Giữ gìn và phát triển nghề nấu rượu ngô truyền thống

Nếu ai có dịp đến xã Sùng Phài (thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu) sẽ nhớ mãi đặc sản rượu ngô truyền thống của đồng bào dân tộc Mông nơi đây - được đánh giá là 'đệ nhất danh tửu' của Lai Châu

Xã Sùng Phài (Lai Châu):

.

Người dân bản Sùng Chô giữ gìn nghề nấu rượu ngô truyền thống.

Người dân bản Sùng Chô giữ gìn nghề nấu rượu ngô truyền thống.

Theo lời mời của chị Giàng Thị Chà ở bản Sùng Chô (xã Sùng Phài), chúng tôi đến tìm hiểu về rượu ngô truyền thống của gia đình. Dừng xe ở góc sân, chúng tôi cảm nhận được hương vị thơm nồng của rượu. Thấy chúng tôi tới, chị Chà đon đả: Mời khách quý đến thưởng thức món ẩm thực gia truyền!

Rồi chị nói: Đùa vậy thôi, tôi đang nấu rượu cho khách đặt. Cứ nấu được nồi nào là khách mua hết. Có lẽ do rượu ngô truyền thống của người Mông thơm ngon và hấp dẫn nên được nhiều người ưa chuộng.

Theo lời chị Chà, không dễ để nấu được món rượu ngô truyền thống ngon, chuẩn vị. Từ cách nấu truyền thống là dùng nồi gang, củi đun đến nguyên liệu cũng được chính người dân làm ra, chắt lọc từng hạt ngô. Muốn nấu món rượu ngô, nguyên liệu chính cần có men và ngô. Ngô được bà con chọn, sàng lọc kỹ những bắp ngô to, vàng trồng trên vách núi. Men được làm từ hạt kê do người dân tự sản xuất. Để làm men kê, người Mông sẽ dùng 3 phần kê, 2 phần gạo xay nhuyễn với nhau, sau đó nặn thành bánh và ủ lên men.

Sau khi giới thiệu cho chúng tôi các nguyên liệu để tạo nên sản phẩm rượu ngô hấp dẫn, chị Chà kể lại chi tiết, tỉ mỉ các công đoạn ủ, nấu rượu ngô: Ngô sau khi thu hoạch từ nương về phơi khô xong tẽ từng bắp ngô, lựa lấy hạt tròn, căng, mẩy rồi đem luộc đến khi thấy hạt ngô chớm bung thì vớt ra. Chờ khi hạt ngô đã nguội, đem men kê trộn vào. Sau khi đã trộn đều với men, ngô sẽ được ủ trong thùng kín ở vị trí thoáng mát 1 tháng.

Theo kinh nghiệm nấu rượu ngô bằng củi lâu năm, chị Chà cho rằng khi nấu phải luôn giữ lửa cháy đều. Lửa không được cháy quá to, cũng không nên cháy quá nhỏ, làm ảnh hưởng đến chất lượng rượu. Rượu thường được lấy 30 - 40 độ là vừa đủ. Mỗi lần nấu 30 - 50 kg ngô, thu được 20 - 25 lít rượu.

Quy trình nấu rượu truyền thống của dân tộc Mông cơ bản cũng giống như các loại rượu khác, nhưng rượu ngô của bà con xã Sùng Phài có điểm đặc biệt mà nơi khác khó có được, đó là nguồn nước. Sùng Phài nằm dưới chân núi Hoàng Liên Sơn, quanh năm khí hậu mát mẻ và trong lành, nguồn nước tinh khiết. Không chỉ sở hữu hương vị hấp dẫn, rượu ngô nơi đây còn thấm đẫm khí chất hào sảng của người Mông.

Với mong muốn mang thương hiệu rượu truyền thống của dân tộc đến với nhiều người, bà con đã thành lập tổ liên kết rượu ngô truyền thống, với 11 thành viên. Chị Giàng Thị Chà, Tổ phó Tổ liên kết cho biết: Chúng tôi thành lập tổ liên kết nhằm quảng bá, giới thiệu với người tiêu dùng khắp các tỉnh, thành, giúp người dân có thu nhập. Tổ liên kết được UBND thành phố Lai Châu hỗ trợ máy lọc rượu khử andehit. Khi tham gia tổ liên kết, các thành viên nấu rượu phải đảm bảo đúng quy trình truyền thống, nấu xong mang rượu ra cho tổ lọc. Rượu sau khi lọc sẽ trong hơn, khử độc tố. Mỗi tháng, các thành viên tiêu thụ được hàng trăm lít rượu.

Trao đổi với chúng tôi, chị Sùng Thị Dẻ, Chủ tịch UBND xã Sùng Phài cho biết: Nghề nấu rượu ngô của người dân tộc Mông xã Sùng Phài có từ lâu đời. Tuy nhiên, mãi đến năm 2014, nghề nấu rượu mới được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chí nghề truyền thống. Từ khi có quyết định của UBND tỉnh, chính quyền xã Nậm Loỏng (cũ) thành lập hợp tác xã nấu rượu đầu tiên với mục tiêu đưa rượu ngô trở thành một sản phẩm giúp xóa đói, giảm nghèo. Từ đó, bà con nơi đây xem nấu rượu là một nghề vừa mang lại thu nhập, vừa giữ gìn văn hóa truyền thống. UBND xã đang xây dựng rượu ngô thành sản phẩm OCOP của xã.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/359626-giu-gin-va-phat-trien-nghe-nau-ruou-ngo-truyen-thong