Giữ gìn truyền thống văn hóa ứng xử trong gia đình

Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 năm nay có chủ đề 'Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình' nhằm nâng cao nhận thức của cá nhân, gia đình và xã hội đối với việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình. Qua đó, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.

Những nét đẹp ứng xử trong gia đình đã hình thành nên nhiều giá trị văn hóa mang tính truyền thống của người Việt như: Sự hòa thuận, thủy chung, nghĩa tình, lòng yêu thương, hy sinh cho con cái; sự tôn trọng, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, anh em... Một gia đình chỉ thực sự hạnh phúc khi mọi người có sự quan tâm, yêu thương, chia sẻ lẫn nhau, cùng vun đắp cho tổ ấm chung.

Thành viên Câu lạc bộ Xây dựng gia đình hạnh phúc xã Thiện Kế (Sơn Dương) chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc.

Thành viên Câu lạc bộ Xây dựng gia đình hạnh phúc xã Thiện Kế (Sơn Dương) chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc.

Cuộc sống hiện đại có nhiều thay đổi khiến cho giới trẻ có xu hướng chọn mô hình gia đình hạt nhân (gồm vợ, chồng và các con cùng chung sống). Vậy mà gia đình ba thế hệ của gia đình ông Hứa Văn Doanh, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) vẫn được duy trì và luôn đầy ắp tiếng cười. Chị Vũ Thị Chi, con dâu ông Doanh chia sẻ, quan hệ giữa các thành viên trong gia đình nhiều thế hệ rất phức tạp, mối quan hệ giữa mẹ chồng - nàng dâu hay mối quan hệ giữa chị chồng - em cô nếu không khéo sẽ nảy sinh mâu thuẫn. Những lúc đó bố chồng chị luôn là người tìm hiểu nguyên nhân, sau đó phân tích cho các con nhận ra đúng, sai và giảng dạy cho con, cháu cần phải đoàn kết, “trong có ấm thì ngoài mới êm”. Qua đó, các con và các cháu đều nhận ra khuyết điểm của mình để sửa, do vậy từ nhiều năm nay gia đình chị chẳng mấy khi thiếu vắng tiếng nói, cười vui vẻ.

Bên cạnh đó, việc xây dựng và duy trì các câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Năm 2011, xã Thiện Kế là xã điểm của huyện Sơn Dương triển khai 4 câu lạc bộ (CLB) xây dựng gia đình hạnh phúc và 4 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình với trên 300 thành viên tham gia. Ông Vũ Văn Huy, Chủ nhiệm CLB Xây dựng gia đình hạnh phúc thôn Thiện Tân nói, hiện CLB có 21 cặp vợ chồng với đủ các lứa tuổi tham gia sinh hoạt. Tham gia CLB, các thành viên được tuyên truyền kiến thức về hôn nhân gia đình, bình đẳng giới; chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm nuôi, dạy con, cháu. Nhờ vậy, đã giúp từng thành viên thay đổi nhận thức, tình trạng mất bình đẳng giới được cải thiện đáng kể.

Chị Phúc Thị Xuyên, Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói, đến nay, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 460 mô hình Địa chỉ tin cậy; 319 câu lạc bộ (CLB) Gia đình hạnh phúc; 10 mô hình, 25 nhóm Phòng chống bạo lực gia đình; 35 CLB Gia đình phát triển bền vững… Đây là những địa chỉ đỏ trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống, xây gia đình hạnh phúc.

Xu thế hiện nay những gia đình nhỏ, ít thế hệ ngày càng phổ biến và được giới trẻ ưa chuộng, đó là nguyên nhân làm cho sợi dây huyết thống trong gia đình lỏng lẻo, sự trao truyền những kinh nghiệm sống, phong tục tập quán, thói quen giao tiếp, ứng xử tốt đẹp của ông bà, cha mẹ cho con, cháu dần mất đi. Với ý nghĩa của Ngày Gia đình Việt Nam năm 2019 sẽ giúp mỗi người nâng cao nhận thức về vai trò của gia đình trong cuộc sống, cùng nhau vun đắp xây dựng gia đình hạnh phúc để cộng đồng, xã hội phát triển bền vững.

Bài, ảnh: Dương Châu

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/giu-gin-truyen-thong-van-hoa-ung-xu-trong-gia-dinh-119220.html