Giữ gìn và phát huy vốn quý trong mỗi gia đình

'Ông bà, cha mẹ gương mẫu, con cháu thảo hiền', 'Tuổi cao - Gương sáng' là những phong trào đã trở thành nét đẹp văn hóa trong hoạt động của người cao tuổi. Qua đó xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ trong gia đình và cộng đồng.

Ông bà giáo dục con cháu lễ nghĩa trong gia đình. Ảnh: THÙY THẢO

Ông bà giáo dục con cháu lễ nghĩa trong gia đình. Ảnh: THÙY THẢO

Tuổi cao - Gương sáng

Gia đình ông Trương Phúc ở xã An Phú, TP Tuy Hòa hiện có 4 thế hệ cùng sinh sống trong một mái nhà nhưng lúc nào cũng hòa thuận. Trong gia đình, ông Phúc luôn làm gương cho các con; ngoài xã hội ông gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đi đầu trong công tác xã hội, phong trào thiện nguyện.

Các thành viên trong gia đình ông tham gia tích cực các phong trào, hoạt động của địa phương, đơn vị nên được tặng nhiều giấy khen về thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất. Nhiều năm liền, gia đình ông được UBND xã An Phú công nhận Gia đình văn hóa và ghi nhận “tấm lòng vàng”.

Ông Phúc cho biết: “Khi mình là tấm gương tốt thì con cháu cứ nhìn vào đó mà thực hiện theo. Để có thể ổn định đời sống, tôi luôn nỗ lực phát triển kinh tế. Với nghề sản xuất nước mắm truyền thống, gia đình tôi đã xây dựng và phát triển thương hiệu “Nước mắm Hai Phước” đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2023”.

Gia đình bà Đặng Thị Trí ở thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân cũng tương tự. Để không phải là người phụ thuộc và cũng là để làm gương cho con cháu, bà Đặng Thị Trí đã nỗ lực phát triển kinh tế, vun vén cuộc sống gia đình và truyền lửa cho thế hệ sau. Đến nay, bà và các con đã làm chủ và canh tác trên 50ha đất tự khai phá để trồng mía cao sản và keo lá tràm, tạo việc làm cho hơn 200 lao động.

Bà Trí chia sẻ: “Khi kinh tế gia đình vững chãi, mình có thời gian chăm sóc, dạy dỗ con cháu và tham gia công tác xã hội. Khi nhắm mắt xuôi tay, mình cũng cảm thấy thảnh thơi”.

Theo ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng ban đại diện người cao tuổi (NCT) tỉnh, hiện nay nhiều NCT còn sức khỏe ở nhà trông trẻ để cha mẹ các cháu đi làm. NCT thường ru các cháu bằng những câu dân ca, câu hát ru hoặc kể những câu chuyện dân gian về quê hương đất nước.

Đây là điều vô cùng quý giá để con cháu hiểu được lịch sử, nguồn cội mình sinh ra. Từ đó hình thành nhân cách tốt, giúp cho con cháu hiếu thuận và thêm nhiều hiểu biết.

Bên cạnh đó, NCT còn tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị; gìn giữ các giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc; gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; bảo vệ an ninh biên giới, biển đảo; bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, tham gia làm kinh tế đạt hiệu quả cao.

Đó là những tấm gương sáng của tinh thần bền bỉ vượt khó, không cam chịu đói nghèo, quyết chí làm giàu chính đáng cho chính mình và giúp đỡ người khác cùng vươn lên làm giàu.

Sống vui, khỏe, có ích

Cũng theo ông Nguyễn Trung Thành, thời gian qua, công tác chăm sóc NCT trên địa bàn tỉnh được triển khai đồng bộ, sâu rộng, đạt nhiều kết quả thiết thực.

Cụ thể là tổ chức hiệu quả hoạt động phụng dưỡng, chăm sóc NCT; chăm sóc về tinh thần, văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao; chăm sóc về sức khỏe. Quỹ Chăm sóc và phát huy vai trò NCT các cấp hoạt động hiệu quả, hỗ trợ tổ chức các hoạt động công tác NCT tại cộng đồng đã tạo điều kiện cho NCT có điều kiện sinh hoạt tốt hơn để sống vui, sống khỏe tuổi già. Đặc biệt, cứ mỗi dịp lễ, ngày kỷ niệm, ngày truyền thống, địa phương, gia đình, dòng họ thường tổ chức lễ mừng thọ để thể hiện sự tôn trọng đối với các bậc cao niên.

Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện cho NCT sống vui, sống khỏe, sống có ích và nhân rộng văn hóa đọc trong gia đình và cộng đồng, Thư viện tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động phục vụ sách cho NCT, trong đó có mô hình “Phục vụ sách tại nhà cho NCT”, góp phần thực hiện có hiệu quả các chính sách chăm sóc đối với NCT.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân cũng như cấp ủy đảng, chính quyền về công tác chăm sóc NCT và thực hiện chủ trương toàn xã hội chăm sóc, phát huy vai trò NCT.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ

“Việc tổ chức cho NCT đọc sách thường xuyên, góp phần truyền lửa văn hóa đọc cho thế hệ trẻ, hình thành thói quen tốt”, bà Võ Thị Nguyễn Huệ, Phó Giám đốc phụ trách Thư viện tỉnh khẳng định.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ, thực hiện Chương trình hành động quốc gia về NCT tỉnh Phú Yên giai đoạn 2022-2030, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc phát huy tối đa tiềm năng, vai trò, kinh nghiệm, tri thức của NCT tham gia vào các hoạt động văn hóa, kinh tế, xã hội; tăng cường chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần, phòng chống ngược đãi; xây dựng môi trường thuận lợi để NCT tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, vui chơi, giải trí…

“Thực tế đã chứng minh, vai trò của NCT rất quan trọng trong gia đình và cộng đồng. Do đó, gia đình và cộng đồng cần tạo điều kiện để NCT có thể phát huy tối đa vai trò của mình, sống vui, khỏe, có ích”, đồng chí Đào Mỹ nói.

PHẠM THÙY

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/317193/giu-gin-va-phat-huy-von-quy-trong-moi-gia-dinh.html