Giữ gìn, phát huy giá trị Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Bác Hồ đi xa đã 55 năm, nhưng những kỷ vật, câu chuyện, tư tưởng của Bác vẫn luôn hiện diện nơi đây - Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Tại 'địa chỉ đỏ' thiêng liêng này, các tài liệu, hiện vật không chỉ được giữ gìn nguyên vẹn như lúc sinh thời Người sống và làm việc mà nhiều giá trị đã, đang, sẽ được phát huy, lan tỏa.

Tượng Bác Hồ ngồi làm việc trong vườn hoa tại Phủ Chủ tịch. (Nguồn: ditichhochiminhphuchutich.gov.vn)

Tượng Bác Hồ ngồi làm việc trong vườn hoa tại Phủ Chủ tịch. (Nguồn: ditichhochiminhphuchutich.gov.vn)

Nơi lưu giữ những kỷ niệm quý giá về Bác

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Bộ Chính trị đã quyết định bảo vệ, bảo quản, giữ nguyên trạng nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch để khu vực linh thiêng này trở thành Khu di tích lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh và nay là Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (Khu di tích). Có giá trị và ý nghĩa đặc biệt quan trọng trên nhiều phương diện, ngày 12/8/2009, Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là 1 trong 10 di tích được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đợt đầu tiên.

Giám đốc Khu di tích - bà Lê Thị Phượng cho biết, quần thể Khu di tích gồm 13 di tích (Phủ Chủ tịch, Nhà 54, Nhà sàn, Phòng họp Bộ Chính trị, Nhà 67, Nhà bếp A, Nhà bếp B, Nhà Bác ký sắc lệnh, Hầm H66, Hầm D1...); 1.738 tài liệu, hiện vật vốn có thuộc các nhà di tích; các di tích ngoài trời, như: ao cá, giàn hoa Phủ Chủ tịch, đường xoài, đường mòn Hồ Chí Minh, cầu gỗ qua ao… cùng 50 cây di tích là những cây Bác đem về trồng hoặc các tổ chức, cá nhân ở các địa phương hay nước ngoài gửi tặng và Bác trực tiếp chăm sóc. Mỗi cây trồng ở đây đều mang một bài học có ý nghĩa giáo dục sâu sắc hoặc gắn với một câu chuyện cảm động. Như câu chuyện về “cây đa kiên trì” trong vườn Bác là một ví dụ phản ánh sâu sắc nhân cách đạo đức Hồ Chí Minh, nhắc nhở, giáo dục chúng ta về những đức tính cao đẹp.

Cây đa kiên trì trong vườn Bác Hồ. (Ảnh: ditichhochiminhphuchutich.gov.vn)

Cây đa kiên trì trong vườn Bác Hồ. (Ảnh: ditichhochiminhphuchutich.gov.vn)

Nếu đến thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, theo lối chính, trên con đường tới nhà sàn của Bác, khách tham quan sẽ tới góc ngã ba, cạnh một khóm tre tươi tốt, có một cây đa lớn nằm bên tay trái với dáng vẻ rất lạ. Cây đa này, sườn bên phải có một rễ phụ rất dài và lớn, sườn bên trái có hai rễ phụ hơi xa nhau, ngắn hơn và nhỏ hơn rễ phụ sườn bên phải. Các rễ phụ từ cành cao đâm thẳng xuống đất, trong đó một rễ có độ nghiêng khá lớn.

Theo tư liệu của Khu di tích, khi ở và làm việc tại nhà sàn, Bác Hồ thường đi lại trên con đường có cây đa nói trên. Năm 1965, khi anh em phục vụ định cắt bỏ một chùm rễ đa từ trên cành rủ xuống lơ lửng để khỏi vướng đường đi lại, Bác đã gợi ý cách nối rễ đa xuống đất để vừa không vướng lối đi, vừa tạo thế cây vững chắc. Làm theo cách Người hướng dẫn, sau gần ba năm anh em mới thành công.

Khi nghe anh em báo cáo kết quả, Bác nói: “Đưa rễ đa xuống đất tuy là việc nhỏ nhưng để thực hiện được cũng không dễ dàng mà cần phải có lòng kiên trì và quyết tâm. Mọi công việc khác cũng vậy, khi đã có mục đích, có quyết tâm và kiên trì phấn đấu thì ắt sẽ thành công”. Từ đó, cây đa này được anh em phục vụ đặt tên là “Cây đa kiên trì”. Hiện nay, trên con đường chính từ Phủ Chủ tịch đến ngôi nhà sàn, hình ảnh ba nhánh rễ đa nối liền cành xuống đất luôn gợi nhớ về bài học kiên trì mà sinh thời Bác dạy.

Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch - nơi hội tụ tình cảm của Nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. (Nguồn: BQL Lăng Chủ tịch HCM)

Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch - nơi hội tụ tình cảm của Nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. (Nguồn: BQL Lăng Chủ tịch HCM)

Ở khía cạnh di sản văn hóa, Khu di tích có những đặc thù khác biệt, theo đó, công tác bảo tồn tại đây được thực hiện trong điều kiện như một kho mở hoàn toàn, vừa làm công tác bảo quản giữ gìn, vừa phát huy giá trị. “55 năm qua, Khu di tích của Người tại Phủ Chủ tịch đã đón gần 90 triệu khách từ khắp mọi miền đất nước và từ khoảng 160 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đến thăm, trong đó có nhiều đoàn nguyên thủ, nhiều đoàn khách cấp cao đã để lại những dòng cảm tưởng trân trọng”, theo bà Lê Thị Phượng.

Những giá trị nhân văn cao cả của Người sống mãi

Ngày 18/6 vừa qua, nhằm tiếp tục thực hiện Kết luận 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với kỷ niệm 55 năm Ngày Bác đi xa, đồng thời là 55 năm thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch (1969 - 2024), 70 năm Bác về sống và làm việc tại Khu Phủ Chủ tịch (1954 - 2024), 15 năm được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (2009 - 2024), Khu di tích đã tổ chức Hội thảo khoa học “55 năm Ngày Bác đi xa - 55 năm bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch”.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, Khu di tích là một trong những di tích có giá trị đặc biệt trên nhiều phương diện. Đây là di tích nguyên gốc duy nhất về Chủ tịch Hồ Chí Minh, minh chứng sống động cho tư tưởng, tấm gương đạo đức của vị lãnh tụ cả một đời vì nước, vì dân, vì nhân loại tiến bộ trên thế giới.

Du khách tham quan Nhà sàn Bác Hồ trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. (Nguồn: TTXVN)

Du khách tham quan Nhà sàn Bác Hồ trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. (Nguồn: TTXVN)

Theo GS.TS Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Khu di tích có giá trị rất lớn, chúng ta cần tích cực phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh trong Khu di tích về Người tại Phủ Chủ tịch ở nhiều phương diện. Theo GS.TS Lê Văn Lợi, giữ gìn, phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh trong Khu di tích về Người ở Phủ Chủ tịch là cách làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống tinh thần, tư tưởng của toàn dân tộc Việt Nam.

PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam nêu ý kiến, Ban lãnh đạo Khu Di tích nên có lộ trình xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể cho 5 - 10 năm tới. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc nghiên cứu, xác minh, tư liệu hóa các di tích, các hiện vật gắn liền với từng di tích, thực hiện việc số hóa, nhằm làm sáng tỏ hơn các giá trị của di tích và hiện vật, tạo cơ sở cho công tác nghiên cứu khoa học và tuyên truyền - giáo dục.

“Đặc biệt, cần hết sức quan tâm đến di sản ký ức, khai thác các câu chuyện, kỷ niệm, hồi ức của các nhân chứng lịch sử. Nếu không làm khẩn trương vấn đề này sẽ là một thiệt thòi lớn vì hiện nay nhân chứng ngày càng ít đi, nhiều người không còn nữa, những người còn sống thì tuổi tác đã cao, trí nhớ có hạn”, theo PGS.TS Đỗ Văn Trụ.

Từ việc khảo sát thực tế hoạt động giáo dục di sản tại một số bảo tàng, di tích ở miền Trung và miền Bắc, Thạc sĩ Cù Thị Minh - Phòng Tuyên truyền giáo dục cho rằng, cần đi sâu nghiên cứu và đề xuất giải pháp “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng chương trình giáo dục cho học sinh tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch” để thực hiện Quyết định số 311/QĐ-TTg ngày 05/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng giai đoạn 2022 - 2030”.

Hồng Minh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/giu-gin-phat-huy-gia-tri-khu-di-tich-chu-tich-ho-chi-minh-tai-phu-chu-tich-post518542.html