Giữ gìn nét đẹp phong hóa

Ngay từ khi con người chào đời thì vấn đề giáo dưỡng đã xuất hiện. Bà mẹ cho con bú là khởi đầu của việc giáo dưỡng truyền cho con năng lượng và dạy con nhận ra tri thức.

Giáo dưỡng trở thành nhân tố sinh thành văn hóa gia đình. Người xưa coi việc tu thân là vô cùng quan trọng. “Làm trai quyết chí tu thân”, tự rèn luyện mình từ khi còn nhỏ, biết hiếu, nghĩa, lễ, chí, tín. Riêng với con gái được cụ thể hóa bằng tứ đức “công, dung, ngôn, hạnh”.

Việc tu thân của con người được diễn ra ở mỗi gia đình là chủ yếu. Bởi thế, ông, bà, cha, mẹ tìm nhiều biện pháp để giáo dục con cháu mình. Cộng đồng xã hội, xóm làng đánh giá con người, xếp loại con người bằng hàng loạt tiêu chí.

Trước hết cần xem “gia giáo” là thế nào. Gia giáo thực chất là nói về kết quả gia đình dạy bảo con cháu ra sao. Con nhà gia giáo là những người được giáo dục có nền nếp cơ bản từ nhỏ. Sau xét tới “gia phong”, tức là truyền thống nổi bật của gia đình. Nhiều gia đình có truyền thống học hành đỗ đạt, sau này hiển vinh; cũng có gia đình nổi tiếng hiếu đễ, thật thà, hòa thuận. Ngoài ra còn xem “gia đạo”, tức là phép tắc trong nhà ấy nữa. Có những gia đình giáo dưỡng con em bằng những lời khuyên, lấy châm ngôn trong đối nhân xử thế. Đó là “gia huấn”.

 Hội thi khéo tay hay làm trong Ngày Gia đình Việt Nam 28-6. Ảnh: HUY AN.

Hội thi khéo tay hay làm trong Ngày Gia đình Việt Nam 28-6. Ảnh: HUY AN.

Thực tế cho thấy, con em những gia đình vừa có đạo đức vừa làm kinh tế giỏi, thì làm việc gì cũng thuận lợi, được người đời suy tôn là “danh gia thế phiệt”, hay còn gọi là “gia thế”. Ngược lại, nếu thiếu đạo đức, không chân thành, lòng dạ hiểm độc mà có quyền uy, giàu có, thì thiên hạ vẫn chỉ gọi nhà đó là “cường hào”, chứ không được xếp vào hàng “gia thế”.

Người xưa còn giáo dục cho con em biết tôn trọng danh dự của gia đình, của tổ tiên để lại. Đó là “gia thanh”. Chính điều này tạo thành nội lực của mỗi thành viên gia đình phấn đấu để thành đạt sau này.

Nội dung giáo dục gia đình rất phong phú. Đó là giáo dục sự biết ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ qua đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, giữ gìn phong hóa. Ngay từ lúc con còn thơ ấu, người mẹ đã hát ru: “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/Một lòng thờ mẹ kính cha/Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Đứa trẻ nghe chưa hiểu lời hát ru, thì lớn lên sẽ hiểu thêm. Nhưng lời bài hát ấy có ý nghĩa truyền bá, phổ biến trong gia đình, để các anh, các chị lớn tuổi hơn có thể nghe mà thấm và để các cô, chú, bác cũng hiểu thấu hơn lẽ đời.

Đến ngày tết, lễ thì việc nhớ ơn tổ tiên càng được bộc lộ rõ nét hơn. Con cháu ra mộ thắp hương, khấn các cụ về ăn Tết với gia đình. Mồng Một Tết, con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ; người đi làm ăn xa trở về quê thường mua quà biếu ông bà, cha mẹ, cô bác để thể hiện lòng tôn kính.

Về giáo dục ứng xử với người bề trên, người xưa dạy con phải biết nghe lời cha mẹ: “Cá không ăn muối cá ươn/Con cãi cha mẹ, trăm đường con hư”. Nghe lời phải, làm theo điều tốt, đó là bổn phận của anh em trong gia đình. Muốn bậc dưới phục tùng thì bề trên phải gương mẫu, phải làm việc tốt. Cha mẹ phải thủy chung, yêu thương nhau và đức độ, vị tha. Gia đình nào bề trên lủng củng thì con cháu thường hư hỏng, khó bảo.

Anh em thì phải trên kính, dưới nhường. Người xưa lấy lễ giáo để dạy bảo con cái, được ví von thật sinh động: “Anh em như thể chân tay/Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”. Anh em như chân với tay trên một cơ thể. Gẫy một là mất một, không mọc thêm được nữa. Vì thế phải yêu quý nhau. Khi cha mẹ mất, anh cả phải nuôi các em, lớn lên phải dựng vợ gả chồng cho các em, thế mới sinh ra câu “quyền huynh thế phụ” (tức là anh thay quyền cha). Còn các em phải có bổn phận tôn trọng, quý mến anh chị.

Trong giáo dục gia đình, người xưa luôn chỉ bảo con cái phải thân thiết với họ hàng, bên nội bên ngoại. Đường ăn nết ở sao cho đẹp lòng cả đôi bên. Những dịp có giỗ chạp, mẹ chồng thường đưa con dâu mới về quê mình để giới thiệu với họ mạc, nói cho cô dâu biết cung bậc, vị thế của mỗi người, để bận sau biết mà chào hỏi, ứng xử.

Đối với con người, tu thân là một giai đoạn quan trọng nhất, trong suốt quá trình sống và lao động, cống hiến. Tu thân có thể ví như công đoạn đầu tiên xây dựng một công trình, xây móng nhà, người ta cần phải chọn những vật liệu “sạch” nhất, cát sạch, viên sỏi không lẫn bùn, thép không gỉ để đổ móng. Móng chắc, công trình sẽ bền vững lâu dài.

Con người trải nghiệm tu thân chắc chắn, sau này đường đời gặp gian nan, hoạn nạn, khổ đau vẫn có thể kiên định vượt khó vươn lên, có ý chí “thắng không kiêu, bại không nản”, sống ngẩng cao đầu, không hổ thẹn. Tu thân tốt, mới tề gia, làm người con tốt trong gia đình và sau này ra đời mới phụng sự cho xã hội. Tu thân để góp phần giữ gìn phong hóa, nét đẹp của dân tộc. Vì thế, việc tu thân của mỗi người vẫn là cốt lõi của sự giáo dục.

KHÚC HÀ LINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/giu-gin-net-dep-phong-hoa-624104