Giữ gìn và phát huy giá trị lễ hội đền Bà Triệu (Bài cuối): Trân trọng và vun đắp giá trị di sản cho mai sau

Là một trong những lễ hội lớn bậc nhất xứ Thanh, với nhiều giá trị to lớn gắn với nhân vật được thờ phụng là Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh, lễ hội đền Bà Triệu đã chính thức được vinh danh trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội đền Bà Triệu thường được tổ chức từ ngày 19 đến 24 - 2 âm lịch, với nhiều nghi lễ truyền thống đặc sắc

Lễ hội đền Bà Triệu thường được tổ chức từ ngày 19 đến 24 - 2 âm lịch, với nhiều nghi lễ truyền thống đặc sắc

Trong văn hóa Việt Nam, lễ hội có sức lôi cuốn và sức sống mãnh liệt, bởi “thông qua những hình thức biểu hiện của mình, lễ hội trở thành một hiện tượng văn hóa tổng hợp làm thỏa mãn nhu cầu văn hóa tâm linh của con người”. Bởi vậy, lễ hội đền Bà Triệu đã được cộng đồng gìn giữ như một “báu vật”. Để rồi, trải qua hàng chục thế kỷ, lễ hội vẫn có sức sống trường tồn và khẳng định được giá trị trong đời sống cộng đồng cũng như trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc.

Lễ hội đền Bà Triệu thường được tổ chức từ ngày 19 đến 24/2 âm lịch, với nhiều nghi lễ truyền thống đặc sắc, độc đáo. Theo tục lệ, các cụ cao niên trong làng Phú Điền sẽ chọn những người tham gia tế lễ, rước kiệu theo các quy định khắt khe từ xa xưa: đó là những người có sức khỏe tốt, cao lớn, ngoại hình ưa nhìn, bản thân và gia đình thanh sạch, không có tang và trước lễ hội ít nhất một tuần những người này phải giữ mình, không được làm những điều cấm kỵ.

Công tác chuẩn bị luôn được thực hiện chu đáo và nghiêm cẩn. Mọi ngả đường trong khu di tích được dọn dẹp sạch sẽ, cờ bay rợp trời. Lễ tế chính thức được diễn ra tại đình Phú Điền và đền Bà Triệu. Các nghi thức tế lễ được thực hiện vô cùng trang trọng, bày tỏ lòng thành kính, ngưỡng vọng của hậu thế đối với công đức của tiền nhân. Đồng thời, cầu mong Vua Bà phù hộ quốc thái dân an, vạn vật tốt tươi. Đặc biệt, các hoạt động của lễ hội được diễn ra trong không gian linh thiêng của những công trình kiến trúc nghệ thuật đậm nét văn hóa truyền thống như đình, đền, lăng mộ... Điều này khiến cho người tham gia lễ hội như được hòa mình vào không gian văn hóa truyền thống của dân tộc Việt.

Lễ hội đền Bà Triệu đã được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội đền Bà Triệu đã được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Với những giá trị đặc sắc, độc đáo, năm 2022 Lễ hội đền Bà Triệu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm tự hào của người dân xứ Thanh nói chung và của người dân làng Phú Điền, xã Triệu Lộc nói riêng. Đi liền với niềm vinh dự, tự hào ấy là những vấn đề đặt ra đối với cấp ủy, chính quyền các cấp cùng những người làm công tác bảo tồn di sản văn hóa và người dân trong việc nâng cao ý thức trách nhiệm trong bảo tồn, gìn giữ giá trị của lễ hội trong đời sống cộng đồng.

Nói về nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị của Lễ hội đền Bà Triệu, Chủ tịch UBND xã Triệu Lộc, ông Lê Ngọc Doãn, khẳng định: Lễ hội đền Bà Triệu được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là niềm vinh dự, tự hào của Nhân dân Triệu Lộc; đồng thời, là cơ sở quan trọng để địa phương làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn, phát huy các giá trị của lễ hội gắn với đình làng Phú Điền và các điểm di tích gắn với Bà Triệu. Bởi vậy, địa phương sẽ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để mọi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, nhận thức được ý nghĩa và giá trị của lễ hội. Từ đó nâng cao trách nhiệm trong việc gìn giữ và phát huy giá trị lễ hội trong đời sống cộng đồng.

Ông Trương Hoài Nam, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu lịch sử và bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa, cho biết: Trong thời gian tới, Trung tâm nghiên cứu lịch sử và bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa sẽ tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm để Nhân dân bảo tồn tốt hơn những giá trị văn hóa, lịch sử của lễ hội đền Bà Triệu; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong công tác bảo tồn, tôn tạo di tích, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể liên quan đến lễ hội.

Tổ chức các lớp hướng dẫn, tập huấn cho các cán bộ văn hóa xã, những người làm công tác lễ hội và Nhân dân địa phương những kiến thức về việc tổ chức lễ hội truyền thống, tạo điều kiện cho Nhân dân hưởng lợi ích từ những giá trị di sản mang lại; hướng dẫn việc tham gia bảo vệ di sản, những hiện vật, bảo vật liên quan đến di sản; trao truyền các giá trị di sản. Đồng thời, tiếp tục tham mưu xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách và kế hoạch bảo tồn lễ hội đền Bà Triệu; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trải qua biết bao đổi thay của lịch sử, thế nhưng lễ hội đền Bà Triệu vẫn có sức sống trường tồn. Lễ hội thể hiện sâu sắc sự ngưỡng vọng và tri ân của thế hệ hôm nay đối với vị anh hùng dân tộc có công với nước. Tự hào với truyền thống văn hóa, lịch sử hào hùng, cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân xứ Thanh luôn ý thức được nhiệm vụ của hậu thế trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản quốc gia lễ hội đền Bà Triệu, từ đó, tiếp tục vun đắp, trao truyền di sản cho các thế hệ mai sau.

Nhóm PV CT-XH

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/giu-gin-va-phat-huy-gia-tri-le-hoi-den-ba-trieu-bai-cuoi-tran-trong-va-vun-dap-gia-tri-di-san-cho-mai-sau/26577.htm