Giữ giờ làm thêm thấp càng khiến doanh nghiệp khó tuân thủ pháp luật

Tăng giờ làm thêm giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật tốt hơn trong bối cảnh nguồn lao động đang ngày càng khan hiếm. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, tăng giờ làm thêm đang đi ngược lại xu hướng thế giới.

 Lao động làm việc tại một nhà máy sản xuất linh kiện điện tử - Ảnh: TD

Lao động làm việc tại một nhà máy sản xuất linh kiện điện tử - Ảnh: TD

Sáng 2-10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã khai mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 15.

Trong phiên làm việc đầu tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho biết quan điểm của Quốc hội về vấn đề liên quan tới việc mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa, quy định được cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 36 và Phiên họp thứ 37 đã không tán thành với đề xuất mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa theo đề xuất của Chính phủ.

Theo đề xuất mới nhất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), giờ làm thêm sẽ được giữ nguyên quy định hiện hành và có bổ sung cụ thể các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm. Hoặc phương án hai là số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong một năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 400 giờ trong một năm.

Thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến tán thành việc mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ mỗi năm (tăng 100 giờ so với quy định hiện hành).

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, hiện nay khoa học kỹ thuật, công nghệ cao được áp dụng vào sản xuất, giúp giảm sức lao động nên người lao động có thể làm thêm giờ so với trước kia, trừ trường hợp làm việc nặng nhọc, độc hại. Do đó, việc tăng giờ làm thêm phải phụ thuộc vào sức khỏe, nhu cầu của người lao động.

Đại biểu Phương dẫn chứng, người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài có được thu nhập cao cũng nhờ làm thêm. Do đó, việc tăng giờ làm thêm không chỉ là nguyện vọng của chủ sử dụng lao động mà còn là nhu cầu của người lao động.

Cũng có nhiều ý kiến các đại biểu cho rằng, giảm giờ làm thêm và giờ làm việc tiêu chuẩn là xu hướng trên thế giới. Quốc gia càng phát triển càng giảm giờ làm. Đại biểu Bùi Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị trước mắt giữ nguyên 300 giờ làm việc, đồng thời tính toán phương án trả lương lũy tiến để người sử dụng lao động cân nhắc khi đề nghị tăng giờ làm thêm.

Báo cáo Better work do ILO thực hiện năm 2018 cho thấy, 77% các doanh nghiệp tham gia Better work nói rằng họ không thể tuân thủ được quy định về trần làm thêm giờ theo tháng; 69% không thể tuân thủ được về trần làm thêm giờ theo năm. Mức độ vi phạm của các doanh nghiệp tham gia Better work - chủ yếu là dệt may và da giày - phổ biến tới mức, chính các nhà mua hàng phải chấp nhận sự vi phạm đó.

Do đó, ông Nguyễn Văn Bình, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐTBXH trong một buổi trao đổi trước đó với báo chí cho rằng: “Nếu chúng ta tiếp tục duy trì giờ làm thêm thấp trong Bộ luật lao động sửa đổi sẽ không giúp thay đổi thực tiễn, mà chỉ làm cho việc tuân thủ luật pháp của doanh nghiệp thấp đi”.

Trúc Diễm

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/294874/giu-gio-lam-them-thap-cang-khien-doanh-nghiep-kho-tuan-thu-phap-luat.html