiên đền bù sớm, sao cho người dân không bị thiệt thòi, từ đó, việc vận động người dân sớm nhường mặt bằng để triển khai dự án sẽ thuận lợi. Bí quyết là càng công khai, minh bạch, dân chủ trước người dân bao nhiêu, người dân càng sớm bàn giao mặt bằng bấy nhiêu.

"Là một doanh nghiệp quân đội, ở đâu, làm gì cũng phải nghĩ đến quyền lợi nhân dân, giữ gìn hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ. Đó phải từ công việc hết sức cụ thể như giữ gìn môi trường tại công trường; áp dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý; nói và làm đúng cam kết; tạo ra sản phẩm có chất lượng, thẩm mỹ, hiệu quả... Chỉ có như vậy mới gây dựng lòng tin với nhân dân, chủ đầu tư, đối tác. Đây chính là hướng phát triển bền vững, là nét văn hóa đặc thù của một doanh nghiệp quân đội như Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn", Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc nói.

NGUYỄN HÒA

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/giu-cot-cach-doanh-nghiep-quan-doi-la-phat-huy-pham-chat-bo-doi-cu-ho-643622