Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Phóng viên Báo Hải Dương ghi lại một số ý kiến về Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng theo hình thức trực tuyến ngày 24.11.

>>> Tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc

Bà Trương Thị Thương Huyền

Bà Trương Thị Thương Huyền

Qua theo dõi các ý kiến tại hội nghị, nhất là phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bà Trương Thị Thương Huyền, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Hải Dương cho rằng, nội dung trọng tâm xuyên suốt của hội nghị chính là dẫn luận, hệ thống lại các quan điểm của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa. Đây là cơ hội nhìn lại một cách sâu sắc hơn qua 35 năm đổi mới đã có những thành tựu gì và đang tồn tại khó khăn, yếu kém nào... Phát triển, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là nhiệm vụ chính trị, là trách nhiệm chung chứ không phải của riêng ngành văn hóa và những người làm văn hóa, nghệ thuật. Để khơi dậy sự quan tâm đến văn hóa của toàn xã hội, theo bà Trương Thị Thương Huyền cần có sự chung tay của tất cả các cấp, các ngành vì trong bất kỳ ngành nghề nào cũng cần văn hóa. Văn hóa là giá trị tư tưởng, là ứng xử giữa người với người, giữa con người với hoàn cảnh, giữa con người với xã hội, thiên nhiên... Nhằm gìn giữ truyền thống văn hóa không thể nói chung chung mà cần bằng những hành động cụ thể để người dân hiểu và tác động trực tiếp vào nhận thức của họ. Đối với những người làm văn hóa, nghệ thuật thì thông qua các tác phẩm để phản ánh tâm tư tình cảm của nhân dân. Đây là hình thức cụ thể để nhân lên các giá trị và giữ gìn văn hóa...

Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thái

Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thái

Băn khoăn về sự quan tâm hời hợt của một bộ phận không nhỏ thế hệ trẻ ngày nay đối với văn hóa, Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thái cho rằng, văn hóa cần bắt nguồn từ gia đình, đến nhà trường, công sở rồi mới đến xã hội. Xây dựng văn hóa phải là quá trình lâu dài giống như mưa dầm thấm lâu chứ không thể làm được ngay trong một sớm, một chiều. Hải Dương có nền văn hóa phong phú, đậm đặc xuyên suốt chiều dài lịch sử. Cần đưa nội dung giáo dục văn hóa truyền thống vào học đường, từ đó khuyến khích được thế hệ trẻ yêu hơn văn hóa truyền thống, cống hiến cho văn hóa, sống có văn hóa để trở thành công dân tốt.

Nghệ sĩ Minh Đức

Nghệ sĩ Minh Đức

Nghệ sĩ Minh Đức, Phó Giám đốc phụ trách nghệ thuật (Trung tâm Văn hóa nghệ thuật Hải Dương) đánh giá, hội nghị lần này cho thấy văn hóa tiếp tục được quan tâm. Văn hóa đã soi đường cho quốc dân đi trong những giai đoạn khó khăn của đất nước thì không có lý do gì không phát huy được thế mạnh của mình trong giai đoạn hiện nay. Văn hóa cần được quan tâm hơn nữa, nhất là các chế độ, chính sách đãi ngộ với những người làm nghệ thuật - vốn thời gian đào tạo nghề dài nhưng tuổi nghề ngắn. Chỉ khi nghệ sĩ coi nghệ thuật là nghề kiếm sống, thậm chí sung túc thì họ mới yên tâm gắn bó với nghề.

Đồng chí Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Đồng chí Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Qua theo dõi phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi hoàn toàn nhất trí với đánh giá: Trong 35 năm đổi mới gần đây, chúng ta có quyền tự hào về những đóng góp to lớn của nền văn hóa vào sự nghiệp cứu quốc và kiến quốc. Nhận thức về văn hóa ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn trên các lĩnh vực, các loại hình. Các sản phẩm văn hóa ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu mới, nhiều mặt của xã hội. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa của dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát triển... Việc đấu tranh, phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, chống các quan điểm, hành vi sai trái gây tác hại đến văn hóa, lối sống được chú trọng hơn.

Đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ rõ, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, chúng ta cũng cần nhìn thẳng vào những hạn chế, bất cập, yếu kém trên lĩnh vực văn hóa, tìm ra nguyên nhân và giải pháp để khắc phục. Nền văn hóa Việt Nam nói chung và của Hải Dương nói riêng cần tiếp tục được các cấp, ngành nhận thức sâu sắc, được quan tâm một cách đầy đủ tương xứng với kinh tế và chính trị thì thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh để phát triển bền vững.

Đồng chí Mai Xuân Anh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh

Đồng chí Mai Xuân Anh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh

Những giá trị văn hóa được làm rõ hơn tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ là tiền đề để tổ chức công đoàn các cấp triển khai, cụ thể hóa các hoạt động trong việc tham gia xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động trong thời đại mới yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại.

Ngày 12.10.2021, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký kết chương trình phối hợp về xây dựng đời sống văn hóa trong công chức, viên chức và công nhân lao động giai đoạn 2021 - 2026. Trước đó, tại Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12.6.2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” đã đề cập cụ thể nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người trong hoạt động công đoàn, tập trung vào giải pháp xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh.

Điều này cho thấy xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần, nâng cao sức khỏe trong công chức, viên chức, công nhân lao động, xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa ngày càng được chú trọng. Yếu tố văn hóa đã và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh.

TIẾN HUY

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/doi-song-van-hoa/giu-gin-ban-sac-van-hoa-dan-toc-187528