Giữ gìn nét đẹp vùng đất 'hoa vàng trên cỏ xanh'
Từ nhiều năm qua, cùng với việc khai thác và phát triển hiệu quả các hoạt động văn hóa, du lịch, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Phú Yên cùng các đơn vị, địa phương luôn nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa bằng nhiều biện pháp, trong đó có sự phối hợp hỗ trợ tích cực của lực lượng Công an.
Trên huyết mạch giao thông xuyên Việt, Phú Yên nằm giữa đèo Cù Mông và đèo Cả với địa hình bên núi, bên biển. Theo chiều dài lịch sử 412 năm hình thành và phát triển, đến nay, Phú Yên là nơi có nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể.
Từ nhiều năm qua, cùng với việc khai thác và phát triển hiệu quả các hoạt động văn hóa, du lịch, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Phú Yên cùng các đơn vị, địa phương luôn nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa bằng nhiều biện pháp, trong đó có sự phối hợp hỗ trợ tích cực của lực lượng Công an.
1. Bên tách trà thơm, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Phú Yên Nguyễn Ngọc Thái rất đỗi tự hào khi nói về di sản văn hóa vùng đất “hoa vàng trên cỏ xanh”. Ngoài 108 di tích lịch sử, danh thắng được xếp hạng, trong đó 21 di tích cấp quốc gia, 2 di tích quốc gia đặc biệt và 85 di tích cấp tỉnh trong di sản văn hóa vật thể, Phú Yên còn có 6 di sản văn hóa phi vật thể. Nổi bật nhất là danh thắng quốc gia đặc biệt gành Đá Đĩa bên làng biển xã An Ninh Đông, huyện Tuy An. Đây là di sản thiên tạo “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam.
Trên thế giới có những danh thắng giống như gành Đá Đĩa, đó là núi đá Giant’s Causeway ở bờ biển Đông Bắc Ireland; hang động Fingal ở đảo Staffa – Scotland; đảo JeJu ở Hàn Quốc; gành đá Órganos ở đảo La Gomera Tây Ban Nha được UNESCO công nhận di sản thiên nhiên thế giới từ năm 1986. Thế nhưng đến khi chiêm ngưỡng gành Đá Đĩa, du khách nước ngoài đều say mê tuyệt tác thiên nhiên này. Từ xa, danh thắng này trông như tổ ong khổng lồ, những khối đá hình lăng trụ xếp nối theo thế đứng hoặc chênh nghiêng, được kết tạo bằng nhiều phiến đá trông như những chiếc đĩa chất chồng, đậm nét hoang sơ...
Có truyền thuyết kể rằng, cảnh quan thơ mộng, sơn thủy hữu tình nơi này cuốn hút thần tiên giáng trần những đêm trăng thanh, gió mát để ngắm cảnh, đối ẩm và bình thơ. Chén vàng, đĩa ngọc mang từ thiên đình xuống đây bày yến tiệc. Trong cơn chếnh choáng men say, các vị thần tiên vui chơi mải mê đến mức bỏ quên những chồng bát đĩa, lâu ngày hóa đá... Các nhà khoa học cho rằng, quần thể đá ở gành Đá Đĩa hình thành do hoạt động của núi lửa ở cao nguyên Vân Hòa cách đây gần 200 triệu năm, nham thạch phun ra bên biển bị đông cứng khi tương tác nước lạnh kết hợp hiện tượng ứng lưu khiến cho khối nham thạch khổng lồ rạn nứt đa chiều, tạo nên kỳ quan thiên nhiên tuyệt đẹp.
Bên vùng biển phía Nam Phú Yên có danh thắng quốc gia Bãi Môn - Mũi Điện ở xã Hòa Tâm, thị xã Đông Hòa. Trong chuyến hải hành Đông Nam Á cuối thế kỷ XIX, Varella - một sĩ quan người Pháp phát hiện nơi này và đề xuất xây dựng ngọn hải đăng từ năm 1890. Bước lên 110 bậc thang xoắn ốc, du khách lên tháp hải đăng nhìn ra ba phía là biển xanh mở rộng đến chân trời, phía sau là dãy núi uốn lượn ven biển. Bên chân tháp có tấm bia đá khắc dòng chữ: “Mũi Điện (Mũi Đại Lãnh) - Điểm cực Đông. Nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam, kinh độ 109°27’06" Đông, vĩ độ 12°52’48" Bắc, cao độ 83,5m”.
Từ hải đăng Mũi Điện nhìn lên phía Tây là danh thắng quốc gia núi Đá Bia (Thạch Bi Sơn) với cung đường đèo Cả hùng vĩ trên huyết mạch giao thông đường bộ, đường sắt xuyên Việt uốn lượn bên lưng dãy núi Trường Sơn chồm mình vươn ra phía biển. Trên đỉnh núi ở độ cao 706m là khối Đá Bia khổng lồ sừng sững uy nghiêm vươn lên bầu trời 76m.
Tương truyền 552 năm về trước, vào mùa xuân Tân Mão – 1471, trong hành trình mở nước về cõi bờ Nam, vị minh quân Lê Thánh Tông đã sai người khắc chữ trên Đá Bia. Đến năm 1836, vua Minh Mạng đã cho thể hiện hình tượng núi Đá Bia vào tuyên đỉnh - một trong 9 chiếc đỉnh đồng đặt tại Thế Miếu trong Đại nội Kinh thành Huế. Đứng trên núi Đá Bia nhìn xuống phía Đông là vịnh biển Vũng Rô gắn với chiến tích hào hùng về tinh thần mưu trí, dũng cảm, ý chí kiên cường của người lính hải quân trên những con tàu không số vượt đường Hồ Chí Minh trên biển vào chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam kháng chiến chống Mỹ…
2. Những di tích, danh thắng quốc gia cùng với Di sản văn hóa phi vật thể đậm đà bản sắc văn hóa Việt (như Nghệ thuật Bài chòi, Lễ hội cầu ngư, Nghệ thuật trình diễn Trống đôi – Cồng ba – Chiêng năm của đồng bào Chăm H’roi, Ba Na; Lễ cúng trưởng thành của người Ê Đê) đã thu hút, hấp dẫn đông đảo du khách khi đến với vùng đất “hoa vàng trên cỏ xanh”. Sau dịch COVID-19, cụ thể là năm 2022, Phú Yên thu hút hơn 2,2 triệu lượt khách, so với 2021 tăng 5,3 lần về du khách, tăng gấp 6,9 lần về doanh thu.
Đại tá Nguyễn Khỏe, Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên cho biết, thời gian qua các đơn vị nghiệp vụ Công an Phú Yên cùng Công an các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên phối hợp Sở VH-TT&DL Phú Yên tăng cường tuyên tuyền phổ biến Luật Di sản văn hóa và các văn bản pháp luật có liên quan đến từng khu dân cư ở nơi có di sản văn hóa, gắn với triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Trung ương về xây dựng và phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Công an các địa phương chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ kết hợp tuần tra kiểm soát các khu di tích, danh thắng bằng nhiều biện pháp. Lực lượng Công an còn chú trọng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền kịp thời giải quyết những vụ việc phát sinh liên quan, đồng thời ký kết quy chế phối hợp bảo đảm ANTT tại các di tích, danh thắng, lễ hội văn hóa phi vật thể…
Trong 3 năm qua (2020 – 2022), Phú Yên đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng tu sửa một số hạng mục tại các di tích, danh thắng gành Đá Đĩa, Tháp Nhạn, tàu không số. UBND tỉnh đang xem xét phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030 vì mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó nhằm đẩy mạnh nguồn lực xã hội hóa bảo vệ và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế du lịch theo Chương trình hành động của Tỉnh ủy Phú Yên về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương trong năm 2030; đẩy mạnh việc số hóa di sản văn hóa để nâng cao hiệu quả tuyên truyền quảng bá, phục vụ phát triển du lịch. Mặt khác, Sở VH-TT&DL Phú Yên đã tổ chức truyền dạy, thực hành và đưa di sản Nghệ thuật Bài chòi vào các trường học...
Bằng những biện pháp nêu trên, trong thời gian qua, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể ở Phú Yên không chỉ được bảo tồn ổn định và bền vững, mà còn phát huy hiệu quả giá trị văn hóa kết hợp phát triển du lịch. Và lực lượng Công an đã luôn đồng hành trong hoạt động bảo tồn di sản văn hóa ở nơi này…