Giữ gìn nét đẹp văn hóa đi lễ chùa đầu năm
Lễ chùa đầu năm mới là một nét đẹp trong đời sống tâm linh của người dân. Mỗi người đi chùa luôn cầu mong những điều tốt đẹp, may mắn, bình an đến với bản thân, gia đình. Ở những nơi linh thiêng, trang trọng như đền, chùa... phần lớn mọi người đều chú ý tới cách ứng xử văn minh, lịch sự. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận người dân thiếu ý thức ở chốn tôn nghiêm cần phải điều chỉnh hành vi ứng xử. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Lễ chùa đầu năm mới là một nét đẹp trong đời sống tâm linh của người dân. Mỗi người đi chùa luôn cầu mong những điều tốt đẹp, may mắn, bình an đến với bản thân, gia đình. Ở những nơi linh thiêng, trang trọng như đền, chùa... phần lớn mọi người đều chú ý tới cách ứng xử văn minh, lịch sự. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận người dân thiếu ý thức ở chốn tôn nghiêm cần phải điều chỉnh hành vi ứng xử.
Ngay từ đêm giao thừa, thời khắc thiêng liêng chuyển giao đất trời, khép lại năm cũ và chào đón một năm mới, nhiều người đã đến các cửa chùa để cầu an và xin một nhánh lộc non với hy vọng sẽ gặp may mắn, tài lộc, mọi điều tốt lành trong năm mới. Do đó, việc xin lộc đầu năm đã trở thành tục lệ. Lộc ở đây thường là những nhánh cây non bởi vì mùa Xuân cây cối sinh sôi nảy nở, đâm chồi nảy lộc. Cũng theo phong tục cổ truyền, lộc xuân hái từ những cây như: đa, sung, sanh, si sẽ đem lại sức khỏe, sự trường tồn; còn hái lộc từ những cây như tùng, cúc, trúc, mai sẽ mang lại niềm vui, hạnh phúc và may mắn. Nhánh cây được người dân đem về treo trước cửa nhà hoặc đặt trên bàn thờ gia tiên với hy vọng rước được phước lộc về cho gia đình. Ngoài ra, với người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh, đi lễ chùa đầu năm thường sẽ có mâm lễ bao gồm hương, hoa, tiền vàng và một tờ sớ viết bằng chữ nho, ghi những điều cầu mong của gia chủ cho một năm vạn sự như ý… Bên mâm lễ được sửa soạn tươm tất, bà Nguyễn Thị Dung (thành phố Nam Định) chia sẻ: Tết năm nào tôi cũng cố gắng ghé thăm hết các chùa, đền trên địa bàn thành phố. Đi đền, chùa xuất phát từ cái tâm của mỗi người nên tôi luôn sửa soạn chu đáo; từ cách ăn mặc cho đến đồ lễ… để cầu mong những điều may mắn, tốt đẹp. Tuy nhiên, ngày nay, việc đi lễ chùa xin lộc đầu năm của một số người đã bị mất đi nét đẹp văn hóa, nhiều khi còn phản cảm. Nhiều người đi lễ mặc sức tận dụng cây, hoa trong chùa để hái, để bẻ cành mang về nhà. Có những người trong đêm giao thừa chặt cành cây to mang về, nhổ cả cây non. Theo quan niệm của nhà Phật, đây là quan niệm sai lầm, là hành động hủy hoại môi trường, không phù hợp với tín ngưỡng. Có người quan niệm, đi lễ chùa, càng lễ to càng tốt nên mang rất nhiều vật phẩm như xôi, gà, thậm chí cả con lợn to, vàng mã, rượu bia. Với quan niệm, làm như thế sẽ được phật chứng cho và có thêm nhiều lộc. Có một bộ phận người dân tới chùa, đền còn không biết nơi đó thờ ai, mục đích lễ hội là gì, cầu gì... Đại đa số đều lờ mờ về tín ngưỡng đền chùa, chỉ nghĩ rằng lấy được lộc chùa phát sẽ mang đến may mắn cho mình. Thậm chí, nhiều người truyền miệng với nhau rằng lộc trong chùa mới linh thiêng nên đã xảy ra những cảnh chen lấn xô đẩy nhau, tranh nhau xin lộc tại nơi chốn linh thiêng. Nhiều người đến đền, chùa, đặt tiền thật, tiền giả lên các ban thờ, đặt tiền lễ vào tay tượng, lòng tượng; nhiều người còn thản nhiên hóa vàng ngay trong khuôn viên của chùa. Nhiều bạn trẻ đi lễ chùa nhưng vẫn mặc những trang phục gây nhiều phản cảm, không phù hợp nơi cửa Phật…
Để khắc phục tình trạng này, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục người dân giữ gìn nét đẹp văn hóa khi đi lễ hội, đến lễ đền, chùa… Tại các cơ sở thờ tự tín ngưỡng cần gắn biển nội quy, những điều nên và không nên làm để mọi người thực hiện. Đối với những trường hợp cố tình vi phạm hoặc sử dụng trang phục phản cảm khi đến các di tích, ban quản lý di tích đền chùa còn nhắc nhở, thậm chí đề nghị du khách không vào đền, chùa để đảm bảo sự tôn nghiêm tại những nơi tâm linh…
Việc đi lễ đền, chùa không chỉ giúp cho người dân giữ gìn được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, ghi nhớ công ơn của ông bà tổ tiên mà còn hướng con người tới chân - thiện - mỹ. Bởi vậy, mỗi người cần hiểu và tự giác nâng cao ý thức khi đi lễ đền, chùa, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa trong cộng đồng./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa