Giữ gìn, phát huy võ cổ truyền

Môn võ cổ truyền do người Việt sáng tạo, được bồi đắp qua nhiều thế hệ với những đòn, thế đặc thù. Tại tỉnh Kiên Giang, môn võ cổ truyền được nhiều người yêu thích tập luyện, góp phần rèn luyện sức khỏe, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam.

Ông Hoàng Văn Bưởi - Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền tỉnh Kiên Giang cho biết: “Võ cổ truyền không đơn thuần là những bài võ nhằm rèn luyện kỹ năng, thể chất, nâng cao khả năng tự vệ, hướng đến sự hòa hợp về thể chất và tinh thần của con người mà còn thông qua việc tập luyện võ cổ truyền còn khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tinh thần thượng võ và tính nhân văn của người Việt Nam.

Điều này thể hiện từ lễ nghi chào của môn phái như tư thế đứng thẳng hai chân bằng nhau, tay trái mở chưởng, tay phải nắm thành quyền với ngụ ý chưởng trái là văn, quyền là võ, văn võ cùng học; chưởng trái biểu thị tứ dục (trí, đức, thể, mỹ) tượng trưng cho tinh thần thể thao cao thượng, võ đạo; quyền phải biểu thị sự dũng cảm, sức mạnh; chưởng trái ôm quyền phải biểu thị sức mạnh được kiềm chế, tránh sự nổi loạn, nhất là ở độ tuổi mới lớn...”.

Võ sinh câu lạc bộ võ cổ truyền xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) biểu diễn võ thuật.

Võ sinh câu lạc bộ võ cổ truyền xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) biểu diễn võ thuật.

Theo Liên đoàn Võ thuật cổ truyền tỉnh Kiên Giang, những năm gần đây, phong trào luyện tập võ thuật cổ truyền trên địa bàn tỉnh phát triển, thu hút nhiều thanh thiếu niên tham gia. Toàn tỉnh có 15 câu lạc bộ, 2 võ đường hoạt động với trên 800 võ sinh tập luyện thường xuyên.

Nhằm khích lệ và tạo điều kiện để phong trào võ cổ truyền phát triển, hàng năm Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Kiên Giang tổ chức giải võ cổ truyền cấp tỉnh, thu hút đông đảo vận động viên tham gia. Giải đấu không chỉ giúp các câu lạc bộ võ cổ truyền trong toàn tỉnh giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm mà còn là dịp tìm kiếm tài năng võ thuật mới cho đội tuyển của tỉnh.

Em Nguyễn Ngọc Kiều Phụng, ngụ thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) chia sẻ: “Em tập luyện võ cổ truyền từ năm 6 tuổi. Lúc đầu em học võ để rèn luyện sức khỏe, sau đó em bị thu hút bởi những bài quyền, thế võ đẹp mắt, từ đó em đam mê môn này. Em tự hào, hạnh phúc khi trở thành huấn luyện viên võ cổ truyền hướng dẫn cho hơn 30 võ sinh”.

Theo võ sư Nguyễn Văn Tư - người sáng lập võ đường Mãnh Hổ Sơn, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang), võ cổ truyền Việt Nam phổ biến rộng rãi từ thời phong kiến, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn là chống giặc ngoại xâm. Võ cổ truyền còn được đưa vào hệ thống thi cử, đào tạo tướng sĩ phục vụ triều đình... Ngày nay, dù có sự du nhập của nhiều môn võ thuật nước ngoài vào Việt Nam nhưng võ cổ truyền vẫn giữ được tinh hoa vốn có, nét độc đáo riêng.

“Võ cổ truyền của Việt Nam tấn pháp chắc chắn; thân pháp uyển chuyển, đa dạng, di chuyển tiến, thoái, nhu, cương song toàn. Đặc trưng của võ cổ truyền là lấy yếu thắng mạnh, lấy nhu thắng cương, lấy ngắn thắng dài. Các bài võ ngày nay dần cải tiến để thuận tiện cho đối kháng và luyện tập. Tôi mong võ cổ truyền được nhiều người học tập, rèn luyện, góp phần gìn giữ và phát triển tinh hoa văn hóa của dân tộc”, võ sư Nguyễn Văn Tư nói.

Thành lập từ năm 1995, võ đường Mãnh Hổ Sơn có 7 câu lạc bộ với gần 400 võ sinh theo học. Võ đường là một trong những cái nôi đào tạo võ cổ truyền của tỉnh; nhiều võ sư từ võ đường này tiếp bước võ sư Nguyễn Văn Tư duy trì, thúc đẩy võ thuật cổ truyền của tỉnh phát triển.

Chị Nguyễn Thanh Huyền, ngụ huyện Giồng Riềng chia sẻ: “Con tôi thích học võ cổ truyền. Môn võ này giúp con phát triển thể chất tốt và giảm căng thẳng sau giờ học. Cho con đi học võ tôi yên tâm hơn để con ở nhà rồi con lại lướt điện thoại, chơi game”.

Theo nhiều võ sư võ cổ truyền, cái hay của võ cổ truyền nằm ở tôn chỉ “Võ công vị nhân - Võ đạo khai trí”, nghĩa là rèn luyện võ công để nâng cao sức lực, khai tâm, mở trí. Võ cổ truyền không chỉ truyền dạy những đấu pháp, những bài quyền, thế… cho người học mà còn dạy cả cái tâm cho người học võ, truyền dạy tinh thần thượng võ của bộ môn và môn phái.

Võ cổ truyền chứa đựng nhiều nét đẹp văn hóa của người Việt; trong đó có triết lý về cuộc sống, nhân sinh quan được thể hiện rõ qua các thế võ uyển chuyển, nhịp nhàng nhưng đầy sức mạnh, giống như cốt cách của con người Việt Nam.

Bài và ảnh: TRUNG HIẾU

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/van-hoa-the-thao/giu-gin-phat-huy-vo-co-truyen-18517.html