Giữ gìn bản sắc văn hóa nông thôn mới khu vực miền núi: Sự lên tiếng của văn hóa tộc người

Dưới góc nhìn nông thôn mới (NTM), văn hóa là sự hài hòa và gắn kết bền chặt của hai yếu tố hiện đại – tiên tiến và bản sắc – truyền thống. Song, không thể phủ nhận, trong xây dựng NTM ở khu vực miền núi, nhất là với lĩnh vực văn hóa, không thể không đề cao 'tiếng nói' của bản sắc văn hóa tộc người.

Những nếp nhà sàn ở thung lũng Kho Mường (huyện Bá Thước). Ảnh: Lê Dung

Còn nhớ cách đây chừng dăm bảy năm, từng rộ lên hiện tượng chuyển dịch các nếp nhà sàn từ miền ngược xuống miền xuôi. Nhiều người đã bán đi không chỉ là nếp nhà che nắng che mưa, mà còn bán luôn cả nếp sống, cả tập quán cư trú và sinh hoạt, vốn đã ăn sâu bén rễ cùng dân tộc mình suốt bao đời nay. Để rồi, thay vào đó là những khối sắt thép, xi măng, gạch đá được dựng thành nhà ngói, nhà bằng và nằm lạc lõng, thô kệch trong các thung lũng hay trên các sườn dốc. Sự “chảy máu” nhà sàn cũng chính là sự rơi rớt một phần văn hóa tộc người, hay sự mai một của một trong những tín hiệu văn hóa lấp lánh, góp phần làm nên bản sắc các dân tộc ít người nơi rẻo cao. Bởi vậy mà, khi về bản Kho Mường (xã Thành Sơn, huyện Bá Thước), chứng kiến những nếp nhà sàn truyền thống người Thái nằm nép mình dưới tán rừng già, chúng tôi đã không khỏi ngạc nhiên.

Nằm sâu trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông và cách trung tâm huyện hàng chục km, có lẽ chính cái địa hình trắc trở ấy đã giữ cho những nếp nhà sàn nằm lại với bản, hay do con người nơi đây luôn có ý thức gìn giữ nếp sinh hoạt trong nhà sàn. Ngôi nhà sàn khá bề thế của gia đình ông Hà Đình Nếch án ngữ ngay lối vào bản. Được xây dựng từ thời ông cha nên từ lối kiến trúc, các nguyên vật liệu cơ bản được sử dụng, đến cách thức bài trí trong nhà đều điển hình cho kiểu nhà sàn truyền thống dân tộc Thái. Khi dự án du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông phát triển và bản Kho Mường cũng nằm trong xu thế ấy, ông Nếch đã sửa sang lại ngôi nhà để làm nơi nghỉ chân cho du khách. Làm du lịch vừa mang lại nguồn thu nhập cho gia đình, cũng đồng thời tạo cơ sở giúp ông giữ gìn được nếp nhà ông cha khỏi sự nhòm ngó của những người “săn” nhà sàn những năm trước.

Với hơn 80% dân số là đồng bào Thái, Mường, có thể nói, chính những cộng đồng này đã sản sinh, bồi đắp nên vốn văn hóa đặc trưng cho huyện vùng cao Bá Thước. Đó là kiến trúc nhà ở, trang phục, ẩm thực, ngôn ngữ, phong tục tập quán, lễ hội, tín ngưỡng... đều có những nét riêng, độc đáo. Do vậy, khi xây dựng NTM, địa phương không thể không đặt vấn đề gìn giữ và phát huy vốn văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc này. Gắn phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với xây dựng NTM, đến nay, toàn huyện đã tổ chức khai trương và đăng ký xây dựng 7 xã đạt chuẩn văn hóa NTM và 205 thôn, bản, khu phố văn hóa; đã công nhận 2 xã đạt chuẩn văn hóa NTM và 140 thôn, bản, khu phố văn hóa. Nhờ đó, nhiều lễ hội truyền thống được khôi phục; các loại hình văn nghệ dân gian như mo Mường, khặp Thái và nhiều trò chơi, trò diễn được phát huy trong lễ hội, đám hiếu, đám hỉ; hệ thống thiết chế văn hóa – thể thao cơ sở như sân vận động, nhà thi đấu, trung tâm tập luyện thể thao vùng dân tộc thiểu số được đầu tư xây dựng; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao quần chúng được hỗ trợ phát triển.

Khu vực miền núi Thanh Hóa có 7 dân tộc anh em cùng sinh sống, gồm Mường, Thái, Mông, Dao, Thổ, Kinh và Khơ Mú. Trong quá trình quần cư lâu dài, sự giao thoa văn hóa giữa các tộc người đã diễn ra liên tục, cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội. Vậy, nên đặt vấn đề gìn giữ các yếu tố văn hóa đặc trưng tộc người ra sao cho phù hợp? Đơn cử như trang phục truyền thống được xem là một dấu hiệu nhận diện tộc người. Theo đó, mỗi dân tộc đang sinh sống trên dải đất phía Tây Thanh Hóa đều có trang phục đặc trưng của dân tộc mình. Thế nhưng, ngày nay không khó bắt gặp các chàng trai, cô gái người Thái, người Mông... khoác trên mình những bộ váy áo hiện đại. Trang phục dân tộc với hoa văn sặc sỡ, kiểu dáng truyền thống thường chỉ thấy người già mặc, hoặc xuất hiện trong các dịp lễ lạt. Không phủ nhận sự thuận tiện của loại trang phục mới và nhất là nhu cầu chính đáng được theo cái mới. Song, vẫn có điều gì thật đáng tiếc. Trang phục, tiếng nói, chữ viết - vốn là những thành tố quan trọng của văn hóa các dân tộc ít người – lại đang “nhạt” dần trong đời sống của chính cộng đồng đã sản sinh ra nó. Rồi nhiều lễ hội truyền thống, nhiều phong tục đang bị pha loãng, hay bị biến dạng do sự lắp ghép, thêm thắt các yếu tố hiện đại... Điều đó khiến cho cái mới thì chưa tới, mà cái truyền thống lại không “thật” hoàn toàn.

Văn hóa là lĩnh vực có tính mở cao. Do đó, bên cạnh các yếu tố “đậm đà bản sắc”, thì việc tiếp thu các yếu tố “tiên tiến” để xây dựng NTM là cần thiết và có tính tất yếu. Đó là sự bồi đắp nhằm làm phong phú, đa dạng hơn đời sống tinh thần con người. Tuy nhiên, nhìn ngược lại, sự biến đổi của văn hóa tộc người hiện nay cũng đang đi liền với không ít sự mất mát, hao mòn của các giá trị tốt đẹp, vốn là nhân tố góp phần làm nên bản sắc văn hóa xứ Thanh. Trong khi, cái “mạch” chính của văn hóa NTM vẫn phải xuất phát từ các yếu tố bản sắc văn hóa tộc người. Bởi nó được ví như “bộ gien” định hình nên đặc trưng của mỗi dân tộc, hay là cách thức để “mã hóa” cái bản sắc riêng, độc đáo của từng dân tộc trong cộng đồng các dân tộc cùng chung sống. Và do đó, xây dựng một “diện mạo mới” cho văn hóa NTM, trước hết phải là sự nối tiếp và kế thừa các giá trị tốt đẹp của nông thôn truyền thống.

Trong bộ 19 tiêu chí NTM, có 2 tiêu chí thuộc lĩnh vực văn hóa là cơ sở vật chất văn hóa (tiêu chí 6) và văn hóa (tiêu chí 16). Có thể thấy, về mặt số lượng, chiếm 2/19 tiêu chí NTM đã phần nào cho thấy sự “ưu ái” nhất định dành cho lĩnh vực văn hóa. Điều này cũng là hiển nhiên khi văn hóa làng xã, từ lâu đã được thừa nhận là cơ sở của văn hóa dân tộc. Cũng theo quy định, thì việc hội tụ được 2 tiêu chí này sẽ là điều kiện “cần” và “đủ” để một địa phương có thể đạt chuẩn văn hóa NTM. Cụ thể: Có cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động văn hóa; người dân biết giúp nhau phát triển kinh tế; xây dựng gia đình, làng bản văn hóa; các hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống gắn với thuần phong mỹ tục được gìn giữ, phát huy, các di tích lịch sử, cảnh quan thiên nhiên được bảo vệ; nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội được thực hiện; môi trường xanh sạch, ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn xã hội; người dân được phổ biến và nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, pháp luật của Đảng, Nhà nước...

Người ta có thể ngạc nhiên hay trầm trồ về cái trụ sở to đẹp, con đường bê tông láng mới, hay lưới điện đã làm sáng dậy cả một vùng đất heo hút. Đó là một phần diện mạo của NTM và giá trị nó mang lại cho đời sống người dân là không thể phủ nhận. Song, đó vẫn là cái vỏ vật chất bên ngoài và nó chưa đủ để giúp ta phân biệt đặc trưng từng tộc người. Bởi, mỗi bản, làng ví như một bản thể, có điểm tương đồng và có nét khác biệt. Cho nên, dù việc đưa ra nhiều các “chuẩn” là cần thiết, nhưng với văn hóa, sẽ khó có một “chuẩn” chung về phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, văn học dân gian, nghệ thuật diễn xướng, kiến trúc, điêu khắc, ăn, mặc, ở, đi lại... cho các tộc người. Nói cách khác, dù có dựa theo các tiêu chí chung của NTM, thì mỗi bản làng cũng không thể “đánh mất mình”. Cũng ví như truyền hình, in-tơ-net dù đã phủ sóng rộng khắp, thế nhưng, dưới ngọn lửa đêm hội mừng lúa mới, bên ché rượu cần ngày xuân, hay trên bậc thang nhà sàn mỗi đêm trăng phủ bạc núi rừng... người già vẫn kể cho lớp trẻ về lịch sử bản mường, hay quá trình đấu tranh sinh tồn của cha ông họ. Đó là truyền thống, là văn hóa, cũng chính là nét khu biệt giữa các dân tộc với nhau. Vì vậy, có lẽ không quá khi cho rằng, cái lõi của NTM phải là văn hóa!

Gìn giữ bản sắc văn hóa trong xây dựng NTM, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong thực tế, đang gặp không ít khó khăn. Đó không chỉ là nguồn kinh phí sự nghiệp eo hẹp dành cho công tác bảo tồn di sản; hay đôi khi là việc hành chính hóa văn hóa cũng khiến nó trở nên xơ cứng, chạy theo phong trào. Mà đáng nói hơn, đó là thiếu đi ý thức, vai trò, trách nhiệm của bản thân cộng đồng đang thừa hưởng, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa ấy. Do đó, để xây dựng được đời sống văn hóa mới, thiết nghĩ không thể không đề cao “tiếng nói” bản sắc tộc người, nhằm bảo vệ các giá trị văn hóa đã được cha ông ta gây dựng và trao truyền hàng nghìn năm qua.

Bài và ảnh: Hoàng Xuân

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/giu-gin-ban-sac-van-hoa-nong-thon-moi-khu-vuc-mien-nui-nbsp-su-len-tieng-cua-van-hoa-toc-nguoi/106541.htm