Giữ hát ru cho hôm nay và mai sau

Ở tuổi 84, tuy không còn khỏe mạnh, tinh anh như trước nhưng Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) VŨ MẠNH THI vẫn nặng lòng với những giá trị tốt đẹp của dân tộc. Từ sự trăn trở của bản thân, mới đây, ông vừa cho ra mắt cuốn sách 'Hát ru Quảng Trị'. Nhân dịp này, phóng viên Báo Quảng Trị đã có cuộc trò chuyện với ông Vũ Mạnh Thi về những thông điệp ý nghĩa được gửi gắm trong cuốn sách.

Vay tiền để làm sách lưu giữ hát ru

- Đầu tiên, xin chúc mừng ông vừa cho ra mắt cuốn sách “Hát ru Quảng Trị”. Đề nghị ông chia sẻ với độc giả về cuốn sách này?

- Xin cảm ơn sự quan tâm của Báo Quảng Trị. Tôi rất vui mừng khi cuốn sách “Hát ru Quảng Trị” ra đời vào đầu năm 2024 và nhận được sự ủng hộ tích cực của độc giả. Do Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành, cuốn sách “Hát ru Quảng Trị” có tổng cộng 176 trang. Phần lớn số trang trong sách ghi lại những bài hát ru về tình cảm gia đình, lời răn dạy của ba mẹ đối với con cái; tình yêu lứa đôi, nghĩa vợ chồng; binh vận chống Pháp, chống Mỹ; nỗ lực đấu tranh thống nhất đất nước và xây dựng quê hương giàu đẹp; phong tục, tập quán... Hát ru là sản phẩm tinh thần quý giá mà thế hệ đi trước để lại. Tôi rất vui mừng khi được chung tay gìn giữ, bảo tồn hát ru cho hôm nay và cả mai sau.

- Điều gì thôi thúc ông cho ra đời cuốn sách “Hát ru Quảng Trị”?

-Để trả lời câu hỏi này, tôi xin đi ngược dòng thời gian. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, mùa hè năm 1979, được sự phân công của cấp trên, tôi và đồng nghiệp ở Hội Văn học nghệ thuật huyện Bến Hải phối hợp với Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Huế tổ chức sưu tầm lời hát ru trên địa bàn huyện Gio Linh và Vĩnh Linh. Sau 15 ngày cơm đùm, gạo bới, các cán bộ địa phương và 25 giảng viên, sinh viên đã sưu tầm trên 1.000 câu hát ru Quảng Trị qua các thời kỳ. Sau khi tập hợp, chúng tôi đã đối sánh, chọn lọc được gần 800 câu hát ru tiêu biểu. Gần 45 năm nay, tôi giữ tập bản thảo này như một báu vật.

NNƯT Vũ Mạnh Thi và vợ chuyện trò với nhau về những bài hát ru đã nuôi mình khôn lớn - Ảnh: T.L

NNƯT Vũ Mạnh Thi và vợ chuyện trò với nhau về những bài hát ru đã nuôi mình khôn lớn - Ảnh: T.L

Mới đây, tôi đọc báo và tình cờ thấy lời phát biểu của Tổng thống Zimbabwe. Ông cho biết, đất nước mình có 132 bộ tộc. Mỗi bộ tộc có một nền văn hóa, một vị tộc trưởng riêng. Khi qua đời, các vị tộc trưởng thường “mang đi theo cả một thư viện”. Chia sẻ ấy khiến tôi liên tưởng đến những bài hát ru Quảng Trị mà mình cùng nhóm cán bộ, giảng viên, sinh viên từng miệt mài sưu tầm, chọn lọc trong quá khứ. Như một sự thúc giục của trái tim, tôi đã lục tìm tư liệu, biên soạn để có thể cho ra đời cuốn sách “Hát ru Quảng Trị”. Tôi không muốn kho tàng quý giá này bị mất đi.

- Để cho ra đời cuốn sách “Hát ru Quảng Trị”, ông đã nỗ lực như thế nào?

- Tôi là người từng trải qua bom đạn chiến tranh. Bản thân đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nên sức khỏe của tôi không còn được như xưa. Ở làng quê, kinh tế gia đình tôi không lấy gì làm dư giả. Vì thế, việc cho ra đời cuốn sách “Hát ru Quảng Trị” là kết quả của một quá trình dài với nhiều nỗ lực. Để cuốn sách ra đời, tôi đã bàn với vợ vay tiền để trang trải các chi phí cần thiết. Dù biết làm thế sẽ thiệt thòi cho mình nhưng tôi chấp nhận.

- Mong ông chia sẻ về những tín hiệu vui sau khi cuốn sách “Hát ru Quảng Trị” ra đời?

- Không phải chờ đến ngày ra đời, trong thời gian xây dựng bản thảo cuốn sách, tôi đã nhận được nhiều sự quan tâm, ủng hộ. Biết về ý định của tôi, một thanh niên cùng làng đã liên lạc, đề nghị được ủng hộ kinh phí. Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ Võ Đức Cường cũng đã điện thoại động viên, ủng hộ tôi về cả vật chất lẫn tinh thần. Sau khi xuất bản sách, sự quan tâm, ủng hộ ấy đến càng nhiều hơn. Một số tổ chức, cá nhân đã đăng ký mua sách ở tôi và vận động thêm người thân, đồng nghiệp, bạn bè cùng mua... Những tấm chân tình ấy, tôi không thể nào quên.

Cần ươm mầm, tạo môi trường cho hát ru phát triển

- Sau khi tiếp cận cuốn sách “Hát ru Quảng Trị”, nhiều độc giả muốn biết thêm thông tin về NNƯT Vũ Mạnh Thi. Ông có thể chia sẻ đôi nét về bản thân?

- Tôi là một người con của mảnh đất Gio Linh. Hiện nay, tôi đang trú tại Đội 4, thôn Mai Xá, xã Gio Mai. Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo theo kháng chiến. Từ nhỏ, cuộc sống của tôi đã đối diện với rất nhiều khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, tôi vẫn luôn nỗ lực vươn lên. Ngoài việc sáng tác kịch bản sân khấu, thơ, dân ca, tôi còn tham gia truyền dẫn, dàn dựng các tiết mục dân ca, kịch bản sân khấu... Tôi cũng đã cho ra đời một số cuốn sách và may mắn được độc giả đón nhận. Năm 2020, tôi vinh dự được công nhận là NNƯT.

- Như vậy, hẳn những khúc hát ru rất có ý nghĩa đối với ông?

- Cũng như nhiều người dân Việt Nam khác, tôi lớn lên cùng những bài hát ru. Từ nhỏ, tôi đã biết những bài hát ru không đơn thuần có tác dụng ru ngủ. Nó là cách ông bà, ba mẹ trao gửi những thông điệp ý nghĩa về thế giới quan, nhân sinh quan. Lớn lên, tình yêu cho hát ru của tôi vẫn không đổi. Từ yêu thích, tìm kiếm, sưu tầm, tôi đã lấy chất liệu của dân ca, ca dao, tục ngữ cho ra đời những bài hát ru mang dấu ấn cá nhân. Khi còn làm thành viên đội tuyên truyền văn nghệ xung kích liên huyện Gio Cam, tôi đã cho ra đời khá nhiều bài hát ru để đồng đội hát, kêu gọi những người lính lầm đường, lạc lối trở về. Sau này, dù đã nghỉ hưu nhưng tôi vẫn miệt mài sưu tầm, sáng tác những bài hát ru và xem đó là niềm vui tuổi già.

- Khác những người cùng thời với ông, hiện nay, khá ít bạn trẻ mặn mà với hát ru. Quan điểm của ông như thế nào về thực tế này?

- Tôi thấy rằng, từ năm 1990 trở về trước, phong trào hát ru ở Quảng Trị phát triển khá mạnh. Đến đâu, mọi người cũng dễ dàng nghe được những bài hát ru. Từ năm 1990 trở lại đây, phong trào có chiều hướng đi xuống. Cách đây không lâu, tôi có dịp đến một ngôi làng được đánh giá là có truyền thống hát ru ở huyện Gio Linh. Gặp một số chị em tầm 30 tuổi, tôi hỏi: “Các chị có còn hát ru không?”. Một chị hỏi lại: “Hát ru chi hè?... À, à! Hát ru con phải không? Bữa ni, bọn cháu không hát được vì không ai tập cho. Mà biết hát rồi cũng không có lời để hát”. Câu chuyện trên phần nào cho thấy thực tế đáng trăn trở của hát ru. Một bộ phận người trẻ không mặn mà với hát ru như ông ba, ba mẹ mình. Tôi nghĩ, nguyên nhân dẫn đến thực tế này là vì họ không được “ươm mầm” và không có môi trường để bồi đắp tình yêu đối với hát ru. Từ đây, người trẻ thấy không còn mặn mà, rồi dần dần xa lạ với những bài hát ru.

Tôi còn nhớ, trong nỗ lực giữ gìn hát ru, trước đây, các cấp, ngành, đơn vị liên quan của tỉnh đã phối hợp đưa hát ru lên sân khấu với những hội thi, hội diễn lớn. Đây là cách làm tốt nhưng chưa thực sự có chiều sâu. Từ các hội thi, hội diễn, phong trào hát ru có nổi lên đôi chút nhưng sau đó lại trầm lắng.

- Vậy, theo ông, chúng ta cần phải làm gì để giữ hát ru?

- Tôi nghĩ, để lưu giữ, phát triển hát ru, trước tiên, chúng ta phải tuyên truyền, vận động, giúp mọi người hiểu hết cái hay, cái đẹp của nó. Khi đã làm được điều này, các cấp, ngành, đơn vị liên quan cần đưa hát ru vào những hoạt động cộng đồng, hội thi, hội diễn... Việc dạy hát ru trong trường học cũng là điều hết sức cần thiết. Chúng ta cần xây dựng, tạo ra phong trào hát ru từ mỗi gia đình, làng xã, trường học... Trên cơ sở đó, tôi tin, hát ru sẽ tiếp tục phát triển một cách tự nhiên. Yêu hát ru, nhiều người sẽ bắt đầu tìm tòi, nghiên cứu, sưu tầm, gìn giữ thanh âm, giai điệu truyền thống quý giá này. Tôi tin rằng, với sự vào cuộc của cả cộng đồng, những bài hát ru sẽ còn mãi với thời gian.

- Xin cảm ơn ông!

Tây Long (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/giu-hat-ru-cho-hom-nay-va-mai-sau-184978.htm