Giữ gìn và phát huy giá trị các bảo vật quốc gia

'Bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học' (Luật Di sản văn hóa). Do đó, bảo tồn và phát huy giá trị bảo vật quốc gia là góp phần gìn giữ di sản văn hóa quý báu mà cha ông để lại.

Bia Vĩnh Lăng tại Khu Di tích lịch sử Lam Kinh.

Khu Di tích lịch sử Lam Kinh có giá trị đặc biệt cả về lịch sử, văn hóa – kiến trúc, nghệ thuật, khoa học. Điều này được phản ánh qua hệ thống kiến trúc độc đáo, uy nghiêm và linh thiêng gồm lăng tẩm, bia ký, đền đài, sân rồng, cầu Bạch... Trong đó, các bia ký có một “đời sống” của riêng nó và theo đó cũng mang nhiều ý nghĩa và giá trị riêng biệt. Minh chứng cho giá trị của hệ thống bia ký tại Lam Kinh là 5 bảo vật quốc gia, gồm bia Vĩnh Lăng (bia Lê Thái tổ), bia Khôn Nguyên Chí Đức (bia Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao), bia Chiêu Lăng (bia Lê Thánh tông), bia Dụ Lăng (bia Lê Hiến tông) và bia Kính Lăng (bia Lê Túc tông). Trong đó, nổi bật hơn cả là bia Vĩnh Lăng được dựng vào năm Thuận Thiên thứ 6, tháng 10 năm 1433 (Quý Sửu), lưu lại thân thế, sự nghiệp và công lao to lớn của Vua Lê Thái tổ. Bia không chỉ là tác phẩm có giá trị nghệ thuật và văn hóa to lớn, mà còn được các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa xem như một pho sử liệu sống động, phục vụ đắc lực cho công tác nghiên cứu khoa học. Với ý nghĩa đó, bia Vĩnh Lăng đã được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2014 và hiện vẫn là bảo vật tiêu biểu, độc đáo và quý giá bậc nhất không chỉ của riêng Lam Kinh, của văn hóa xứ Thanh mà còn của cả đất nước.

Bên cạnh bia Vĩnh Lăng, bia Chiêu Lăng cũng được đánh giá cao cả về hình thức và nội dung. Bia có kích thước lớn gần tương đương với bia Vĩnh Lăng (rộng 1,9m, cao 2,76m và dày 0,28m). Cả bia và rùa ước nặng khoảng 13 tấn. Bia có khoảng 3.000 chữ, thuật lại đầy đủ thân thế, sự nghiệp của Thánh tông Thuần hoàng đế. Bài minh và tựa trên bia Chiêu Lăng có đoạn: “Niên hiệu Cảnh Thống thứ nhất (1498), ngày Giáp Tuất mùng 8 tháng 2, đưa quan tài của Thánh tông hoàng đế về Lam Kinh. Đến ngày Giáp Ngọ 28 tháng 2, an táng ở Lam Sơn, bên tả Vĩnh Lăng, gọi là Chiêu Lăng. Trước đó lễ quan tâu xin lập bia khắc bài minh để tỏ rõ sự nghiệp của tiên đế ở đời sau. Hoàng đế tự vị phê chuẩn bản tấu, đặc sai chúng thần là Thân Nhân Trung, Đàm Văn Lễ, Lưu Hưng Hiếu soạn văn. Chúng thần kính nghĩ, hoàng đế là người đức lớn công to, chính sự nhân ái, giáo hóa tốt đẹp, lớn tựa càn khôn, sáng cùng nhật nguyệt, thấu khắp xa gần, rạng ngời vũ trụ, sách sử văn chương chồng chất, chẳng phải loại thiển học lời quê như chúng thần có thể khắc họa được”.

Là những hiện vật “có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học”, do đó, theo quy định của Luật Di sản văn hóa thì “mọi di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thu được trong quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ và do tổ chức, cá nhân phát hiện, giao nộp phải được tạm nhập vào kho bảo quản của bảo tàng cấp tỉnh nơi phát hiện”. Đồng thời, “bảo vật quốc gia được bảo vệ và bảo quản theo chế độ đặc biệt”; “Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đăng ký di vật, cổ vật thuộc sở hữu của mình với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về văn hóa - thông tin. Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đã đăng ký được Nhà nước thẩm định miễn phí, hướng dẫn nghiệp vụ bảo quản và tạo điều kiện để phát huy giá trị”. Như vậy, việc bảo vệ và khai thác, phát huy giá trị các bảo vật quốc gia được quy định rõ trong luật; song để các bảo vật này thực sự phát huy được giá trị thì cần nhận thức đúng vai trò, ý nghĩa và giá trị của nó trong kho tàng văn hóa dân tộc. Từ đó, có cách thức bảo tồn, gìn giữ một cách nghiêm túc, khoa học, kịp thời và hiệu quả, nhằm tránh hư hỏng hay bị xâm hại từ các yếu tố thời tiết và con người.

Bảo tàng tỉnh hiện đang trưng bày, bảo quản 3 bảo vật quốc gia là kiếm ngắn núi Nưa, trống đồng Cẩm Giang I và vạc đồng Cẩm Thủy. Những năm qua, công tác bảo quản và phát huy giá trị các bảo vật quốc gia luôn được bảo tàng quan tâm. Theo đó, các bảo vật được trưng bày trong không gian trang trọng (kiếm ngắn núi Nưa, trống đồng Cẩm Giang I), nhận được sự quan tâm đặc biệt của khách tham quan. Với bảo vật có kích thước lớn như vạc đồng Cẩm Thủy, bảo tàng cũng đã dành vị trí phù hợp để bảo quản, trưng bày. Việc trưng bày, giới thiệu các bảo vật quốc gia không chỉ góp phần làm phong phú, đa dạng các hiện vật tại bảo tàng; mà qua đó còn tích cực quảng bá vẻ đẹp vùng đất và con người xứ Thanh giàu truyền thống lịch sử, văn hóa đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước. Từ đó, nhân dậy niềm tự hào và ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân và cả cộng đồng, đặc biệt là với thế hệ trẻ trong việc bảo vệ, gìn giữ tinh hoa văn hóa dân tộc.

Cũng như Bảo tàng tỉnh, việc bảo vệ các bảo vật quốc gia cũng được Ban Quản lý Di tích lịch sử Lam Kinh đặc biệt quan tâm. Theo đó, những năm qua, đơn vị đã triển khai thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ, bảo tồn và tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá giá trị của các bảo vật đến đông đảo Nhân dân và du khách. Tổ chức nghiên cứu lập hồ sơ khoa học cho từng bia ký; sưu tầm, nghiên cứu, tập hợp tư liệu có liên quan về hệ thống bia ký Lam Kinh để xây dựng kho tư liệu phục vụ cho công tác tham quan, học tập, nghiên cứu khoa học. Cùng với đó, ban quản lý cũng chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là các thuyết minh viên di tích. Qua đó, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, quảng bá, góp phần khơi dậy niềm tự hào và ý thức trách nhiệm cho mỗi người dân và du khách trong việc bảo vệ các bảo vật quốc gia và phát huy giá trị của nó trong đời sống kinh tế - xã hội, văn hóa – tinh thần hiện nay.

Bài và ảnh: Trần Giang

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/giu-gin-va-phat-huy-gia-tri-cac-bao-vat-quoc-gia/154520.htm