Giữ gìn văn hóa ứng xử trong từng mái nhà
Ai cũng có một gia đình để dưỡng nuôi, khôn lớn, trưởng thành. Vì vậy, thật bất hạnh nếu ai đó không có một gia đình trọn vẹn hay sinh ra trên đời mà không biết cha mẹ, anh em mình như thế nào. Gia đình là tế bào, là nền tảng xã hội. Một gia đình tốt sẽ dẫn đến một xã hội tốt. Mối quan hệ giữa gia đình với xã hội, cộng đồng nhân loại còn có giá trị và ý nghĩa phổ quát, lớn lao hơn.
Chính vì tầm quan trọng của gia đình đối với sự phát triển của từng cá nhân và toàn xã hội mà ngày 4-5-2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg chọn ngày 28-6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam. Quyết định cũng đồng thời chỉ rõ các cơ quan, ban ngành, tổ chức có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em, duy trì và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp trong mỗi gia đình. Năm nay, do tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên các hoạt động dành cho Ngày Gia đình Việt Nam cũng có những thay đổi phù hợp, song vẫn phát huy hết chủ đề, nội dung ngày kỷ niệm.
Khi cuộc sống dần khấm khá hơn thì Ngày Gia đình Việt Nam càng được quan tâm nhiều hơn với việc mỗi gia đình, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương có nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, sinh động phù hợp với đặc điểm tình hình và điều kiện của mình. Song chung quy, các hoạt động đều hướng đến làm cho dịp kỷ niệm thêm thiết thực và ý nghĩa, là dịp tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, củng cố vững chắc vị trí nền tảng, giá trị cốt lõi của gia đình Việt trong quá trình hội nhập và phát triển.
Trở lại với việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình, văn hóa ở đây được hiểu theo nghĩa ứng xử giữa con người với con người trong gia đình. Khi một giá trị trở thành văn hóa cũng có nghĩa nó đã được sàng lọc, thử thách qua thời gian để trở nên ổn định, bền vững, dẫu mô hình gia đình (một hoặc nhiều thế hệ cùng chung sống) đã biến đổi theo thời cuộc. Vì sao mấy ngàn năm Bắc thuộc mà dân ta vẫn không mất đi tiếng nói, chữ viết, trang phục, phong tục tập quán đặc sắc? Đó là gì nếu không phải là văn hóa, tinh thần con người Việt Nam! Trong một gia đình cũng vậy, yếu tố văn hóa gia đình tiếp nối thể hiện ở ngay lời nói, tác phong, cử chỉ, thái độ, tình cảm... của từng thành viên, người lớn luôn giữ vai trò nêu gương còn con trẻ thì học tập, làm theo. Nhiều gia đình, dòng họ nổi tiếng trong lịch sử ngày nay còn được nhắc đến vì tinh thần bất khuất, trọng nghĩa khinh tài, hiếu học, hiếu khách, tài hoa, thanh cao... là vì vậy.
Thêm một lần nhắc lại giá trị, truyền thống văn hóa gia đình Việt chính là thêm một lần mỗi gia đình khắc ghi lòng biết ơn tổ tiên, kính trọng ông bà, cha mẹ, yêu thương con cháu... Yêu thương, quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau là tình cảm mà gia đình Việt nào cũng mơ ước và hướng tới. “Con người có tổ có tông/Như cây có cội như sông có nguồn”. Ông bà là tấm gương cho con cháu học tập, noi theo. Con cái lúc nhỏ phải biết vâng lời cha mẹ và có bổn phận thương yêu, chăm lo cho cha mẹ lúc già yếu. Anh em trong gia đình như thủ túc nên phải biết thương yêu, bảo ban, giúp đỡ lẫn nhau. Vợ chồng tào khang nên yêu thương, tôn trọng, “phúc cùng hưởng, khổ cùng chịu”... Phải từ những giá trị cốt lõi này trong gia đình rồi hãy nghĩ đến cộng đồng, dân tộc, nhân loại, những giá trị văn hóa lớn lao hơn như lòng yêu nước thương nòi, tinh thần dân tộc, dân chủ, nhân đạo...
Ngày nay, dưới tác động nhiều mặt của xã hội và thời đại, truyền thống văn hóa trong gia đình Việt đã không tránh khỏi những biến động, thử thách. Đạo đức xuống cấp, lối sống thực dụng cùng nhiều thói hư tật xấu khác đã đẩy không ít gia đình vào ngõ tối, thậm chí gây nên những thảm cảnh hết sức đau lòng. Điều này có nguyên nhân của nó nhưng sâu xa vẫn là những giá trị cốt lõi trong gia đình đã bị xói mòn, tha hóa, biến dạng; nền nếp, trật tự gia đình bị phá vỡ. Kết quả điều tra tâm lý học, xã hội học đã chỉ ra 80-90% con cái hư hỏng có nguyên nhân từ sự hư hỏng của cha mẹ!
Mỗi gia đình có một điều kiện, hoàn cảnh, đặc điểm khác nhau và đều mơ ước hướng tới một tổ ấm đúng nghĩa. Gia đình có bề dày truyền thống văn hóa đẹp đẽ càng có giá trị, ý nghĩa lan tỏa sâu rộng những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Nỗ lực xây dựng và phát huy truyền thống văn hóa gia đình còn là sự cần thiết hình thành dư luận xã hội mạnh mẽ lên án hành vi vô văn hóa, phi đạo đức cũng như áp dụng chế tài nghiêm khắc để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Chỉ như thế giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình Việt Nam, con người Việt Nam mới được gìn giữ và phát huy đầy đủ.