Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc - chủ trương lớn gắn liền với công cuộc đổi mới

Giữ gìn bản sắc văn hóa là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, gắn liền với quá trình tiến hành công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Mỗi nền văn hóa trên thế giới đều có bản sắc văn hóa riêng nhằm nhận diện hệ giá trị văn hóa của dân tộc đó trong sự đa dạng của văn hóa nhân loại. Bản sắc văn hóa dân tộc là một yếu tố đảm bảo để văn hóa của từng cộng đồng, từng quốc gia không bị hòa tan, không bị trộn lẫn. Vì vậy, giữ gìn bản sắc văn hóa là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, gắn liền với quá trình tiến hành công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

Nhằm tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển toàn diện đất nước, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định “giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam…”(1). Tính đúng đắn trong quan điểm trên của Đảng được thể hiện ở ba khía cạnh:

Một là, xác định phát triển văn hóa là mạch nguồn xuyên suốt, là cơ sở đảm bảo cho “giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc” trong giai đoạn hiện nay.

Trên tinh thần “hòa nhập không hòa tan”, đáp ứng được yêu cầu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định phát triển văn hóa là trục xuyên suốt, có vị trí ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Bản sắc văn hóa dân tộc là hồn cốt của văn hóa dân tộc Việt Nam, là những gì tinh hoa, tinh túy nhất, được kết tinh bởi lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Xác định đúng vị trí, vai trò của văn hóa, Đảng ta đã ban hành những nghị quyết có ý nghĩa chiến lược về phát triển văn hóa Việt Nam, thể hiện sự phát triển ngày càng hoàn thiện về tư duy lí luận: từ Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII; Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, đến Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI. Từ việc xác định văn hóa “là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”(2) năm 1998, đến năm 2014 khẳng định “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”(3) và năm 2016 tiếp tục nhấn mạnh “văn hóa là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc”(4).

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định “tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa”… nhằm “giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam…”(5) bởi “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn.”(6) Điều này xuất phát từ thực trạng quá trình hội nhập hiện nay, văn hóa Việt Nam bên cạnh việc đã tiếp thu nhiều tinh hoa tri thức của nhân loại, đón nhận những ảnh hưởng văn hóa mới, tiến bộ, còn có nhiều nọc độc văn hóa đang âm thầm phá hoại bản sắc văn hóa dân tộc. Trong khi đó, các thế lực thù địch lợi dụng toàn cầu hóa và chính sách đối ngoại mở cửa của Việt Nam để thực hiện âm mưu phá hoại văn hóa, tư tưởng, thực hiện “diễn biến hòa bình” nhằm tạo ra tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về văn hóa, tư tưởng. Vì thế, cần đặc biệt chú trọng tới việc “chấn hưng và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời gian tới”(7), mà trọng tâm là giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Hai là, xác định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng xây dựng nội dung cơ bản của hệ giá trị văn hóa Việt Nam.

Đây là yêu cầu căn bản của việc xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam, làm cơ sở chính trong việc “giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”. Cốt lõi của vấn đề nằm ở chỗ, hiện nay nước ta đang ở vào thời kì then chốt của sự phát triển, cạnh tranh sức mạnh tổng hợp quốc gia trên phạm vi thế giới ngày càng gay gắt, các nền văn hóa, các loại hình văn hóa đan cài nhau, các thế lực thù địch đã lợi dụng cơ hội này để thực hiện mưu đồ “diễn biến hòa bình”, tự diễn biến, tự chuyển hóa trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng đối với nhân dân ta. Do đó, việc xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với tính khoa học, đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn sẽ có tác dụng quan trọng trong việc bảo vệ sự thống nhất quốc gia, giữ gìn được đoàn kết dân tộc, xúc tiến xã hội hài hòa, tăng cường sức mạnh tổng hợp, đồng thời sẽ phát huy tác dụng trong việc chống lại sự thẩm thấu và ảnh hưởng của các loại trào lưu tư tưởng xã hội, quan niệm, lối sống không phù hợp từ bên ngoài.

Đảng ta kiên định lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng nhưng trên tinh thần: “Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống”(8). Lấy lí luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm thống nhất về tư tưởng và hành động, dẫn dắt luồng tư tưởng xã hội đúng đắn, phát huy được đúng công năng thực lực mềm của văn hóa và xác lập được ý thức xã hội tiên tiến, xây dựng bức tường thành văn hóa - tư tưởng vững chắc, trong đó hạt nhân bên trong là hệ giá trị văn hóa Việt Nam. Bởi vì: “Một dân tộc nếu mất đi lực chủ đạo văn hóa, thì có nghĩa là mất đi linh hồn, mất đi sức mạnh tinh thần để dựa vào đó mà tụ hội. Một quốc gia nếu trụ cột tinh thần suy sụp, trận địa văn hóa không còn, cảnh giác an toàn văn hóa thấp, lực tụ hội thành viên xã hội sẽ yếu đi…”(9).

Ba là, xác định xây dựng hệ giá trị văn hóa làm trụ cột trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Những tác động của quá trình toàn cầu hóa, sự cạnh tranh quốc tế, những thách thức của an ninh phi truyền thống, công nghệ số, xã hội số, văn hóa số… sẽ tác động mạnh mẽ đến sự phát triển văn hóa và cuộc đấu tranh trên lĩnh vực văn hóa - tư tưởng sẽ diễn ra quyết liệt, phức tạp hơn. Do vậy, cần xây dựng hệ giá trị văn hóa nhằm xác định và sắp xếp các giá trị riêng lẻ, liên kết với nhau tạo thành một hệ thống các giá trị có ý nghĩa đối với cộng đồng, bao hàm cả xác định vị trí, tầm quan trọng của từng giá trị trong hệ giá trị đó.

Hệ giá trị văn hóa của một nền văn hóa được xác lập dựa trên nền tảng truyền thống văn hóa lâu đời, tính cách dân tộc, tầm vóc văn hóa, nền tảng kinh tế - xã hội, sự giao lưu, giao thoa, tiếp thu phù hợp tinh hoa văn hóa bên ngoài... Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa…”(10). Quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ giá trị văn hóa đặc biệt chú trọng tới xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện bởi con người là chủ thể sáng tạo văn hóa, vừa là khách thể của văn hóa. Chỉ khi con người phát triển toàn diện, có lòng tự tôn, tự hào dân tộc thì mới phát huy và sáng tạo những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc của dân tộc và mới có ý thức hoàn thiện chính mình.

Nghiên cứu để xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam cần được thúc đẩy mạnh mẽ và cần có biện pháp quảng bá, tuyên truyền trong và ngoài nước để mọi người Việt Nam hưởng ứng, thực hiện. Phải coi đây là việc làm của mọi ban, ngành, của cả hệ thống chính trị, đặc biệt đưa vào giáo dục trong các nhà trường, hướng con người Việt Nam vào việc phát huy các giá trị chung của dân tộc, từ đó tạo nên cốt cách, bản lĩnh riêng của con người và văn hóa Việt Nam. Quá trình ấy cần sự đồng thuận, vào cuộc của mọi người dân nhằm sáng tạo văn hóa mới, bởi lẽ “…phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lí, nhân dân là chủ thể sáng tạo”(11).

Việc xác định đúng vị trí, vai trò của bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng được hệ giá trị văn hóa phù hợp với đặc điểm, điều kiện lịch sử, tâm thức, lối sống của con người Việt Nam, cùng với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, “...nhất định chúng ta sẽ khắc phục được mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức để chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp tục làm vẻ vang thêm cho dân tộc, cho giống nòi, tạo thành sức mạnh vô song để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, Đất nước ta ngày càng phồn vinh, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng của một dân tộc anh hùng, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới.”(12).

LÊ THỊ HUYỀN (vannghequandoi.com.vn)

___________________

(1) (5) (10) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII,Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.143, 143, 143.

(2) Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương: Tài liệu nghiên cứu Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1998, tr.36.

(3) (11) Ban Tuyên giáo Trung ương: Tài liệu học tập Nghị quyết và một số chủ trương của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2014, tr.15, 16.

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2016, tr.126.

(6) (7) (12) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2022, tr.157, 168, 177.

(8) (9) Hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong đổi mới hội nhập, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Nxb. Văn hóa thông tin, H, 2013, tr.127, 127.

Nguồn Tuyên Giáo: https://www.tuyengiao.vn/giu-gin-ban-sac-van-hoa-dan-toc-chu-truong-lon-gan-lien-voi-cong-cuoc-doi-moi-155023