Đối thoại không lời về tình yêu

Cuốn sách 'Tình yêu và sự nghiệp' của đôi vợ chồng họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam - Tạ Phương Thảo vừa ra mắt bạn đọc quý 3 năm 2024.

Sách in khổ lớn, gồm tranh và hồi ức sự nghiệp của họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam về Hà Nội, từ thời họa sĩ còn là một chàng trai Thủ đô lên đường nhập ngũ đến khi rời quân ngũ trở về ga Hàng Cỏ, gánh trên người thương tật 3/4 với đôi tai mất khả năng nghe.

Bìa cuốn sách “Tình yêu và sự nghiệp”.

Bìa cuốn sách “Tình yêu và sự nghiệp”.

Đọc “Tình yêu và sự nghiệp” thấy biết bao ẩn ức, mặc cảm của Phạm Viết Hồng Lam, thậm chí có giai đoạn dài bế tắc bởi bệnh K ập đến khi con thơ, vợ trẻ. Đặc biệt, người đọc cảm nhận được những nhọc nhằn của nghề vẽ với bút, với toan, với cắt giấy, bột màu, sơn mài của Phạm Viết Hồng Lam, ban đầu anh biết mình thương tật nên chọn trở thành nhà giáo và họa sĩ như cha mình - họa sĩ Phạm Viết Song.

Bằng cách kể chuyện dung dị như ta ngồi bên quán trà chén vỉa hè, họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam kể về một thời bao cấp ông vẽ cùng vợ, họa sĩ Tạ Phương Thảo. Ký ức làm nên màu sắc của tình yêu với người cùng nghề, làm sống lại thời thanh xuân tươi đẹp ở Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) với những bạn cùng trang lứa thành danh như họa sĩ Thành Chương, Đặng Thu Hương, Ca Lê Thắng, Đào Minh Tri…

Cả cuốn sách không có đối thoại bằng lời về tình yêu của hai người họa sĩ, không thấy có đối thoại văn chương của anh và em, mà màu sắc, các chất liệu từ giấy dó, bột màu, sơn dầu, sơn mài cứ ánh lên thay lời, về tình yêu sự thủy chung, sự tận hiến với nhau vì nhau, vì gia đình và cuộc đời này.

Hai mảng tranh của Phạm Viết Hồng Lam và Tạ Phương Thảo hiện lên trong bài viết của các họa sĩ Nguyễn Đức Hòa, Lê Thế Anh, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Quang Phòng, Phạm Thị Chỉnh như những nét minh họa, những vệt sáng, tối về nghề cầm cọ, giúp cho người đọc hiểu rõ hơn về người họa sĩ dùng nét vẽ, màu sắc để thể hiện tư tưởng, phận người, xúc cảm trên tranh của mình.

Cuốn sách “Tình yêu và sự nghiệp” được tuyển chọn tranh rất kỹ để thể hiện cả cuộc đời sự nghiệp của hai vợ chồng họa sĩ đi qua nửa thế kỷ. Hội họa đã chọn họ, và đam mê cộng hưởng với sự cần cù, nhẫn nại mới làm nên những bức tranh rực rỡ lung linh. Tranh của “hai vợ chồng nhà Lam Thảo đẹp và hồn nhiên cho tới lúc già, người già chứ tranh không già” - nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo xem tranh xong đã nói.

Phần hồi ức được họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam viết giống như một thước phim đen trắng tua lại ký ức từ thời trai trẻ cho đến khi là người thương binh vùi vào vẽ.

Đọc về ký ức của họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam, tôi từng thở dài và không sao ngủ được. Thời đó cả hai đã đi qua đau khổ, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Khi đứng trước căn bệnh K của chồng, nữ họa sĩ Tạ Phương Thảo chèo chống, vẽ thuê, đầy can đảm để giữ được tổ ấm của mình. Hà Nội một thời sau chiến tranh, Hà Nội tem phiếu và bao cấp, ai đã đi qua, sống qua giai đoạn đó, mới thấy rõ bản lĩnh can đảm của người vợ - họa sĩ Tạ Phương Thảo. Màu sắc của bà từ chân dung đến tĩnh vật đều đằm thắm và rực rỡ.

Tranh của Tạ Phương Thảo đem đến sự ngạc nhiên bởi vẻ tươi sáng lung linh, lạc quan, không thấy ủy mị, đen tối và tuyệt vọng. Có thể sự lạc quan đem lại niềm yêu sống cho bà và cả gia đình. Tranh của Phạm Viết Hồng Lam cũng vậy, vừa hồn nhiên, hướng tới thiên nhiên. Làng, quê, và chân dung cũng thể hiện kiến thức, vốn sống và sự thấu hiểu của ông đến từng nhân vật ông vẽ.

Cuốn sách “Tình yêu và sự nghiệp” như một bảo tàng thu nhỏ về một gia đình có truyền thống hội họa, cả hai cùng sống, cùng vẽ hướng ra ngoài cuộc đời, đem lại cho bạn đọc một ký ức văn hóa đẹp cả về nội dung lẫn sự suy tưởng tùy theo tri thức, cảm nhận của người đọc.

Hoàng Việt Hằng

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/doi-thoai-khong-loi-ve-tinh-yeu-678329.html