Giữ được Tết Tân Sửu an lành

Hôm nay mùng 4 Tết Tân Sửu. Vậy là 3 ngày Tết theo tục lệ cổ truyền của dân tộc đã qua đi, cả nước đón một cái Tết đặc biệt khác thường trong điều kiện bình thường mới.

Đây là mùa xuân Covid thứ 2 nhưng mùa xuân này dịch Covid-19 dữ dội hơn khi những ngày áp Tết và ngay cả mùng 1 Tết, các ca Covid-19 cộng đồng vẫn xuất hiện nhưng mùa xuân của đất trời, cái Tết cổ truyền đẹp đẽ của dân tộc vẫn được người dân cả nước hân hoan đón chào trong niềm vui mới, dù nhiều lễ hội pháo hoa các địa phương hủy bỏ, các lễ hội truyền thống không tổ chức để phòng chống dịch.

Đặc biệt, sức mua dịp Tết Tân Sửu vẫn cao, các siêu thị, chợ truyền thống vẫn hút khách, hàng hóa đầy ắp, ít biến động. Các chợ hoa Tết sức mua vẫn tốt, dù năm nay tiểu thương miền Tây giảm số lượng hoa đưa lên TP HCM nên những giờ cuối trước khi trả mặt bằng, tiểu thương ai nấy đều vui vì năm nay không phải đập chậu, nhẹ gánh lo.

Với dịch Covid-19, từ kinh nghiệm là một trong số ít các quốc gia chống dịch Covid-19 tốt nhất thế giới, đến nay chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch để người dân có một cái Tết an lành.

Một cái Tết dù đảo lộn mọi thứ khi vừa đón Tết vừa phải chống dịch quyết liệt nhất nhưng "đến giờ phút này, chúng ta đã giữ được Tết an lành trong điều kiện mới" - Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh trong buổi họp Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 chiều mùng 2 Tết. Tuy vậy, "chúng ta vẫn không được mất cảnh giác, vẫn phải tiếp tục" - Phó thủ tướng cảnh báo.

Cho đến nay số người cách ly y tế, theo dõi sức khỏe tiếp tục tăng, lên tới trên 152.000 người, trong đó có gần 19.000 người cách ly tập trung ngay trong những ngày Tết. Đó là lượng người rất lớn, đòi hỏi năng lực tổ chức và khả năng y tế cộng đồng mới chống được dịch.

Thực tế cho đến nay như ở TP HCM, Gia Lai có nhiều khu vực được gỡ bỏ phong tỏa. Toàn bộ trường hợp cách ly tại Trường tiểu học Xuân Phương (Hà Nội) có kết quả âm tính lần 3 cũng hết cách ly. Các ổ dịch phức tạp như sân bay Tân Sơn Nhất, nhà máy Poyun (Hải Dương) đã được kiểm soát. Bộ Y tế đánh giá số mắc mới vẫn còn rải rác, chủ yếu trong nhóm người đang cách ly, theo dõi sức khỏe do các tỉnh, thành vẫn đang triển khai xét nghiệm rộng rãi cho người có tiếp xúc bệnh nhân, nên trong những ngày tới có thể còn phát hiện những ca mắc mới, thậm chí cũng có thể xuất hiện những ổ dịch mới nhưng với kinh nghiệm chống dịch, chúng ta sẵn sàng đối mặt!

Có chống dịch tốt mới thực hiện được nhiệm vụ kép vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế. Tín hiệu vui, trong tháng 1-2021, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 22,2% so với tháng 1-2020; số doanh nghiệp thành lập mới tăng 21,9%. Riêng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 27,7 tỉ USD, tăng 50,5% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Viện Kinh tế Việt Nam, đại dịch Covid-19 làm nhiều ngành bị tác động tiêu cực nhưng cũng có nhiều nhóm ngành được hưởng lợi. Đây là điểm rất khác biệt với nền kinh tế khi bị khủng hoảng tài chính, khi hầu hết các ngành bị ảnh hưởng, hoặc có ít ngành hưởng lợi hơn. Chỉ cần chúng ta kiểm soát được dịch thì kinh tế sẽ tăng trưởng, như năm 2020 đã làm được để đạt GDP 2,91%, thuộc nhóm nước tăng trưởng cao nhất thế giới, thì chỉ tiêu GDP 6% hoặc hơn của năm 2021 có thể thành hiện thực.

Dịch Covid-19 ở nước ta đang được kiểm soát và sẽ được kiểm soát nếu phát sinh ổ dịch mới. Theo thông tin từ Bộ Y tế, số mắc Covid-19 trên toàn thế giới đến chiều 13-2 đã vượt 108,7 triệu ca, gần 2,4 triệu ca tử vong, nhưng điều may mắn là số mắc mới đã giảm 44% trong 1 tháng qua và là mức giảm lớn nhất, kéo dài nhất kể từ khi dịch bắt đầu.

Nhiệm vụ chống dịch vẫn còn đang thách thức nhưng với kinh nghiệm chống dịch rất tốt của Việt Nam, chúng ta đã bảo vệ cho người dân ăn một cái Tết an lành trong điều kiện bình thường mới, thì nhiệm vụ phát triển kinh tế trong điều kiện tương tự cũng có thể làm được, dù vẫn có nhiều thách thức đang chờ.

Bài: Lưu Nhi Dũ; ảnh: Xuân Huy

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/giu-duoc-tet-tan-suu-an-lanh-20210214200924226.htm