Giữ cốt cách người Quảng Trị

Đó là khẳng định của anh Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất gỗ Hoàng Minh Đức và ông Nguyễn Đặng Hiến, Chủ tịch Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh, doanh nghiệp sở hữu thương hiệu nước uống Bidrico nổi tiếng trong câu chuyện với tôi tại TP. Hồ Chí Minh. Hành trình rời quê nhà vào phương Nam lập nghiệp của hai người con xứ gió Lào cát trắng này chính là sự gìn giữ, tiếp nối cốt cách của người Quảng Trị.

Biết thích ứng để thành công

“Lập nghiệp ở miền Nam là hành trình không đơn giản. Môi trường đầu tư kinh doanh sôi động, thuận lợi, thông thoáng nhưng đòi hỏi rất cao ở kiến thức, kinh nghiệm và đặc biệt là khả năng thích ứng. Những gì mình có được hôm nay có lẽ là nhờ nhìn nhận đúng nhu cầu thị trường, chọn đúng hướng đầu tư và biết cách để vượt qua những rào cản”, anh Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất gỗ Hoàng Minh Đức nói bằng chất giọng Quảng Trị đặc sệt khi chiếc ô tô chở chúng tôi len lỏi giữa dòng xe cộ đông đúc từ Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh đi huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, nơi công ty của anh Đức đặt nhà máy sản xuất gỗ.

Anh Nguyễn Văn Đức (bên phải) kiểm tra một công đoạn sản xuất ván ghép thanh - Ảnh: H.N

Anh Nguyễn Văn Đức (bên phải) kiểm tra một công đoạn sản xuất ván ghép thanh - Ảnh: H.N

Trên cung đường khoảng 50 km, câu chuyện giữa tôi với anh nhiều lần ngắt quãng bởi những cuộc điện thoại giải quyết công việc giữa doanh nhân này với các đối tác và nhân viên công ty. “Công việc thì cứ vận hành theo kế hoạch nhưng sáng nay phải xử lý mấy vấn đề về nguồn nguyên liệu ở Tây Ninh. Kích cỡ gỗ không đồng đều, rồi khối lượng vượt quá khả năng vận chuyển nên anh em gọi xin ý kiến. Có người ở quê vào nên đi muộn một chút chứ bình thường thì giờ này mình đã có mặt ở nhà máy”, anh Đức chia sẻ.

Nhà máy của Công ty TNHH sản xuất gỗ Hoàng Minh Đức nằm giữa bạt ngàn rừng cao su xanh ngát. Dẫn tôi đi một vòng quanh khu nhà xưởng và văn phòng rộng 20.000 m2 với nhiều loại máy móc, thiết bị có tổng mức đầu tư gần 240 tỉ đồng cùng 200 nhân viên kỹ thuật, công nhân tất bật sản xuất các loại ván lạng, ván ép, ván ghép thanh... phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, dẫu anh Đức không nói nhiều về quá trình hình thành công ty và quy trình sản xuất nhưng tôi hiểu đây là kết quả của một hành trình dài vượt khó, sáng tạo cùng khả năng thích ứng cao của doanh nhân người Quảng Trị này.

“Để có các sản phẩm, đơn cử như lô hàng ván ghép thanh cung ứng cho các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ nội thất phục vụ xuất khẩu này, công ty thu mua nguyên liệu từ các rừng cao su thanh lý ở Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh... rồi tiến hành các khâu sản xuất, cho ra sản phẩm. Công nghệ, quy trình sản xuất của công ty hiện được đầu tư khá hiện đại, đội ngũ nhân viên kỹ thuật, công nhân lành nghề đảm bảo tất cả sản phẩm làm ra đáp ứng được yêu cầu của đối tác nên sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ổn định”, anh Đức nói giữa ầm ào tiếng máy.

Điều đáng quý ở anh Nguyễn Văn Đức là việc chăm lo đời sống của 200 lao động trong công ty, phần lớn đến từ các tỉnh miền Tây, luôn được anh quan tâm. Ngoài mức lương từ 10 - 12 triệu đồng/người/tháng, các chế độ chính sách được đảm bảo theo quy định pháp luật, năm 2024, thấy nhiều công nhân phải thuê trọ, nơi ở tạm bợ rất vất vả, anh Đức quyết định đầu tư xây dựng khu nhà ở 2 tầng, 50 phòng với tổng kinh phí 3 tỉ đồng trong khuôn viên công ty cho gần 150 công nhân ở miễn phí.

“Có nhà ở kiên cố, rộng thoáng miễn phí, chỉ phải đóng tiền điện theo nhu cầu sử dụng thực tế nên công nhân chúng tôi rất phấn khởi vì hằng tháng tiết kiệm được một khoản chi phí không nhỏ để làm việc khác. Đi làm cũng rất thuận tiện bởi chỉ mấy bước chân đã tới xưởng sản xuất. Được quan tâm nên người lao động ai cũng yên tâm gắn bó với công ty”, chị Thạch Thị Kiều, quê ở tỉnh Sóc Trăng, phấn khởi nói khi chúng tôi ghé thăm căn phòng chị đang ở cùng 3 đồng nghiệp.

Mấy năm qua, anh Đức dành nhiều nguồn lực để tham gia các hoạt động thiện nguyện, như tham gia thi đấu và tài trợ nhiều giải tennis của Hội đồng hương các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ tại TP. Hồ Chí Minh để xây dựng quỹ hỗ trợ người nghèo, học sinh nghèo ở quê nhà. Năm 2020, để chung tay hỗ trợ tỉnh Quảng Trị bị thiệt hại nặng do mưa lũ, gia đình anh Đức đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho người dân ở TP. Đông Hà, các huyện Vĩnh Linh, Cam Lộ, Đakrông với tổng kinh phí khoảng 200 triệu đồng...

Một dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Sản xuất gỗ Hoàng Minh Đức - Ảnh: H.N

Một dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Sản xuất gỗ Hoàng Minh Đức - Ảnh: H.N

Năm 1989, từ thị xã Đông Hà, anh Đức vào học tại Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Quê nhà Lập Thạch (Đông Lễ) nghèo khó rồi những năm tháng bộn bề nỗi lo cơm áo đèn sách ở đất Sài thành đã thôi thúc chàng trai này vươn lên học tập.

Năm 1993, anh Đức tốt nghiệp đại học rồi đầu quân cho một doanh nghiệp chuyên cung cấp trang thiết bị trường học của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại TP. Hồ Chí Minh. Sau 25 năm trải qua nhiều vị trí công việc tại doanh nghiệp này, năm 2021, anh Đức quyết định nghỉ việc để tìm kiếm những trải nghiệm mới cho mình.

“Với kinh nghiệm và kỹ năng tích lũy được, tôi cùng gia đình quyết định thành lập Công ty TNHH Sản xuất gỗ Hoàng Minh Đức vào tháng 11/2021. Lĩnh vực sản xuất các loại ván lạng, ván ép, ván ghép thanh hiện rất sôi động với sự tham gia cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Điều cốt lõi là mình phải thích ứng nhanh, lấy chất lượng, giá cả hợp lý, tôn trọng khách hàng để làm nên uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp”, anh Đức tâm sự.

- Với tiềm lực và kinh nghiệm của mình, anh có kế hoạch đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Quảng Trị không?

- Người Quảng Trị đi đâu, làm gì cũng luôn nặng lòng với quê hương. Diện tích rừng trồng gỗ lớn ở quê mình khá lớn nên tôi cũng đang ấp ủ ý tưởng triển khai hoạt động sản xuất ở Quảng Trị. Được góp sức để xây dựng quê hương phát triển luôn là mong muốn của tôi - anh Đức chia sẻ.

Người đưa thương hiệu nước uống Bidrico vươn xa

Dẫu bận rất nhiều việc nhưng khi nghe có người ở Quảng Trị vào, ông Nguyễn Đặng Hiến, Chủ tịch Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Công ty Tân Quang Minh) liền nhiệt tình sắp xếp cho tôi cuộc gặp tại “đại bản doanh” công ty ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Đặng Hiến (áo trắng) giới thiệu một số sản phẩm nước uống thương hiệu Bidrico - Ảnh: H.N

Ông Nguyễn Đặng Hiến (áo trắng) giới thiệu một số sản phẩm nước uống thương hiệu Bidrico - Ảnh: H.N

Sinh năm 1953, rời quê nhà ở Cổ Lũy, xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, vào Sài Gòn từ năm lớp 9, chứng kiến nhiều phận người lam lũ mưu sinh vì không được học hành đến nơi đến chốn, chàng trai Nguyễn Đặng Hiến tự nhủ chỉ có học thật giỏi, tích lũy được nhiều kiến thức, kỹ năng thì mới thành công trong cuộc sống.

Tốt nghiệp đại học, ông Hiến kinh qua nhiều việc rồi làm giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, sau đó ông giữ chức trưởng phòng nghiệp vụ kiêm quản đốc của một công ty chế biến thực phẩm lớn tại Sài thành. Năm 1992, nhận thấy thị trường nước uống có nhiều tiềm năng để phát triển, người con Quảng Trị này đã quyết định mở cơ sở sản xuất nước giải khát Hoàng Minh chuyên sản xuất các loại nước uống mang thương hiệu Bidrico với số vốn ban đầu 10,5 triệu đồng, tiền thân của Công ty Tân Quang Minh sau này.

“Ngày mới đi vào hoạt động, công ty chỉ có 26 công nhân, máy móc chưa nhiều, công nghệ thì đơn giản, kinh nghiệm từ quản lý rồi tổ chức sản xuất và phát triển thị trường hầu như chưa có. Trong khi đó, thị trường nước uống giải khát lúc bấy giờ có nhiều tên tuổi lớn của thế giới đang sản xuất và cung ứng sản phẩm ở Việt Nam.

Để giải bài toán này, Tân Quang Minh coi trọng nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng, diễn biến thị trường để phát triển sản phẩm, gắn với đó là làm tốt quy trình quản lý, marketing, nguồn nhân lực và mở rộng phân phối. 33 năm qua, Bidrico trải qua mấy giai đoạn phát triển. Từ năm 1992 - 1996, công ty chủ trương sản xuất loạt sản phẩm chuyên sâu phục vụ thị trường nông thôn vì lúc đó nhiều công ty tầm cỡ về nước giải khát đang tập trung vào thị trường các đô thị.

Giai đoạn năm 1996 - 2000, Bidrico thay đổi mẫu mã, nhãn hiệu hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm để tạo dựng chỗ đứng ở các thị trấn, thị xã. Giai đoạn tiếp theo, Bidrico tiếp cận, mở rộng thị trường các thành phố lớn. Cũng trong thời gian này, công ty có cách tiếp cận mới với thị hiếu người tiêu dùng, tiếp tục thay đổi mẫu mã, nghiên cứu sản xuất thêm sản phẩm bổ dưỡng sức khỏe, nhất là các loại nước trái cây.

Từ năm 2007 trở đi, Bidrico cùng với khẳng định uy tín thương hiệu trong nước, thực hiện sứ mệnh “Nâng tầm thương hiệu Việt” đã xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài, có mặt ở những thị trường khó tính như Nhật, Mỹ và châu Âu...Tại Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017 do Việt Nam đăng cai tổ chức, sản phẩm nước tinh khiết của Bidrico được chọn làm nước uống sử dụng suốt thời gian diễn ra hội nghị”, ông Hiến kể.

Đi thăm nhà máy chuyên sản xuất các loại nước giải khát, bồi bổ sức khỏe thương hiệu Bidrico trên diện tích 15.000 m2 với 12 dây chuyền sản xuất hiện đại được nhập khẩu từ Pháp, Đức, Thụy Điển, Mỹ..., được tận mắt thấy đội ngũ nhân viên kỹ thuật - công nghệ, công nhân, quản lý trên 700 người tất bật sản xuất, phân phối hàng chục loại nước uống ra thị trường trong nước và quốc tế mới thấy rõ sự thành công của Công ty Tân Quang Minh.

Sản phẩm nước uống thương hiệu Bidrico được sản xuất bằng công nghệ hiện đại của châu Âu - Ảnh: H.N

Sản phẩm nước uống thương hiệu Bidrico được sản xuất bằng công nghệ hiện đại của châu Âu - Ảnh: H.N

Đồng thời khẳng định những chia sẻ của doanh nhân Nguyễn Đặng Hiến trong câu chuyện với tôi khi ông cho rằng, để Bidrico vươn xa, bản thân ông phải luôn gìn giữ cốt cách chịu thương chịu khó của người Quảng Trị, nỗ lực cao nhất để tích lũy kiến thức, kỹ năng, từ đó dẫn dắt ban lãnh đạo Tân Quang Minh trung thành với triết lý luôn sáng tạo và đổi mới; chất lượng và sự tuyệt hảo của sản phẩm là cam kết vô hạn; lợi ích doanh nghiệp và hỗ trợ cộng đồng là mục tiêu song hành.

Không chỉ chú trọng phát triển doanh nghiệp, hằng năm ông Hiến và Bidrico đều tổ chức các hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo vượt khó học giỏi, tích cực tham gia phong trào đền ơn đáp nghĩa, trong đó có nhiều hoạt động được tổ chức ở quê hương Quảng Trị.

Ông cũng có nhiều đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp khi đảm nhận cương vị Phó Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh; Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh; từng có nhiều năm làm Phó Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.Hồ Chí Minh...

Trong những năm gần đây, ông Hiến dành nhiều tâm sức kết nối, gắn kết các doanh nhân người Quảng Trị tại TP. Hồ Chí Minh để hỗ trợ tỉnh trong công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh; nghiên cứu, đầu tư các dự án sản xuất, kinh doanh tại Quảng Trị.

“Tăng trưởng xanh - Phát triển bền vững là một trong những mục tiêu chủ chốt của Bidrico và chúng tôi đang nghiên cứu khả năng triển khai hoạt động sản xuất tại Quảng Trị”, ông Hiến chia sẻ.

Ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước hiện có rất nhiều doanh nghiệp do người Quảng Trị làm chủ hoạt động hiệu quả. Lập nghiệp xa xứ, giữa bộn bề khó khăn, thử thách cũng chính là lúc cốt cách của người Quảng Trị được khơi dậy, phát huy, góp phần hình thành nên nhiều doanh nhân Quảng Trị thành công ở đất phương Nam.

Huy Nam

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/giu-cot-cach-nguoi-quang-tri-193345.htm