Giữ gìn hơi thở văn hóa đô thị: Tấm áo, tấm thân hay tầm vóc mới

Theo báo cáo trong Project for Public Spaces, 2009 thì có 4 tiêu chí xuyên suốt khi xem xét tính chất của một không gian công cộng (KGCC) trong đô thị: Khả năng tương tác xã hội (sociability); công năng và hoạt động (uses and activities); tiện nghi và hình ảnh đô thị (comfort and image); khả năng tiếp cận, kết nối (accessibility and connectivity).

Chính vì tính hệ thống trong quy hoạch - kiến trúc như vậy nên KGCC đang ngày càng thoát khỏi cái nhìn chung chung, cũng như gánh vác trọng trách thay đổi về văn hóa đô thị trong thời hiện đại và tương lai. Do vậy, nhắc đến KGCC, chúng ta phải nghĩ cùng lúc đến những công trình kiến trúc gắn liền và tương tác quanh nó, thay vì chỉ gọi tên là “công viên, nhà hát, nhà văn hóa” và nghĩ đến… đơn vị chủ quản là ai!

Việc bảo tồn ở Saint Rémy dù không tiếp nối hoạt động cho công trình, nhưng giữ gìn cảnh quan và tôn trọng ký ức về xã hội trọn vẹn, các lớp cảnh quan dọc bờ suối cho thấy rõ bối cảnh thiên nhiên từ xa xưa với đường đi bộ công cộng bằng đất.

Việc bảo tồn ở Saint Rémy dù không tiếp nối hoạt động cho công trình, nhưng giữ gìn cảnh quan và tôn trọng ký ức về xã hội trọn vẹn, các lớp cảnh quan dọc bờ suối cho thấy rõ bối cảnh thiên nhiên từ xa xưa với đường đi bộ công cộng bằng đất.

Gần đây, thành phố Thủ Đức mới thành lập là một trong những cơ hội để nhìn nhận lại về cách thức xây dựng thành phố đương đại sao cho tạo nên KGCC tiện ích và có văn hóa, thông qua nghiên cứu bài học kinh nghiệm của các nước phát triển để học hỏi có chọn lọc, kế thừa có điều chỉnh sao cho hợp xứ ta. Đơn cử như Paris với Sài Gòn - TP.HCM tuy cách nhau nửa vòng trái đất nhưng lại có chung các nền tảng về quá trình hình thành hệ thống di sản đô thị.

Và câu chuyện xử lý KGCC mang tính di sản ở Paris là rất đặc sắc và cá biệt, đầy lãng mạn nhưng không kém phần thực tế, thực dụng, trong đó đồng hành cùng nhau tồn tại 3 trường phái - quan niệm chính: bảo tồn nguyên vẹn; chuyển đổi chức năng và nâng tầm; đập bỏ, xây mới toàn bộ. Có thể “điểm danh” các trường phái trên như sau:

Vì những gì … “muôn năm cũ”

Đại diện cho trường phái bảo tồn và duy tu “già nua” này là thành phố St Remy Chevreuse (1). Một đô thị nhỏ xinh mà trong cái nhìn đầu tiên dễ khiến mọi du khách ngạc nhiên, đặc biệt khung cảnh ở đây khá tương đồng với Việt Nam. Vốn nổi tiếng với ngành công nghiệp thuộc da, nhưng thay vì phá bỏ công xưởng và những công trình cũ này đi, người ta giữ lại phần kiến trúc cổ rêu phong xen lẫn với những mảng xanh sân vườn sau những ngôi nhà hiện đại, tạo nên quang cảnh rất nên thơ. Bảo tồn ở đây dù không tiếp nối hoạt động cho công trình, nhưng lại giữ gìn cảnh quan và tôn trọng ký ức về xã hội khá trọn vẹn.

Còn tại Île de France (2), từng mét vuông là những công trình tồn tại từ thời Trung cổ đến nay, được gìn giữ rất tốt làm nên trái tim của Paris hoa lệ. Trong số đó, có lẽ nhà thờ Notre Dame đã quá nổi tiếng, mệnh danh là trái tim của cả nước Pháp. Trận hỏa hoạn làm sụp hẳn một phần mái phía nam nhà thờ đã gây chấn động dân Pháp và dù nhiều phương án táo bạo để cải tạo nhà thờ được đề xuất đến từ khắp thế giới, nào là làm mái kính, nào là xây hồ bơi trên mái nhà thờ để chống cháy… thì tuyệt đối không một ai bằng lòng, vì họ chỉ muốn nhà thờ được “vẹn nguyên” như lúc ban đầu mà thôi.

Hình ảnh lịch sử Les Halles vào năm 1696 với kết cấu rất tân kỳ thời đó. Tuy nhiên, khu chợ không được sạch sẽ, dù là ở trong trung tâm Paris.

Hình ảnh lịch sử Les Halles vào năm 1696 với kết cấu rất tân kỳ thời đó. Tuy nhiên, khu chợ không được sạch sẽ, dù là ở trong trung tâm Paris.

Cách tiếp cận của nhóm thứ hai: chuyển đổi công năng công trình cũ, tạo sức sống mới cho di sản là không “đóng băng” công trình hoặc xóa sổ hoàn toàn, mà thổi hồn mới vào cái “xác” đã mai một, xuống cấp hoặc không còn hoạt động đúng công năng cũ. Ví dụ khá thành công sau đây, Les Halles Freyssinet (3) mang một số phận tương đối giống… cảng Ba Son của TP.HCM, nhưng với một kịch bản khác đã đưa đến Station F như ngày hôm nay. Khu nhà ga xưa sở hữu một kiến trúc nổi bật vào thời kỳ đầu thời hiện đại của Pháp, với các cuốn vòm bằng bê tông mỏng, hệ cột mảnh hình pyramide tạo thành một kết cấu nhẹ và thanh lịch.

Bị bỏ hoang vào 1960 và đứng trước mối nguy bị phá hủy hoàn toàn để xây dựng khu Paris Rive Gauche (4), Paris buộc đứng trước hai lựa chọn, một là giữ, hai là phá, giống như câu chuyện của Ba Son. Hàng ngàn nghiên cứu được lập ra và tranh luận kịch liệt, để cuối cùng, École de Chaillot (5) đã thành công trong việc nghiên cứu và ghi danh công trình trở thành di sản lịch sử kiểu mới. Kết quả là, toàn bộ phần kết cấu của nhà ga cũ đã giữ lại, nhưng được chuyển đổi công năng thành một trung tâm khởi nghiệp lớn nhất thế giới.

Để mới không nới cũ

Nhưng gây “nóng” nhất trong các tranh luận về giữ gìn hồn cốt không gian đô thị là nhóm giải pháp thứ ba: đập đi xây mới hoàn toàn các khu vực có “hồn vía” một thuở nhưng “thân xác” thì xuống cấp nặng, thậm chí chẳng còn gì. Đại diện cho trường phái này có khá nhiều ở Paris, đơn cử như Les Halles.

Notre Dame Paris luôn là điểm đến hấp dẫn ở Paris, trước và sau khi vụ cháy nhà thờ Notre Dame xảy ra (ảnh Antoine Cau) cùng một số ý tưởng cải tạo lại nhà thờ nổi tiếng này. Ảnh: Paris Match

Notre Dame Paris luôn là điểm đến hấp dẫn ở Paris, trước và sau khi vụ cháy nhà thờ Notre Dame xảy ra (ảnh Antoine Cau) cùng một số ý tưởng cải tạo lại nhà thờ nổi tiếng này. Ảnh: Paris Match

Les Halles trong tiếng Pháp có nghĩa là chợ. Cái tên Chatelet les Halles ngày nay lấy nguồn gốc từ một chợ truyền thống nằm ngay trung tâm Paris năm 1135. Chợ được xây dựng và mở rộng cho đến năm 1969. Vì gây mất mỹ quan thành phố, nên chợ đã bị phá hủy hoàn toàn và chuyển ra ngoại ô. Vào năm 1979, từ khu đất trống ấy, một trung tâm thương mại với kiến trúc hoành tráng mọc lên, thay thế hoàn toàn ngôi chợ cổ.

Từ Les Halles đi về phía đông nam khoảng vài trăm mét chính là khu Trung tâm văn hóa Pompidiou nổi tiếng, một “công xưởng” văn hóa ngay giữa lòng Paris hoa lệ theo trường phái Hi-Tech. Công trình làm năm 1977 này cũng từng một thời gian gây tranh cãi về cách thức “xóa hết xây mới” với dung mạo công nghiệp nhưng lại cực kỳ hút khách và trở thành dạng “di sản mới” tiêu biểu cho thời kỳ hiện đại về sau.

Phần vòm cong trung tâm được giải phóng tạo thành một không gian cộng đồng, 2 tầng cánh hai bên được sử dụng cho các khu làm việc chung, các công ty khác nhau. Khu bar, café được thiết kế trong những container để tưởng niệm lại một phần quá khứ công nghiệp của Halles Freyssinet.

Phần vòm cong trung tâm được giải phóng tạo thành một không gian cộng đồng, 2 tầng cánh hai bên được sử dụng cho các khu làm việc chung, các công ty khác nhau. Khu bar, café được thiết kế trong những container để tưởng niệm lại một phần quá khứ công nghiệp của Halles Freyssinet.

Trung tâm thương mại Chatelet les Halles mới là một minh chứng cho sự thay đổi tư duy của người Pháp về chợ và về định hướng phát triển thành phố. Nơi này thành điểm tam hợp: Chatelet Les Halles - Nhà thờ St Lorette - Bourse de Commerce xoay quanh một không gian công cộng đa năng.

Trung tâm thương mại Chatelet les Halles mới là một minh chứng cho sự thay đổi tư duy của người Pháp về chợ và về định hướng phát triển thành phố. Nơi này thành điểm tam hợp: Chatelet Les Halles - Nhà thờ St Lorette - Bourse de Commerce xoay quanh một không gian công cộng đa năng.

Những câu chuyện nêu trên chứng minh được sự phong phú về cách xử lý các di sản của Paris. Tuy nhiên, để quyết định được cách xử lý 1, 2 hay cách 3 cho mỗi công trình sao cho đúng đắn, hợp với lợi ích các bên và phát triển bền vững luôn là điều không dễ dàng nếu không nhanh chóng xây dựng thái độ và phương cách tiếp cận khoa học và cầu thị. Việt Nam cũng cần tránh áp đặt khuôn mẫu kiểu “đúng quy trình” bởi số phận và đặc thù của mỗi công trình rất khác nhau, nên dù sở hữu những di sản tương đồng với Pháp, nhưng chúng ta vẫn đang loay hoay với cách thức, phương pháp nghiên cứu để xử lý câu chuyện di sản sao cho không xung đột với đặc thù kinh tế, xã hội, văn hóa Việt.

Bài viết xin nêu một số đề xuất sau:

Thứ nhất, chúng ta cần xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu chuẩn mực và liên ngành. Thực tế các KGCC có giá trị lịch sử ở Paris luôn được cả hệ thống khoa học và kinh tế quan tâm, nghiên cứu rất kỹ lưỡng để chọn lọc cách thức can thiệp phù hợp.

Ví dụ, những công trình cổ được xếp hạng di sản, sẽ không được phá bỏ, dù cho có tạo ra một kiến trúc mới vô cùng lộng lẫy đi chăng nữa, như bảo tàng Louvre là minh chứng hùng hồn. Khối kiến trúc mới hình kim tự tháp kính của Louvre hoàn toàn không làm xâm hại toàn bộ khối kiến trúc di sản mà giúp tôn cái đẹp của quá khứ nhiều hơn. Như Station F, với giá trị về mặt kết cấu mang tính thời đại, người ta sẵn sàng nghiên cứu dài hơi và sắp xếp nó vào diện di sản để được giữ lại.

Thứ hai, từ hệ thống dữ liệu, các ngành các cấp liên quan sẽ phải hoàn thiện bộ luật di sản của ta trở nên chặt chẽ và đủ tầm nhìn lâu dài, để bảo vệ và phát triển đúng cách những công trình cổ mà không tạo nên những băn khoăn, bị phản đối như những trường hợp cảng Ba Son, dinh Thượng Thư hay mới đây nhất là nhà thờ Franciscaines trong khuôn viên trường Đại học Kiến Trúc cơ sở tại Đà Lạt.

thứ ba, về chọn lựa khả năng hoạt động cho các KGCC khi chuyển đổi công năng cần nằm trong bức tranh tổng thể liên hoàn các hoạt động văn hóa, xã hội của toàn thành phố, của cư dân và cả của du khách, chứ không phải của riêng công trình đó nữa. Điều này đến từ việc thiếu nghiên cứu sát sao về số lượng người, giới tính, nhu cầu hoạt động, tương tác… nên chúng ta không biết phải tạo ra công trình có hoạt động văn hóa gì, thế nào, lúc nào… cho ổn.

Thêm nữa, những hoạt động hiện nay đang diễn ra cũng hay tập trung vào yếu tố kinh tế, theo hình thức “lấy ngắn để nuôi dài” nhưng chính nó còn không tồn tại nổi thì nuôi ai. Ví dụ như hoạt động ăn uống nơi KGCC tại các quảng trường, khu sinh hoạt văn hóa… thì không thể nào đạt chuẩn mực truyền thống và có nề nếp, gò thì bó, mà để bung thì bét, như khá nhiều chủ nhà hàng phải trả mặt bằng lại tại các khu gọi là “đắc địa” khi chi phí mặt bằng quá cao, cạnh tranh không được với hàng rong, mà sức ép phải “có văn hóa” khiến họ không thể tổ chức hoạt động cho phù hợp. Ở thái cực khác, những khu vực “bất chiến tự nhiên thành” do đã có tiếng tăm từ lâu lại lâm vào cảnh bị “vỡ trận” bởi quá tải du khách và người dân đến vui chơi, tham quan, sinh hoạt vào các dịp lễ tết.

Gian chính khu Công viên khoa học La Villette nổi tiếng hiện nay cũng được thừa hưởng từ nhà xưởng công nghiệp cũ trước đây.

Gian chính khu Công viên khoa học La Villette nổi tiếng hiện nay cũng được thừa hưởng từ nhà xưởng công nghiệp cũ trước đây.

Les Halles Freyssinet trước khi cải tạo cho thấy, phần kết cấu đặc trưng vòm cuốn và hệ cột pyramide độc đáo.

Les Halles Freyssinet trước khi cải tạo cho thấy, phần kết cấu đặc trưng vòm cuốn và hệ cột pyramide độc đáo.

Chợt nhớ câu Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ? trong bài thơ “Ông đồ” của nhà thơ Vũ Đình Liên gợi lên câu chuyện về tiếp nối, kế thừa, phát triển. Chẳng ai và chẳng bao giờ có thể giữ mãi con người, vật chất, nơi chốn… mà không va chạm với bước chân phát triển. Nhưng phát triển cũng như con người, khéo léo ý tứ nâng niu trên từng bước đường sẽ khác với giẫm đạp sỗ sàng, vội vàng phá bỏ. Vẫn là đích đến đó, chỉ tiêu đó, nhưng cách thức tiếp cận và tiếp nhận, tiếp nối và tiếp diễn thế nào để song hành, dung hòa các lợi ích về KGCC có văn hóa, có ký ức và có ích lợi là câu chuyện không bao giờ cũ, thậm chí luôn nóng lên từng ngày…

Bài: KTS Lê Khánh Vân - KTS Huân Tú

Ảnh: Vân Lê, Huân Tú, TL

________________

Chú giải:

(1) Saint Rémy Lès Chevreuse: vùng phụ cận nam Paris, nằm trong thung lũng Yvette, được xếp hạng là vùng bảo tồn thiên nhiên, do vậy việc xây dựng các tòa nhà cao tầng, đương đại bị hạn chế tối đa. Phân xưởng thuộc da lâu đời nhất được bảo tồn nguyên vẹn cùng nhà thờ St Remy và lâu đài Madeleine, trở thành điểm du lịch lịch sử thu hút gia đình và giới trẻ đến khám phá cuối tuần

(2) Île de France: khu trung tâm Paris với một số đảo trên sông Seine

(3) Les Halles Freyssinet: nhà ga thư tín ra đời vào 1929 gắn liền với Gare Austerlitsz, tọa lạc tại quận 13, Paris. Hiện tại là Trung tâm khởi nghiệp Station F

(4) ZAC Paris Rive Gauche: khu đô thị đương đại nằm ở tả ngạn sông Seine, chủ yếu là công trình công cộng, văn phòng, chung cư và các tiện ích thương mại, dịch vụ

(5) École Chaillot: trường đại học mở vào năm 1887 nghiên cứu chuyên sâu về di sản và đào tạo những kiến trúc sư bảo tồn và trùng tu.

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/giu-gin-hoi-tho-van-hoa-do-thi-tam-ao-tam-than-hay-tam-voc-moi-28513.html