Giữ gìn làng cổ Đống Đa

Thôn Đống Đa, xã Thượng Nông, huyện vùng cao Na Hang của tỉnh Tuyên Quang là một thôn dân tộc Tày khá đặc biệt. Từ trung tâm thành phố Tuyên Quang băng qua gần 160 km đường đèo núi chúng tôi mới tới được địa danh này.

Thôn Đống Đa có quần thể nhà sàn đẹp.

Thôn Đống Đa có quần thể nhà sàn đẹp.

Làng Tày cổ

Đứng trên đỉnh đèo Pù Thôn Tan phóng tầm mắt xuống trung tâm xã Thượng Nông thấy những quần thể nhà sàn lợp ngói âm dương hướng ra cánh đồng thung lũng thật đẹp. Đồng chí Nguyễn Vi Lâm, Bí thư Chi bộ thôn Đống Đa, xã Thượng Nông cho biết, thôn Đống Đa trước kia có tên là thôn Bản Mù. Hiện nay, thôn có 108 hộ, 508 nhân khẩu, 100% là đồng bào Tày.

Cái hay của thôn là trên 80% số hộ của thôn vẫn giữ được những ngôi nhà sàn truyền thống. Nhà sàn ở thôn thường được đồng bào làm theo kiểu 3 gian 2 chái, cột gỗ, trên lợp ngói âm dương. Chiếc bếp vẫn được đặt trung tâm của ngôi nhà. Nhiều ngôi nhà gỗ tốt ở đây vẫn tồn tại hàng trăm năm. Ở huyện Na Hang ít có thôn nào như thôn Đống Đa, kiến trúc nhà ở được giữ nguyên trạng, tạo nên bản sắc riêng có.

Bà Nguyễn Thị Chu, sinh năm 1939, thôn Đống Đa kể lại, hồi nhỏ bà thấy các cụ cao tuổi có kinh nghiệm trong thôn thường bảo con cháu lấy đất sét về làm ngói âm dương, xong đốt lò nung trong nhiều ngày. Ở Thượng Nông rất ít cây cọ, người dân chủ yếu lợp nhà bằng ngói âm dương vừa bền, vừa mát, độ dốc thoát nước tốt.

Đồng bào Tày trong thôn vẫn giữ nét canh tác truyền thống.

Đồng bào Tày trong thôn vẫn giữ nét canh tác truyền thống.

Theo bà Chu việc lợp nhà bằng ngói âm dương nhìn khá đơn giản, song thực hiện nó một cách chuẩn xác cần có kỹ năng. Gia chủ phải làm đòn tay rui mè cần đúng khẩu độ, nhất là những chỗ giao mái, cần thợ có kinh nghiệm lợp, tránh việc kênh mái, hở, rò nước hoặc gặp gió to mái bị xô. Từ một bản có lác đác vài ngôi nhà sàn, đến nay thôn Đống Đa trở thành một thôn có quần thể dân cư đông đúc. Các gia đình sống 3-4 thế hệ trong một mái nhà vẫn còn nhiều. Anh em họ tộc cứ thế mà nối dài theo thời gian, phong tục tập quán, tôn ti trật tự vì thế được giữ gìn.

Ở thôn Đống Đa phong trào cách mạng phát triển từ rất sớm. Theo lịch sử Đảng bộ xã Thượng Nông, năm 1947, Chi bộ đầu tiên của xã được thành lập tại thôn Bản Mù nay là thôn Đống Đa do đồng chí Nguyễn Văn Ngự làm Bí thư Chi bộ đầu tiên. Có Đảng tiên phong dẫn đường, chỉ lối, người dân trong thôn luôn son sắt đi theo Đảng, Bác Hồ, thực hiện nhiều phong trào thi đua yêu nước.

Phong trào giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc luôn được người dân trong thôn phát huy. Ngày nay cuộc sống của người dân thôn Đống Đa cơ bản đã no ấm, trẻ em được học hành. Giao thông, điện lưới quốc gia, viễn thông, internet đã mang đến cho thôn sự thay đổi. Hình ảnh vẻ đẹp của làng cổ Đống Đa vì thế được nhiều người biết đến, tò mò muốn đến nơi đây.

Quy hoạch, bảo tồn, phát triển du lịch

Nhận thấy tiềm năng, thế mạnh, giá trị riêng có của thôn Đống Đa, ngay từ năm 2020, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Thượng Nông đã chỉ rõ cần khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, thu hút khách du lịch tham quan làng Tày cổ Bản Mù nay là thôn Đống Đa, xã Thượng Nông.

Đồng chí Nguyễn Văn Cướng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết, thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ xã, Đảng ủy xã Thượng Nông ban hành Chương trình hành động, UBND xã xây dựng Kế hoạch để triển khai, tổ chức thực hiện các mục tiêu đề ra. Nhờ có sự tham gia vào cuộc của cấp ủy đảng, các tổ chức chính trị - xã hội và sự hưởng ứng cao của người dân, việc định hướng giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thôn Đông Đa có nhiều chuyển biến rõ nét.

Đầu tiên xã thành lập Ban quản lý Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Đống Đa. Ban quản lý gồm những người có uy tín và trách nhiệm được bầu triển khai những công việc cần làm để làng cổ Đống Đa đi đúng hướng, đạt được mục đích đề ra. Công tác bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, hệ thống rãnh thoát nước, chuồng trại chăn nuôi trong thôn được đặc biệt quan tâm, bảo đảm mỹ quan của điểm du lịch.

Nghề dệt vải thổ cẩm truyền thống được khôi phục.

Nghề dệt vải thổ cẩm truyền thống được khôi phục.

Công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở thôn Đống Đa được coi trọng. Chị Hà Thị Bảo, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Đống Đa cho biết, toàn bộ khung cửi dệt thổ cẩm của đồng bào Tày từ ngày xưa đến nay được giữ gìn, nhiều chị em tiếp tục đóng khung cửi để phát triển nghề truyền thống. Chi hội cũng tổ chức thành lập các nhóm hộ trồng cây bông trên địa bàn để phục vụ cho việc dệt thổ cẩm, tổ chức các lớp truyền dạy cho các thiếu nữ biết cách trồng bông, dệt vải. Thông qua mạng xã hội đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm nghề dệt thổ cẩm để bán cho khách du lịch, tạo thu nhập cho nhân dân. Nhiều sản phẩm từ vải thổ cẩm đã ra đời như trang phục đồng bào Tày, túi, khăn, gối, chăn, hứa hẹn trở thành đồ lưu niệm hấp dẫn du khách.

Thôn Đống Đa đang từng bước củng cố lại đội văn nghệ - nơi có những hạt nhân tích cực, có năng khiếu. Việc truyền dạy Then, chơi đàn Tính, hát Cọi được tiến hành thường xuyên, liên tục. Nhiều hộ có ngôi nhà sàn đẹp được mời đi tham quan, tập huấn làm du lịch homestay ở các nơi trong và ngoài tỉnh.

Khái niệm làm du lịch cộng đồng ở thôn Đống Đa đã được khai mở. Người dân hiểu rằng, tầm quan trọng của việc bảo tồn kiến trúc nhà sàn, phong tục, tập quán truyền thống là cơ sở để phát triển du lịch giàu bản sắc. Quan niệm “có mới phá cũ” đã bị dẹp bỏ. Các hộ được tập huấn trồng rau, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng an toàn, truyền thống. Thôn cũng dần hoàn thiện hệ thống điện chiếu sáng đường làng, lắp đặt thêm wifi, trồng thêm cây xanh, hệ thống dẫn nước sạch…

Dẫn chúng tôi đi thăm làng cổ, đồng chí Lê Thị Vương, Trưởng thôn Đống Đa khẳng định: “Thôn có quần thể nhà sàn đẹp, sống khá tập trung. Bên cạnh những ngôi nhà gỗ tốt vẫn còn bền vững, cũng có những ngôi nhà gỗ tạp đã xuống cấp theo thời gian. Cái khó là gỗ làm nhà sàn giờ rất khó khăn. Nếu không có giải pháp nhanh chóng thì nhiều hộ làm nhà xây lợp mái tôn sẽ phá vỡ không gian làng cổ. Chúng tôi kiến nghị cấp có thẩm quyền nghiên cứu, khảo sát, có chính sách hỗ trợ người dân làm nhà sàn bê tông giả gỗ.

Như vậy làng cổ Đống Đa mới trường tồn với thời gian, trở thành điểm du lịch cộng đồng có triển vọng trong tương lai”.

Rời thôn Đống Đa trong một buổi chiều chạng vạng, những ánh nắng cuối cùng hắt xuống cánh đồng làng cổ thật đẹp. Khói lam chiều theo những mái ngói âm dương bay lên thể hiện một sự bình yên, no ấm. Tôi tin rằng, với những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, người dân nơi đây, làng cổ Đống Đa sẽ được giữ gìn, phát huy, trở thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn không xa.

Quang Hòa

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/giu-gin-lang-co-dong-da-196024.html