Giữ đà xuất khẩu sang thị trường Âu - Mỹ

Khu vực thị trường châu Âu-châu Mỹ vốn là địa bàn xuất, nhập khẩu trọng điểm của Việt Nam. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang bước vào thời kỳ mới, với đầy rủi ro, thách thức và khó đoán định, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các cơ quan chức năng theo dõi sát, nắm bắt thông tin diễn biến tình hình thị trường, biến động về kinh tế, chính trị, chính sách trong khu vực và trên thế giới ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam để kịp thời tham mưu cho Chính phủ có những giải pháp phù hợp.

Những biến động khó lường

Những diễn biến trên thị trường quốc tế từ đầu năm đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến đà hồi phục của kinh tế thế giới, đặc biệt khu vực thị trường Âu-Mỹ vốn là địa bàn xuất, nhập khẩu trọng điểm của Việt Nam. Cụ thể, thương mại thế giới nổi lên 3 xu hướng rõ rệt: Các công cụ thuế quan được sử dụng trở lại; bảo hộ thị trường thông qua những biện pháp kỹ thuật, rào cản thương mại hay các biện pháp phòng vệ thương mại; các động thái chính sách khó đoán định khiến chuỗi cung ứng và sản xuất bị xáo trộn, tổn thương, thậm chí đứt gãy. Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam càng ngày càng quan tâm nhiều đến những vấn đề phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, an toàn cho người tiêu dùng... đồng thời từng bước triển khai việc áp dụng những tiêu chuẩn mới, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường... khắt khe hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu.

 Sản xuất tại Công ty Cổ phần Xuân Hòa Việt Nam (Vĩnh Phúc).

Sản xuất tại Công ty Cổ phần Xuân Hòa Việt Nam (Vĩnh Phúc).

Tại châu Mỹ, Hoa Kỳ là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Gần đây nhất, đầu tháng 2, Tổng thống Hoa Kỳ D.Trump đã kích hoạt điều khoản về tình trạng khẩn cấp quốc gia theo Đạo luật Quyền hạn kinh tế khẩn cấp quốc (IEEPA) với lý do để đối phó với tình trạng người nhập cư bất hợp pháp và chất gây nghiện vận chuyển trái phép vào Hoa Kỳ, làm căn cứ pháp lý cho việc áp thuế quan bổ sung 25% với hàng hóa nhập khẩu từ Canada và Mexico; 10% với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Năm 2024, kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam với khu vực thị trường châu Âu-châu Mỹ chứng kiến sự phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ so với năm 2023. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 250 tỷ USD, tăng 18,5% so với năm 2023, trong đó, xuất khẩu ước đạt 202,1 tỷ USD, tăng 20,3%; nhập khẩu ước đạt 47,9 tỷ USD, tăng 12,6%. Thặng dư thương mại với thị trường châu Âu-châu Mỹ lần đầu tiên vượt mốc 150 tỷ USD, ước đạt 154,2 tỷ USD.

Phát triển các thị trường nhỏ, thị trường ngách

Trước diễn biến phức tạp của tình hình thị trường thế giới, Bộ Công Thương luôn kiên định chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu; đa dạng hóa ngành hàng và sản phẩm; lấy khoa học-công nghệ làm đòn bẩy, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng/ hàm lượng công nghệ của sản phẩm được sản xuất, chế biến tại Việt Nam là mục tiêu; tận dụng những lợi thế sẵn có của Việt Nam, để từng bước nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng của thế giới cũng như trên thị trường quốc tế.

Đề cập tới những diễn biến tại thị trường Hoa Kỳ, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam cũng là đối tác lớn thứ 8 của Hoa Kỳ khi chiếm 4,13% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này. Mục tiêu của ông D.Trump sẽ giảm thâm hụt thương mại, thúc đẩy sản xuất trong nước, thu hút đầu tư. Bộ Công Thương đã vạch ra hai kịch bản, với kịch bản khả quan là Hoa Kỳ duy trì chính sách thuế nhập khẩu hiện hành, Việt Nam hoàn toàn có thể đón nhận dòng đầu tư để gia tăng xuất khẩu trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng. Ở kịch bản thứ hai, nếu Hoa Kỳ tác động thuế quan gắt gao có thể tác động đến kinh tế toàn cầu, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ ảnh hưởng ít nhiều. Hoặc gián tiếp khi Trung Quốc gặp khó khăn do bị áp thuế cũng sẽ tạo ra sức ép với Việt Nam. “Đối với kịch bản này, Bộ Công Thương sẽ xem xét báo cáo Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong việc đa dạng hóa thị trường”, ông Trần Thanh Hải cho biết.

Để gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường châu Âu-châu Mỹ, trong thời gian tới đây, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tận dụng lợi thế cạnh tranh, 17 hiệp định thương mại tự do và gần 70 cơ chế hợp tác song phương hiện có với các nước (Ủy ban liên chính phủ, Ủy ban hỗn hợp, Hội đồng thương mại...) để khai thác có hiệu quả các thị trường trọng điểm và thị trường truyền thống, phát triển những thị trường nhỏ, thị trường ngách và khai mở những thị trường tiềm năng mới. Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành trong việc đẩy mạnh thực hiện Đề án của Chính phủ về “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ" nhằm tăng cường chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; xử lý nghiêm các vi phạm...

Trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động và khó khăn, ngoài nỗ lực từ Chính phủ, các ban, bộ, ngành, để tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp cũng cần phải nhạy bén, chủ động bám sát thị trường. Theo đó, các doanh nghiệp cần tiếp tục chủ động xây dựng lộ trình và giải pháp nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động, môi trường; chú trọng việc kiểm soát xuất xứ nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất cũng như đánh giá thận trọng việc hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp của những nước đang có căng thẳng thương mại với Hoa Kỳ.

Bài và ảnh: KHÁNH AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/giu-da-xuat-khau-sang-thi-truong-au-my-816245