Giữ gìn văn hóa cổ truyền trong dịp tết
ĐBP - Tết Nguyên đán là dịp gia đình quây quần, đoàn tụ bên nhau, đón không khí mùa xuân sau một năm làm việc vất vả. Ðối với người Việt, tết Nguyên đán là dịp lễ lớn nhất trong năm để nhìn lại năm cũ, chào đón năm mới với những niềm tin mới. Trải qua thời gian, những phong tục đón tết cổ truyền của người Việt vẫn giữ được những nét văn hóa riêng, đậm đà bản sắc.
Gìn giữ nét chữ xưa. Ảnh: Anh Tuấn (Hội VHNT tỉnh)
Tết Nguyên đán không đơn thuần là ngày lễ, đó còn là một cuộc thực hành văn hóa lớn nhất trong năm. Thật vậy, mỗi dịp tết đến, xuân về thì dù bận bịu đến mấy, dù có thiếu thốn đến đâu, người người nhà nhà đều chuẩn bị cho gia đình mình một cái Tết đủ đầy theo nếp cũ. Và trong những phong tục đón tết ấy vẫn còn mang đậm những nét văn hóa từ ông cha truyền lại. Từ ngày 23 tháng Chạp, các gia đình dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa để cúng ông Công, ông Táo với mâm cơm cùng 3 chú cá chép để tiễn các ông về trời, mong ông sẽ báo cáo với Ngọc Hoàng những điều tốt về gia chủ. Vui nhất là những phút giây cả nhà quây quần gói bánh, trông nồi bánh chưng tạo nên không khí ấm áp cho những ngày cuối năm. Rồi nhà nào cũng trang hoàng bằng cành đào, cây quất to hay nhỏ tùy thuộc kinh tế, sở thích của gia chủ. Trong ngày tết còn những phong tục “cứng” mà trải qua bao năm không hề suy chuyển như xông đất, đi lễ cầu may... Xông đất là phong tục rất quan trọng, nhất là với những người kinh doanh, buôn bán. Vì họ quan niệm rằng, người xông đất sẽ quyết định cả một năm vui vẻ, phát đạt của mình. Do vậy, họ thường mời những người có tuổi hợp với chủ nhà đến xông đất với niềm tin rằng, người đó sẽ mang may mắn, điềm lành trong suốt cả một năm. Ðặc biệt, phong tục đi lễ đền, chùa trong những ngày đầu của năm mới là một nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống mỗi người Việt. Ði lễ đầu năm không chỉ là để cầu một năm mới may mắn, phúc lộc và tỏ tấm lòng thành kính của mình đối với đức Phật, tổ tiên…
Những phong tục ngày tết dường như đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân đất Việt, nhất là với những người lớn tuổi, từng trải qua nhiều cái tết gắn với thăng trầm của lịch sử. Bà Trịnh Thị Năm, phường Thanh Trường, TP. Ðiện Biên Phủ cho biết: Tết ngày nay đã khác với tết xưa. Ngày trước, cuộc sống khó khăn thường gọi là “ăn tết” nhưng ngày nay cuộc sống đủ đầy về vật chất đã biến đổi thành “chơi tết”, “nghỉ tết”. Nhưng nét văn hóa ngày xuân thì không hề thay đổi. Vẫn cành đào, cây quất, bánh chưng xanh; vẫn đi chúc tết họ hàng, bạn bè; vẫn mừng tuổi đầu năm cho con trẻ… Ngày thường, rất hiếm khi tất cả thành viên trong gia đình có mặt đông đủ. Chỉ có ngày tết mọi người trong gia đình mới có cơ hội để quây quần bên nhau. Ngày tết là ngày của sự đoàn tụ, là ngày để mọi người trở về với gia đình của mình. Với tôi, chỉ thiếu đi một thứ thôi là thiếu hẳn đi không khí ngày tết. Vậy nên, các nét văn hóa đặc trưng của ngày tết cần phải được giữ gìn, phát huy để truyền lại cho thế hệ sau”. Ðiều đáng mừng là giá trị truyền thống ngày tết đang được những gia đình trẻ ngày nay quan tâm và hết sức trân trọng. Với gia đình anh Nguyễn Minh Vương, phường Him Lam, TP. Ðiện Biên Phủ năm nay là năm đầu tiên đón tết trong căn nhà mới. Dù hối hả với công việc cuối năm, anh cũng cố gắng chuẩn bị một cái tết chu toàn. Anh Vương chia sẻ: “Dù xã hội ngày nay phát triển thế nào, ngày tết vẫn là ngày lễ trọng đại nhất trong năm đối với người Việt. Do đó, tôi phải cố gắng tìm hiểu để chuẩn bị đón tết theo đúng những phong tục mà ông bà, bố mẹ tôi vẫn làm mọi năm. Từ việc lau dọn bàn thờ, cúng ông Táo ngày 23 tháng Chạp đến việc sửa soạn mâm cơm cúng tất niên, cúng giao thừa…
Những phong tục cổ truyền ngày tết không chỉ là những hoạt động văn hóa mang tính biểu trưng, mà còn là sợi dây kết nối quá khứ với hiện tại, làm trỗi dậy tinh thần dân tộc của mỗi người con đất Việt mà đôi khi nhịp sống hiện đại khiến nhiều người quên đi những giá trị văn hóa tốt đẹp đó. Có lẽ, khi không tự tay gói một chiếc bánh chưng, trang hoàng nhà cửa hay đơn giản chỉ là dạo quanh một tuyến đường ngập tràn cây đào, cây quất… thì họ cho rằng tết “nhạt”. Rồi chẳng chịu cất bước ra đường để cảm nhận không khí xuân mà cứ ở nhà ôm khư khư chiếc điện thoại để than rằng tết chẳng khác ngày thường. Thậm chí, còn có người đề xuất bỏ đón tết, gộp “tết tây” với “tết ta” cho đỡ tốn thời gian và giảm bớt gánh nặng về kinh tế. Ðó là những suy nghĩ lệch lạc của một số người có cái nhìn chưa đúng về những giá trị tốt đẹp của việc đón tết. Họ không hiểu rằng tết cổ truyền của dân tộc có nhiều phong tục tập quán, nét đẹp văn hóa được kết tinh, mài giũa, trải qua bao khó khăn mới có thể lưu giữ từ đời này sang đời khác. Vậy nên, giữ gìn vẻ đẹp tết cổ truyền không chỉ góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mà còn là trách nhiệm của mỗi người với thế hệ mai sau.