Giữ gìn và phát huy tài sản quý của Việt Nam-Ba Lan

Trước thềm chuyến thăm chính thức Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Ba Lan Zbigniew Rau, bà Justyna Pabian, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam, đã chia sẻ về ý nghĩa chuyến thăm và sự gắn bó chặt chẽ giữa hai nước.

Bà Justyna Pabian, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam (giữa) cùng đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, Hội hữu nghị Việt Nam- Ba Lan và Hiệp hội các nhà làm phim Ba Lan tại Lễ khai mạc Tuần phim Ba Lan tại Việt Nam ngày 11/3. (Nguồn: ĐSQ Ba Lan tại Việt Nam)

Bà Justyna Pabian, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam (giữa) cùng đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, Hội hữu nghị Việt Nam- Ba Lan và Hiệp hội các nhà làm phim Ba Lan tại Lễ khai mạc Tuần phim Ba Lan tại Việt Nam ngày 11/3. (Nguồn: ĐSQ Ba Lan tại Việt Nam)

Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Ba Lan Zbigniew Rau sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 16-17/3. Nhân dịp này, bà Justyna Pabian, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam, đã trả lời phỏng vấn Báo Thế giới & Việt Nam.

Xin bà cho biết mục đích và ý nghĩa chuyến thăm chính thức Việt Nam tới đây của Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Ba Lan Zbigniew Rau? Bà có kỳ vọng gì vào chuyến thăm này?

Việt Nam vẫn luôn là đối tác quan trọng nhất của Ba Lan ở Đông Nam Á. Hai nước chúng ta đã hợp tác chặt chẽ hơn 73 năm nay và tôi tin chắc sự hợp tác sẽ tiếp tục chặt chẽ như thế. Chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Zbigniew Rau là minh chứng cụ thể cho thực tế đó.

"Tài sản quý giá nhất trong quan hệ ngoại giao giữa Ba Lan và Việt Nam chính là mối quan hệ hữu nghị tin cậy, thắm thiết đã được phát triển và vun đắp trong suốt chiều dài lịch sử 73 năm thiết lập quan hệ ngoại giao" - Đại biện lâm thời Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam Justyna Pabian.

Tình hình toàn cầu trở nên phức tạp trong những năm gần đây, đặc biệt là do đại dịch và tình hình ở Ukraine, tuy nhiên, quan hệ giữa Ba Lan và Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển. Trong đại dịch, hai quốc gia chúng ta đã giúp đỡ lẫn nhau và chứng tỏ được việc chúng ta là những đối tác trung thành và hỗ trợ lẫn nhau.

Lời mời Bộ trưởng Zbigniew Rau sang thăm Việt Nam xuất phát từ cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Zbigniew Rau và Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn vào năm 2021. Rõ ràng, không gì có thể thay thế các cuộc gặp trực tiếp và chúng tôi hy vọng chuyến thăm sẽ góp phần tăng cường hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực, bao gồm cả chính trị. kinh tế, giáo dục, văn hóa và nhiều lĩnh vực khác.

Chúng tôi cũng mong muốn ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác đào tạo và học thuật ngoại giao giữa Học viện Ngoại giao Ba Lan và Học viện Ngoại giao Việt Nam. Đây sẽ là một công cụ lâu dài, có giá trị, giúp các cơ quan ngoại giao của cả hai nước trao đổi chuyên môn về đào tạo các nhà ngoại giao cũng như học hỏi lẫn nhau.

Trong chuyến thăm Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao Zbigniew Rau sẽ đặt trọng tâm vào những nội dung hợp tác gì?

Bộ trưởng Zbigniew Rau đến Việt Nam để thảo luận về hợp tác song phương cũng như các vấn đề toàn cầu, chủ yếu liên quan đến an ninh.

Chúng tôi rất hài lòng với sự phát triển của quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam-Ba Lan, nhưng chúng tôi cũng rất quan tâm đến việc thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước trong các lĩnh vực mà Ba Lan có lợi thế và Việt Nam có nhu cầu như nông nghiệp, dược phẩm và công nghệ số.

Hiện nay, người dân Việt Nam có thể dễ dàng tìm thấy các sản phẩm nông sản thực phẩm của Ba Lan tại các siêu thị như các sản phẩm từ sữa, thịt lợn, thịt gia cầm và các sản phẩm chất lượng cao như táo, kẹo, sôcôla,... Thịt bò, một trong những tiềm năng của Ba Lan, mới đây cũng đã được phía Việt Nam chấp thuận xuất khẩu sang Việt Nam.

Tuy nhiên, Ba Lan vẫn còn nhiều cơ hội và tiềm năng hợp tác kinh tế với Việt Nam hơn nữa, nhất là khi Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020 và hầu hết các rào cản về thuế sớm muộn gì cũng sẽ được dỡ bỏ.

Tôi tin rằng, các cuộc thảo luận sắp tới cũng sẽ tập trung nhiều vào lĩnh vực giáo dục. Các trường đại học Ba Lan sẵn sàng tiếp nhận sinh viên Việt Nam và mang đến nền giáo dục đại học chất lượng cao. Trong quá khứ, chúng tôi đã từng tiếp nhận số lượng lớn sinh viên Việt Nam và chúng tôi hy vọng, các thế hệ mới cũng sẽ cân nhắc việc học tập tại Ba Lan.

Trên thực tế, cho đến cuối tháng 3 này, sinh viên Việt Nam có thể nộp đơn cho Chương trình học bổng Banach, chương trình tạo cơ hội học văn bằng thứ hai tại các trường đại học Ba Lan trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật và khoa học nông nghiệp... Tôi rất mong các bạn sinh viên có thể vào trang web của Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam và nộp đơn xin học bổng.

Bà Justyna Pabian và các thành viên của Hội hữu nghị Việt Nam-Ba Lan tại Hà Nội. (Nguồn: ĐSQ Ba Lan tại Việt Nam)

Bà Justyna Pabian và các thành viên của Hội hữu nghị Việt Nam-Ba Lan tại Hà Nội. (Nguồn: ĐSQ Ba Lan tại Việt Nam)

Ba Lan là một trong những quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Bà đánh giá thế nào về mối quan hệ giữa hai nước trong hơn 73 năm qua?

Tài sản quý giá nhất trong quan hệ ngoại giao giữa Ba Lan và Việt Nam chính là mối quan hệ hữu nghị tin cậy, thắm thiết đã được phát triển và vun đắp trong suốt chiều dài lịch sử 73 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai năm nữa, chúng ta sẽ kỷ niệm dấu mốc 75 năm.

Tôi tin hai bên có thể tự hào rằng, bất chấp khoảng cách địa lý, hai nước vẫn duy trì được mối quan hệ thân thiết. Ba Lan luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam, kể từ khi Ba Lan tham gia Ủy ban Giám sát và kiểm soát quốc tế năm 1954, đến việc viện trợ vaccine ngừa Covid-19 trong đại dịch, cũng như sự hỗ trợ của chính phủ Ba Lan trong việc tổ chức các chuyến bay đặc biệt cho người Việt gặp khó khăn, sơ tán khỏi Ukraine.

Bà cảm nhận thế nào về giao lưu nhân dân giữa hai nước trong những năm qua?

Tôi tin, nếu không có sự nỗ lực và tình hữu nghị giữa người Ba Lan và người Việt Nam đã được phát triển qua nhiều năm, thì quan hệ chính thức của chúng ta sẽ rất khác. Hàng nghìn sinh viên Việt Nam đã sang Ba Lan học tập, học tiếng và coi đây như là quê hương thứ hai của mình.

Hiện tại ở Việt Nam, chúng tôi có khoảng 4 nghìn sinh viên Việt Nam tốt nghiệp các trường đại học Ba Lan, những người duy trì mối quan hệ rất chặt chẽ với con người và đất nước Ba Lan. Họ liên kết với nhau qua Hội Hữu nghị Việt Nam- Ba Lan và tích cực thúc đẩy hợp tác Ba Lan-Việt Nam trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, kinh tế và du lịch. Đại sứ quán Ba Lan tại Hà Nội rất biết ơn vì sự hỗ trợ liên tục của họ.

Ngay trong tuần này, nhờ sự phối hợp giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, Hội hữu nghị Việt Nam-Ba Lan và Hiệp hội các nhà làm phim Ba Lan, khán giả Việt Nam tại Hà Nội, Huế và Đà Nẵng đã có cơ hội xem phim Ba Lan thông qua Tuần phim Ba Lan tại Việt Nam. Thành viên của các hội này phần lớn là những người từng du học ở Ba Lan trong khoảng thời gian từ 1950-1980.

Do đó, ưu tiên của chúng tôi là đảm bảo rằng, các bạn trẻ Việt Nam cũng sẽ có cơ hội học tập tại Ba Lan, tìm hiểu đất nước chúng tôi và sau đó hỗ trợ phát triển mối quan hệ này.

Cảm nhận của bà về đất nước và con người Việt Nam là gì?

Tôi đến Việt Nam chưa đầy hai tháng trước. Dù chưa có nhiều cơ hội để đi thăm thú ở đây, nhưng tôi có thể nói rằng, Hà Nội và người Việt Nam đã tạo ấn tượng đầu tiên rất tốt với tôi. Tôi đánh giá cao lòng tốt và lòng hiếu khách của những người tôi làm việc cùng và những người tôi gặp hàng ngày trên đường phố.

Hà Nội là một thành phố sôi động, tràn đầy năng lượng và bất cứ khi nào có cơ hội, tôi đều cố gắng đi bộ trong phố và khám phá những địa điểm ít được biết đến. Tất nhiên khi nói về Việt Nam, người ta không thể quên ẩm thực và cà phê tuyệt vời của Việt Nam. Thú thật là tôi đã nghiện món cà phê cốt dừa.

Tôi rất vui mừng được đến Việt Nam và mong muốn được hiểu rõ hơn về đất nước, lịch sử và văn hóa của đất nước bạn.

Xin cảm ơn bà!

Tiểu sử Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Zbigniew Rau. (Nguồn: TG&VN)

Tiểu sử Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Zbigniew Rau. (Nguồn: TG&VN)

Thu Trang

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/giu-gin-va-phat-huy-tai-san-quy-cua-viet-nam-ba-lan-219886.html