Giữ gìn truyền thống 'Tôn sư trọng đạo'

Tôn sư trọng đạo là truyền thống đạo lý mang đậm giá trị nhân văn của dân tộc Việt Nam. Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) chính là ngày thể hiện đạo lý ngàn năm ấy.

Những ngày tháng 11, cùng những lo toan đời thường, việc học của con, chỉ tiêu công việc của năm... nhưng bất cứ ai đã từng là học sinh đều có cảm xúc bồi hồi nhớ về mái trường và thầy cô.

Nhớ dịp này năm trước, thế hệ học sinh Trường THPT Chuyên Lào Cai từ khắp mọi miền Tổ quốc trở về dự Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập trường với niềm hân hoan, xúc động. Đặc biệt, trên fanpage của nhà trường đăng nhiều tâm sự, sẻ chia xúc động của nhiều thế hệ học sinh về thầy cô, bè bạn, tuổi học trò đẹp đẽ, trong sáng dưới mái nhà chung. “Nhân dịp trường kỷ niệm 20 năm thành lập, được quay về thăm trường và gặp các thầy cô giáo, lại một lần nữa thấy mình vẫn trẻ y như ngày nào. Vẫn học sinh hơi cá biệt của Chuyên Văn khóa 4, lớp cô Hạnh chủ nhiệm. Gặp lại cô và các bạn thấy vẫn y nguyên như xưa, dù đã 14 năm rồi. Em xin kính chúc các thầy cô giáo thân thương luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và mãi luôn biết ơn thầy cô đã cho chúng em khoảng thời gian tuyệt vời trong đời!”; “20 năm ngày trở về. Gặp lại thầy cô và bạn bè, bao nhiêu ký ức ùa về theo dòng chảy thời gian. Thanh xuân của tôi ở đó. Chúc mừng các thầy cô giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. Em xin chúc các thầy cô luôn mạnh khỏe, công tác tốt và mãi là những người lái đò tuyệt vời nhất đưa chúng em đến bến đò thành công…”.

Mỗi dòng chia sẻ là một kỷ niệm, một cảm xúc lưu luyến song đều in đậm dấu ấn về tình cảm thầy trò, về lòng biết ơn của học sinh dành cho thầy cô của mình. Chị Lê Hải Vân, cựu học sinh Trường THPT Chuyên Lào Cai chia sẻ: "Gặp lại các thầy cô với những vết nhăn hằn trên da, tóc đã điểm bạc nhưng sự ân cần với chúng tôi thì vẫn vẹn nguyên. Chúng tôi mãi là những cô, cậu học trò ngây thơ ngày nào, luôn mong được các thầy cô chỉ bảo, dạy dỗ trên suốt chặng đường đời".

Trở về trường cũ cùng các thế hệ giáo viên ngày đầu thành lập trường, cô giáo Nguyễn Thị Phương, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Lào Cai không giấu được xúc động: Hạnh phúc lớn nhất của mỗi người làm nghề giáo đó là khi học trò của mình trưởng thành nhưng vẫn luôn ghi nhớ công ơn của thầy cô và mái trường. Sự trưởng thành của các em không chỉ là sự thành công trong cuộc sống, công việc mà dù ở bất cứ cương vị nào các em vẫn luôn giữ được tinh thần “tôn sư trọng đạo”.

Trong không khí vui tươi đón chào ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), các trường học, bậc học trên toàn tỉnh đều tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực như giao lưu văn nghệ, thể thao, thi giờ dạy học, thi trường sạch, lớp đẹp, làm báo tường, thi vẽ tranh, sinh hoạt dưới cờ với chủ đề về thầy cô, mái trường. Học sinh nỗ lực giành thành tích, giải thưởng cao trong học tập dành tặng, đền đáp công ơn thầy cô. Những lời tri ân thầy cô đôi khi không dễ để thể hiện thành lời song bằng nhiều cách khác nhau, sự kính trọng, biết ơn sâu sắc ấy vẫn được mỗi học sinh trao gửi đến thầy cô bằng tất cả tình cảm yêu mến, chân thành. Ngày còn đi học, cứ cận kề 20/11, chúng tôi lại léo nhéo hẹn nhau đến thăm thầy cô giáo. Ngày ấy, học sinh chỉ có bó hoa cắt vội ngoài vườn kèm theo món quà nhỏ như chiếc bút máy, cuốn sổ tay để tặng thầy cô nhưng đong đầy cảm xúc.

Giờ khôn lớn trưởng thành, mỗi người công tác một nơi, nhưng dịp 20/11 chúng tôi vẫn tìm cách kết nối, sắp xếp công việc để về thăm lại trường xưa, gặp lại thầy cô. Những nụ cười gặp gỡ, cái ôm thắm thiết, những giọt nước mắt vỡ òa xúc động khi nhắc lại kỷ niệm xưa là món quà vô giá mà bất cứ ai làm nghề giáo viên đều mong nhận được từ các thế hệ học trò.

Cô giáo Lê Thị Kim Dung, Trường Mầm non A Lù, huyện Bát Xát tâm sự: Giảng dạy ở vùng cao hơn 10 năm, có lẽ kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với tôi là tấm bưu thiếp ghi lời chúc nguệch ngoạc lũ trẻ tặng nhân ngày 20/11. Lúc mệt mỏi chỉ cần ngắm nhìn món quà đầy yêu thương ấy, mình có thêm động lực, thêm cố gắng gắn bó, tận tâm với nghề.

Những ngày này, các em nhỏ được gia đình, nhà trường dạy dỗ về lòng biết ơn các thầy cô giáo. Chị Tạ Thu Hương, phường Kim Tân (thành phố Lào Cai) chia sẻ: Tôi tin khi trẻ được dạy dỗ biết yêu trường, mến cô từ nhỏ, các con sẽ sớm hoàn thiện nhân cách, nhận thức và chắc chắn chặng đường học tập tương lai sẽ rộng mở.

Còn nhớ câu chuyện về bức thư tay cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi cô giáo cũ Đặng Thị Phúc. Bức thư giản dị, chân thành thể hiện lòng tri ân sâu sắc của ông đối với người đã dìu dắt mình những năm tháng đầu đời. Trong bức thư cố Tổng Bí thư viết: “Em vẫn giữ mãi những kỷ niệm sâu sắc, không bao giờ phai mờ trong những năm tháng được cô dạy bảo”. Sự kính trọng và tình cảm mà cố Tổng Bí thư dành cho cô giáo của mình là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ, nhắc nhở mỗi chúng ta về giá trị của lòng biết ơn đối với những người đã từng dìu dắt mình trên con đường tiếp nhận tri thức.

 Các em nhỏ được gia đình, nhà trường dạy dỗ về lòng biết ơn các thầy cô giáo.

Các em nhỏ được gia đình, nhà trường dạy dỗ về lòng biết ơn các thầy cô giáo.

Thầy giáo Đỗ Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai chia sẻ: Ngành giáo dục Lào Cai luôn tự hào khi có biết bao thầy giáo, cô giáo vì sự nghiệp “trồng người”, vì thế hệ tương lai của đất nước đã vượt qua khó khăn, gian khổ sẵn sàng “cõng” chữ lên non. Biết bao tấm gương thầy cô luôn tận tâm truyền lửa đam mê, giúp học sinh giành vinh quang cho quê hương, đất nước trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế. Chúng ta tin tưởng các thế hệ học trò sẽ trưởng thành từ truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, “Kỷ luật và đồng tâm”.

 Cô Nguyễn Thị Hạnh, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Chuyên Lào Cai bên học trò thân yêu.

Cô Nguyễn Thị Hạnh, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Chuyên Lào Cai bên học trò thân yêu.

“Tôi hạnh phúc khi học trò cũ nhớ về mình”

Hạnh phúc của người thầy chính từ những điều giản đơn trong cuộc sống với học trò. Tình thầy trò luôn là tình cảm thiêng liêng và cao đẹp.

Mỗi năm cứ đến ngày 20/11 hay dịp lễ, tết, điện thoại tôi liên tục nhận được tin nhắn chúc mừng của học trò cũ, lòng cảm thấy lâng lâng bởi các em vẫn nhớ mình, nhớ về đạo lý mà thuở nào mình truyền đạt.

Những “món quà vô giá” bất chợt đó thực sự là nguồn động lực cho chúng tôi - người đưa đò muốn cống hiến nhiều hơn.

 Chị Nguyễn Thùy Linh, bác sỹ Bệnh viện Nội tiết tỉnh, cựu học sinh Trường THPT số 1 Mường Khương trong một lần tái ngộ với thầy giáo cũ.

Chị Nguyễn Thùy Linh, bác sỹ Bệnh viện Nội tiết tỉnh, cựu học sinh Trường THPT số 1 Mường Khương trong một lần tái ngộ với thầy giáo cũ.

“Nhớ ơn thầy”

Thầy Tô Trọng Quốc là giáo viên chủ nhiệm, cũng là giáo viên dạy môn tiếng Anh của lớp tôi. Với nhiệt huyết và sự tận tụy, trong mỗi bài giảng, thầy luôn thôi thúc học sinh vùng cao không e ngại nói tiếng Anh, tự tin hỏi và trao đổi với thầy.

Hồi đó, tôi là học trò thấp bé nhất lớp nên thầy xếp tôi ngồi bàn đầu, thường xuyên hỏi thăm sức khỏe và động viên tôi học tập. Có lần tôi làm bài kiểm tra đạt điểm cao và được thầy tuyên dương trước lớp, thầy bảo: “Bạn Linh - bé hạt tiêu”, kể từ đó thầy hay gọi tôi bằng cái tên thân mật “bé hạt tiêu”.

Lần chúng tôi tổ chức họp lớp gần đây, thầy về dự. Vẫn nụ cười trìu mến, thầy gọi tên từng học sinh cũ - tiếng gọi thân thương. Tôi luôn nhớ và biết ơn thầy.

 Anh Tráng Seo Lềnh, thôn Nhiều Cù Ván, xã Tả Van Chư, huyện Bắc Hà hỏi thăm thầy giáo.

Anh Tráng Seo Lềnh, thôn Nhiều Cù Ván, xã Tả Van Chư, huyện Bắc Hà hỏi thăm thầy giáo.

“Chúng tôi biết ơn vì thầy cô đã chăm sóc con em mình”

Thôn Nhiều Cù Ván còn nhiều khó khăn. Những năm qua, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, trường lớp được xây dựng khang trang, con em đồng bào dân tộc thiểu số được đi học. Đặc biệt, các thầy cô giáo về giảng dạy, chăm sóc các cháu, bà con trong thôn rất vui mừng và yên tâm.

Chúc các thầy cô thật nhiều sức khỏe, gắn bó với giáo dục vùng cao.

Thanh Huệ

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/giu-gin-truyen-thong-ton-su-trong-dao-post393623.html