'Giữ gìn Đảng ta thật trong sạch…'

Trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn Dân trước lúc đi xa, những lời căn dặn chí tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành Quốc bảo, thể hiện trách nhiệm, tình cảm của Người đối với Đảng, với Nhân dân. Trong đó, lời dặn đầu tiên của Người là: 'Trước hết nói về Đảng'.

Giữ đoàn kết như giữ con ngươi mắt mình

Lời dặn đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Đảng, trước hết khẳng định vị trí, vai trò tổ chức và lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh, giành thắng lợi này đến thắng lợi khác”.

Điểm lại lời Bác dạy về đoàn kết thì thấy, đó là tư tưởng lớn lao, cũng là chìa khóa để mỗi bước đường cách mạng đều thành công.

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung gặp gỡ cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Minh Hương (Hàm Yên).

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung gặp gỡ cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Minh Hương (Hàm Yên).

Trong “Hồ Chí Minh toàn tập” do Nhà xuất bản chính trị Quốc gia phát hành đã thống kê được 839 trên tổng số 1.921 bài nói, bài viết đề cập đến vấn đề đại đoàn kết, chiếm tới hơn 40%. Nghiên cứu toàn bộ di sản của Người, có thể thấy từ “đoàn kết” được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc trên 2.000 lần và cụm từ “đại đoàn kết” trên 80 lần. Điều đó chứng minh sự quan tâm lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc và cũng cho chúng ta thấy rõ tầm chiến lược tư tưởng đoàn kết của Người.

Phát biểu tại lễ mừng Quốc khánh 2/9/1955, Người nhấn mạnh: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch. Lực lượng đoàn kết đã giúp Cách mạng tháng Tám thành công. Lực lượng đoàn kết đã giúp kháng chiến thắng lợi. Lực lượng đoàn kết sẽ động viên nhân dân từ Bắc đến Nam đấu tranh thực hiện hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước”.

Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, hơn ai hết, Người hiểu rõ sức mạnh to lớn của đoàn kết. Người khẳng định: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Đoàn kết thống nhất trong Đảng chính là cơ sở của đoàn kết toàn dân và đoàn kết quốc tế, là sức mạnh của Đảng và là nguồn gốc của mọi thắng lợi. Do đó, trong công tác xây dựng Đảng, vấn đề đoàn kết được Bác đặt lên hàng đầu, giúp cho Đảng sáng suốt trong tổ chức, lãnh đạo nhân dân, trong xác định đường lối cách mạng.

Tự phê bình và phê bình

Không những chỉ ra vai trò to lớn của sự đoàn kết, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ ra cách thức, phương pháp để thực hiện đoàn kết nhất trí trong Đảng. Đó chính là “Thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Đây không chỉ là sự đúc kết, khái quát mang tầm lý luận sâu sắc mà còn là biểu hiện tầm cao trí tuệ Hồ Chí Minh.

Đảng ta là Đảng cầm quyền, dân chủ trong Đảng là tiền đề để thực hiện dân chủ trong dân. Dân chủ nên Đảng ta đã khơi dậy, phát huy cao nhất trí tuệ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của mình.

Phê bình và tự phê bình không những để sửa chữa khuyết điểm trong Đảng, làm cho đảng viên tiến bộ và mạnh lên mà còn khẳng định Đảng thật sự chân chính. Khi căn dặn về thực hiện phê bình và tự phê bình trong Đảng, Người lưu ý phải tiến hành “thường xuyên và nghiêm chỉnh”. Bởi lẽ, sự phê bình và tự phê bình không kịp thời, không nghiêm chỉnh, phê bình qua loa, hình thức, “dĩ hòa vi quý” thì không có hiệu quả, phản tác dụng.

Một nội dung rất nhân văn trong lời dạy của Bác là “phải có tình thương yêu lẫn nhau”. Bởi trên cơ sở tình đồng chí thương yêu lẫn nhau thì mới thực hành được “dân chủ rộng rãi”, việc phê bình mới thực chất. Không có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau sẽ dẫn đến dân chủ hình thức, lợi dụng dân chủ để sát phạt, hạ bệ nhau.

“Cái gốc” của người cán bộ

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Vì đạo đức cách mạng là “nền tảng”, là “cái gốc” của người cán bộ. Đạo đức cách mạng chính là cơ sở giúp đảng viên và cán bộ giáo dục, thuyết phục và lãnh đạo quần chúng nhân dân, là tấm gương sáng cho mọi người noi theo.

Căn dặn: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho thấy tầm nhìn rộng lớn của một lãnh tụ thiên tài.

Suốt quá trình rèn luyện và trưởng thành, Đảng ta đã không ngừng xây dựng, chỉnh đốn cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Đảng đã tạo sức mạnh, sự thống nhất ý chí, hành động, lãnh đạo toàn dân tộc đánh thắng các kẻ thù ngoại xâm, đưa non sông về một mối; đưa đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.

Nhiều chỉ thị, nghị quyết, quy định được ban hành và tổ chức thực hiện đã cho thấy quyết tâm của Đảng để xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh theo Di chúc Bác Hồ. Nổi bật nhất là kết quả công cuộc phòng chống tham nhũng do Đảng lãnh đạo đã tạo niềm tin mãnh liệt của các tầng lớp nhân dân vào Đảng.

Kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, chúng ta có quyền tự hào về bản chất tốt đẹp, truyền thống anh hùng và lịch sử vẻ vang của Đảng ta - Đảng do Người sáng lập và rèn luyện.

Tự hào có Bác từ những năm đầu cách mạng tháng Tám và cả trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đã và đang ra sức thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; lập thành tích kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, phát huy truyền thống nhân hậu thủy chung, một lòng với sự nghiệp cách mạng do Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn; xây dựng Tuyên Quang ngày thêm phát triển.

Bài, ảnh: Thái An

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/giu-gin-dang-ta-that-trong-sach%E2%80%A6-197668.html