Giữ gìn danh dự của người đảng viên
Đối với mỗi cán bộ, đảng viên, 'danh dự' luôn là điều cao quý, thiêng liêng nhất. Danh dự không phải tự nhiên có được, cũng không phải 'từ trên trời sa xuống' mà được hình thành từ quá trình tu dưỡng đạo đức cách mạng, tôi rèn qua 'lửa đỏ và nước lạnh'. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải giữ cho được tư cách, đạo đức, danh dự của người đảng viên, người cán bộ cách mạng, đồng thời yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải giữ vững 'liêm sỉ' và 'danh dự' của người cách mạng. Với mỗi người cán bộ, đảng viên, hai từ 'danh dự' luôn là điều cao quý, thiêng liêng nhất.
Điều thiêng liêng của người đảng viên
Danh dự là một trong những phẩm chất cao quý của mỗi con người. Đó là nền tảng đạo đức của con người chân chính. Danh dự có ý nghĩa rất lớn thúc đẩy con người làm điều thiện, điều tốt, ngừa điều ác, điều xấu. Người xưa trọng danh dự như mạng sống, thậm chí còn hơn cả mạng sống vì danh dự là điều còn mãi. Đối với người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, liêm sỉ, danh dự lại càng phải được coi trọng hàng đầu.
Theo V.I. Lênin: Lý tưởng đạo đức cao quý nhất của người cộng sản, của đạo đức cộng sản luôn gắn bó với lý tưởng chính trị, là động lực thúc đẩy lý tưởng chính trị trở thành hiện thực cách mạng xã hội chủ nghĩa. Lênin đặc biệt nhấn mạnh: Mỗi cán bộ, đảng viên nếu không tự bôi nhọ đạo đức, thanh danh của mình thì không ai có thể hạ thấp được uy tín của họ.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người lãnh đạo phải biết trọng danh dự, giữ liêm sỉ, không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người”. Thấm nhuần tư tưởng của Người, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: Cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý cần khắc cốt, ghi tâm những lời dạy của Bác, phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Nhìn vào thực tiễn cách mạng của dân tộc ta, đã chứng minh rất rõ điều này, để giữ danh dự, uy tín của Đảng, hàng vạn đảng viên dù phải chịu đòn tra tấn cực hình của kẻ thù, nếm mật nằm gai, đói rét, đau đớn về thể xác, đày đọa về tinh thần nhưng vẫn kiên trung, một lòng với Đảng, với Tổ quốc và dân tộc, cho đến hôm nay, mỗi khi nhắc lại, chúng ta vẫn thầm cảm phục.
Đó là các đảng viên kiên trung trên các con tàu không số, khi bị giặc bắt, moi gan, mổ bụng vẫn đinh ninh “lời thề sắt son với Đảng” không để con đường bị lộ. Là hình ảnh những chiến sĩ tình báo, bị quân thù cưa chân 4 lần, chặt hết 10 đầu ngón tay, lòng vẫn vững vàng như sắt đá, kiên trung với Đảng.
“Danh dự”ấy đã được khẳng định trong lời tuyên thệ của người đảng viên tại buổi lễ kết nạp Đảng thiêng liêng của mình. Đó là giây phút trang trọng, xúc động, tự hào khi được kết nạp vào Đảng, đó là lời thề trước Đảng về lòng trung thành, phấn đấu theo lý tưởng, cương lĩnh, đường lối của Đảng, hoàn thành tốt nhiệm vụ của đảng viên, chấp hành kỷ luật của Đảng, giữ gìn đạo đức, phẩm chất của người cộng sản và góp phần xây dựng Đảng vững mạnh. Đó không chỉ là một câu khẩu hiệu mà chính là lời thề danh dự của người đảng viên.
Khi đã tự nguyện đứng trong hàng ngũ của Đảng, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam phải thực hiện sứ mệnh, trách nhiệm, lòng trung thành của người đảng viên vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Lời thề thiêng liêng, cao quý ấy chính là sức mạnh, động lực giúp các thế hệ cán bộ, đảng viên tiền bối sẵn sàng chịu đựng, chấp nhận gian khổ, hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Nhờ đó, nhân dân tin theo Đảng, sẵn sàng đùm bọc, chở che cho cán bộ, đảng viên, hy sinh cho Đảng, gọi Đảng là “Đảng ta” một cách trìu mến, trân trọng.
Đừng để lời thề danh dự của người đảng viên bị phai nhạt
Trong thời kỳ thực hiện đường lối đổi mới hiện nay, phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng ta, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã không ngừng tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất, đạo đức, về trí tuệ, trình độ lý luận, về năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực tiễn, về bản lĩnh chính trị; tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân, giữ trọn niềm tin của nhân dân.
Thế nhưng, có một thực tế không thể phủ nhận rằng, khi đất nước không còn chiến tranh, vậy mà trước những tác động của nền kinh tế thị trường, những níu kéo của danh vọng, quyền lực, hàng loạt quan chức cấp cao đã phải hầu tòa, hàng nghìn đảng viên phải đứng trước vành móng ngựa, họ không còn giữ được phẩm giá của mình, không còn giữ được lời thề thiêng liêng mà họ đã tuyên thệ trong ngày gia nhập Đảng. Cá biệt một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, vi phạm các chuẩn mực đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội, lợi ích nhóm, chạy theo lợi ích kinh tế.
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhiều lần nhấn mạnh: “Ai chả thích của, thích tiền. Nhưng tôi nói, danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”. Đồng thời khẳng định: “Cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng và đất nước ta còn lâu dài, gian khổ, quyết liệt. Chúng ta mới chỉ hạn chế, ngăn ngừa được một bước. Còn tiền, còn chức, còn quyền, nếu không tu dưỡng, rèn luyện thì sẽ khó tránh khỏi cám dỗ… Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực’’.
Để khắc phục những hạn chế đó, đòi hỏi công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải tiếp tục được tiến hành một cách mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa; đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên cần không ngừng tự nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, luôn đề cao việc giữ gìn danh dự, lòng tự trọng của chính bản thân mình, để luôn xứng đáng đứng trong hàng ngũ của Đảng, xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của Đảng đã được xây đắp bởi biết bao xương máu, công sức của các thế hệ ông cha.
Trong đó, trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải quán triệt và thực hiện thường xuyên, sâu rộng, có hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đặc biệt là Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, với các chỉ thị và kết luận của Đảng về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết số 21-NQ/TWngày 16-6-2022 về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảngvà nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới,Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9-5-2024 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới...
Kết hợp giữa giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng với giáo dục, bồi dưỡng nhân cách, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Chú trọng công tác phát hiện, xây dựng, biểu dương, khen thưởng và nhân rộng những mô hình điển hình trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, các biểu hiện xa rời quần chúng nhân dân, bệnh thành tích, tham nhũng, lãng phí.
Các cấp ủy, tổ chức Đảng chủ động đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nhất là nội dung sinh hoạt tư tưởng trong sinh hoạt Đảng; phát huy tinh thần tự phê bình và phê bình, chú trọng việc bồi dưỡng, nâng cao ý thức, trách nhiệm, giữ vững danh dự, lòng tự trọng và tinh thần nỗ lực, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao của mỗi cán bộ, đảng viên. Triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế khuyến khích, bảo vệ những cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Đề cao ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện, gương mẫu trong thực hiện các chuẩn mực đạo đức; giữ vững hình ảnh, danh dự, tác phong, lối sống của mỗi cán bộ, đảng viên.
Mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn rèn luyện, bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức cách mạng, tạo cho mình tấm lá chắn vững chắc trước những sóng gió, dông bão, để họ xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của nhân dân, giữ bằng được cho mình điều thiêng liêng nhất, đó là danh dự. Đúng như lời của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắn gửi tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào ngày 15-9-2021: “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa, để không phải xót xa, ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ; tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”.
Thượng tá, ThS HOÀNG HỒNG TUẤN, Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng)