Giữ gìn nét đẹp của Hò giã gạo. Bài 1: Sức mạnh từ những câu hò
Vào cuối tháng 2/2023, nghệ thuật trình diễn dân gian Hò giã gạo ở Quảng Trị đã được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch (VH,TT&ĐL) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm vui, niềm tự hào của người dân Quảng Trị khi giá trị văn hóa tinh thần của địa phương được tôn vinh. Từ đây, trách nhiệm bảo tồn Hò giã gạo được đặt ra cấp thiết để gìn giữ nét đẹp của loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian này cho con cháu mai sau.
Chuyện xưa kể lại...
Với ông Lê Văn Trọng (83 tuổi), thôn Cổ Lũy, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, Hò giã gạo là một phần ký ức đẹp đẽ của ông. Vậy nên, bây giờ đã bước vào tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn miệt mài sưu tầm, sáng tác điệu hò này để lưu truyền cho con cháu.
Không chỉ riêng ông Trọng mà với người dân xã Vĩnh Giang, Hò giã gạo cũng gắn với ký ức của họ. Đó là những buổi hội làng, những đêm trăng thanh gió mát, nam thanh nữ tú làng quê say sưa giã gạo bên những câu hò. Đó là những ngày binh đao khói lửa, nghe điệu hò cất lên bỗng lắng đọng nghĩa tình với nước non. “Hò giã gạo với âm hưởng rộn ràng, vui tươi, thúc giục người dân thêm yêu quê hương, đất nước, yêu không khí lao động sản xuất và cổ vũ ý chí đấu tranh”, ông Trọng chia sẻ.
Nói về gốc tích của điệu hò này, ông Trọng nhớ lại câu chuyện được cụ Duyến (dạy dân ca, nhạc cụ) trong vùng kể khi ông còn là học trò của cụ. Hôm đó, nhân buổi giải lao, một học trò trong lớp cầm hòn đá lia trên mặt nước. Hình ảnh đó khiến cụ Duyến nhớ đến tích xưa của điệu Hò giã gạo: ngày xưa, có một đám người muốn qua sông nhưng vì lúc đó trời mưa nên gọi mãi mà người lái đò không nghe. Một người khách trong đoàn đã bắc tay làm loa, gọi to: đò ơi, cho tôi qua với. Sông rộng, âm “v…ới” như lướt dài trên mặt nước, cứ thế mà lan xa, lan xa.
Mặt nước đưa thanh âm đó đến tai người lái đò, nhờ đó mà ông nghe được và ra bến sông đón khách. Khi đi trên thuyền, một người hay chữ đã “xuất khẩu” thành bài thơ chèo đò. Về nhà, người đó nhớ lại hình ảnh sông rộng, mái chèo nhịp nhàng đưa và những âm hưởng ngân dài trên dòng sông nên đã chuyển thành điệu hò mái dài. Trong một hội làng, ông đưa ra để mọi người góp ý, sau đó về đặt lại là hò mái đò rồi sửa lời cho phù hợp. Từ đó, điệu hò ngày càng lan rộng, được người dân vận dụng phù hợp theo từng hoàn cảnh để cho ra đời nhiều điệu hò khác nhau, trong đó có Hò giã gạo.
Cho đến nay, vẫn chưa có một bằng chứng dân tộc học nào chứng minh cái nôi của quá trình hình thành điệu hò này. Một số nhà nghiên cứu khẳng định rằng hò Bình Trị Thiên nói chung, Hò giã gạo Quảng Trị nói riêng, được bắt rễ từ đất Bắc, do người Việt mang theo từ cố hương ở bên kia đèo Ngang. “Tuy nhiên, nếu đi sâu tìm hiểu thì Hò giã gạo Quảng Trị có những đặc trưng riêng. Hò ở mỗi vùng đều có cách mời, cách xô khác nhau”, ông Trọng chia sẻ.
Giải thích vì sao Hò giã gạo có sức hút đặc biệt đối với người dân và được phổ biến, sử dụng rộng rãi trong dân gian, ông Nguyễn Thanh Hồng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dân ca Sông Hiền cho biết: Trước hết vì đây là một điệu hò dân dã, do người dân sáng tác nên. Hò giã gạo có tuyến giai điệu về âm nhạc đơn giản, sử dụng ít luyến láy; nhịp điệu rộn ràng, vui vẻ, dễ hát, dễ thuộc. Khi cất lên điệu hò, người hát có thể tùy theo tình huống để biến tấu ca từ cho phù hợp.
Sôi động những điệu hò
Hò giã gạo sử dụng ngôn từ chính là ca dao nên nội dung khá phong phú, trong đó nổi bật là chủ đề về tình yêu đôi lứa. Hầu như tất cả những cung bậc của cảm xúc tình yêu đôi lứa (ngại ngùng, thắm thiết, ghen hờn, bội bạc, chia ly, cấm đoán của gia đình…) đều có thể tìm thấy trong lời ca của Hò giã gạo Quảng Trị. Đó là lời tỏ tình: “Gái làng Mai gặp trai Phú Hội/Như bắp trổ cờ được gội mưa dông”; là sự nhớ nhung: “Đêm năm canh mơ màng bóng bạn/Ngày sáu khắc tường dạng khóc thầm”; là sự ghen hờn, trách móc: “Ở chi tệ lắm rứa em ơi/Trao duyên nơi khác không phân giải đôi lời cho anh hay”.
“Trong những cuộc hò đối đáp với nhau ở cối gạo, mọi người không chỉ hò những câu đã soạn sẵn mà còn sáng tác những câu hò mới tại chỗ để hò với nhau. Đây cũng là cơ hội để nam nữ tìm hiểu lẫn nhau và có nhiều cặp vợ chồng nên duyên nhờ cối gạo đêm trăng ở làng quê. Ở trong làng là vậy, ở ngoài đình làng thì người ta tổ chức Hò giã gạo bằng cách đối đáp với nhau, ngồi hai bên hai phe rồi hò. Ai thắng cuộc thì được làng thưởng tiền”, ông Trọng kể lại.
Trải qua thời gian, Hò giã gạo dần trở thành một hình thức sinh hoạt mang tính nghệ thuật, giải trí và được mở rộng trong nhiều không gian chứ không bó buộc trong không gian giã gạo. Ở mỗi giai đoạn, người dân sử dụng Hò giã gạo với một hình thức phù hợp. Hiện nay, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp hay các đội văn nghệ làng xã đều đưa Hò giã gạo lên sân khấu bằng cách hỏi đáp với nhiều nội dung phong phú, được người dân yêu thích.
Trong Hò giã gạo, Hò đâm bắt là lối hò sôi nổi nhất với nội dung thể hiện sự thông minh, hóm hỉnh; cách thức sử dụng ngôn từ phong phú (so sánh, ẩn dụ, chơi chữ: nói lái, đồng âm, đồng nghĩa). Người xướng càng có tài ứng tác thì cuộc hò đâm bắt càng hấp dẫn và nhận được sự tán thưởng của khán giả. “Hỏi anh một trăm bếp lửa bếp mô là bếp không nóng/Một trăm ngọn sóng, sóng mô là sóng không xao” (nữ). “Lửa anh để trong hòm diêm là lửa không nóng/Đọi nước đầy anh bưng lên không động là sóng không xao” (nam), ông Hồng cất lời hò để chứng minh cho nhận định trên.
Khi câu hò là vũ khí đấu tranh
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Hò giã gạo cùng với một số làn điệu dân ca khác của Quảng Trị như Hò Như Lệ, Hò địch vận… được các đội tuyên truyền văn nghệ xung kích diễn xướng trong hầm bí mật, địa đạo hay các vùng giới tuyến nhằm động viên tinh thần quân sĩ bám trụ đánh giặc cũng như vận động con dân Quảng Trị phục vụ cho quân đội địch trở về với quê hương. Hình thức thể hiện này thường bí mật, tức thời và mang tính chính trị. Sở dĩ các làn điệu dân ca, trong đó có Hò giã gạo được chọn làm vũ khí tuyên truyền vì tính súc tích, giản tiện. Chỉ cần sáng tác lời phù hợp, vài người biết hò mang theo cây đàn nhị đi hàng chục cây số đến nơi bí mật, lấy áo mưa trùm kín lại, xong bật đèn pin soi trên giấy để hát xướng.
Hò vốn là loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc phổ biến ở nhiều nơi, nhưng được sử dụng rộng rãi nhất là vùng Trung Bộ và một số vùng ở Nam Bộ. Quảng Trị là một địa phương nổi tiếng về hò nhưng Hò giã gạo được cộng đồng ưa thích nhất. Hò giã gạo ở Quảng Trị tập trung ở vùng đồng bằng như Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh và có nhiều cách gọi khác như hò ân tình, hò đối đáp (đâm bắt).
Ông Nguyễn Quang Cử (64 tuổi) ở thôn Ngô Xá Thành Lê, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong vẫn còn nhớ những câu hò được mẹ ông truyền lại như: “Trần Mậu Trinh (tên của một Việt gian) ta đã bắn rồi/Nhanh nhanh lên anh chị em ơi...”.
Mẹ ông là một người hò hay nổi tiếng trong vùng. Theo lời kể của bà, thời chống Pháp, người dân quê ông theo dòng sông Vĩnh Định vận chuyển lương thực, đạn dược từ bến sông chợ Ngô Xá đến chiến khu Ba Lòng. Một chuyến có từ 3 - 4 thuyền, vừa chèo, vừa hò suốt đêm. Các làn điệu Hò mái nhì và Hò giã gạo theo những chuyến đò lên chiến khu, động viên tinh thần và tiếp thêm sức mạnh cho dân công tiếp vận.
Còn với ông Trọng, những năm 60 của thế kỷ XX, ông đã có mặt trong đội văn nghệ của xã, huyện chuyên biểu diễn phục vụ bà con và làm công tác địch vận. Địa bàn hoạt động của đội tuyên truyền từ Cửa Tùng đến cầu Hiền Lương, có khi về tận nhà dân để phục vụ. Năm 1965, khi Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại, Vĩnh Linh là một trong những địa phương bị đánh phá ác liệt nhất. Thời điểm này, Ty Văn hóa Vĩnh Linh thành lập đội văn nghệ chuyên về Hò giã gạo phục vụ người dân vùng đặc khu.
Ông Trọng được rút lên tham gia đội văn nghệ này. Không chỉ phục vụ bà con bờ Bắc, đội văn nghệ của ông có 3 người được cử đến Nhà Liên hợp ở bờ Bắc sông Bến Hải, bắc loa hò cho bà con bờ Nam nghe. Vào năm 1968, khi tham gia Đội Tuyên truyền của Tiểu đoàn 270, Quân khu 4, ông Trọng có hai lần đi làm công tác địch vận ở Đồi 31(thuộc địa phận huyện Gio Linh). Khi cách Đồi 31 khoảng 500 m, cả đội bắc loa tuyên truyền cho binh lính phía bên kia nghe.
“Anh em đừng theo Mỹngụy/Lầm đường lạc lối thì trở về với vợ con”, ông Trọng cất lên điệu hò như gợi nhớ về một thời tuổi trẻ của mình. “Có lần chúng tôi đang tuyên truyền thì bị pháo Mỹ từ hạm tàu bắn lên, may mắn không có ai bị thương”, ông chia sẻ.
Các bài hò giã gạo có nội dung chống Pháp, chống Mỹ chủ yếu do đội ngũ cán bộ tuyên truyền sáng tác, chiếm số lượng khá lớn. Với đặc thù của một vùng đất giới tuyến, các bài hò đề cập đến sự chia cắt và quyết tâm thống nhất đôi bờ Hiền Lương: “Sông Hiền Lương một nguồn một ngọn/Tình đôi ta nghĩa trọn từ lâu”. Vào thời bình, Hò giã gạo tiếp tục được sử dụng để tuyên truyền cho phong trào khai hoang, phục hóa, kiến thiết quê hương; ca ngợi đất nước vào các ngày lễ lớn của dân tộc; tuyên truyền chính sách kế hoạch hóa gia đình, giáo dục bình đẳng giới, an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội.
Ở trong bất cứ môi trường nào, Hò giã gạo đều đã làm “tròn vai” của nó, góp phần làm phong phú thêm giá trị văn hóa của vùng đất Quảng Trị.