Giữ hồn dân tộc bằng tình yêu tha thiết

Bằng tình yêu nghê thuật dân tộc tha thiết, những nghệ nhân ưu tú đã dành cả cuộc đời sưu tầm, lưu giữ văn hóa truyền thống ông cha, miệt mài làm sợi dây liên hệ và trao truyền kho báu văn hóa cho thế hệ trẻ.Một đời đam mê đàn tínhKhi những nụ đào sau vườn khẽ cựa mình tách vỏ bung nở sắc hồng 'cười gió đông', lòng ông Lâm Quang Cửa lại trào dâng niềm háo hức khó tả. Mùa xuân, mùa của những bước xòe và làn điệu then bất tận, dập dìu trong tiếng đàn tính bắt đầu. Một sự 'sai khiến' mơ hồ trong thẳm sâu cõi lòng, ông Cửa với tay lấy chiếc đàn tính nắn phím, so dây. Ông nhớ đêm trăng thời trai trẻ mang tính tẩu đi khắp làng trên xóm dưới, dạo ngón tay trên cung đàn để các nam thanh nữ tú tay trong tay xòe thâu đêm, xòe cho mùa xuân nở hoa, cho hạnh phúc, thanh bình ngập tràn muôn ngả. Tàn đêm, họ lại hẹn ngày mai, không ít người đã nên duyên chồng vợ từ những đêm trăng ngập tiếng đàn như thế.

Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Chúng bên “tài sản” văn hóa của mình.

Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Chúng bên “tài sản” văn hóa của mình.

Là người Tày, sinh ra và lớn lên ở thôn Trung Đô, xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà, thuở thiếu thời, những làn điệu then và tiếng tính tẩu mộc mạc đã ăn sâu trong huyết quản của cậu bé Cửa. Như định mệnh, niềm đam mê cứ thế lớn lên cùng năm tháng, đến giờ đã là ông Cửa tuổi ngoại lục tuần, mái tóc pha màu sương gió. Không chỉ biết nhiều làn điệu then, chơi đàn cho các cô xòe, nàng xòe đu đưa mình đúng làn điệu mà ông Cửa còn có biệt tài làm đàn tính. Ông bảo: Rất nhiều người biết làm đàn tính, nhưng để có cây đàn âm thanh chuẩn, âm trầm, vang thì không dễ. Nhiều câu lạc bộ, người chơi đàn và cả nghệ nhân ưu tú ở địa phương khác tìm đến mua đàn tính do ông Cửa làm ra.
Theo ước lệ, cần đàn tính thường dài 9 nắm tay, làm bằng gỗ dâu, đinh hương hoặc mỡ. Dây đàn tết từ sợi tơ tự nhiên, ngày nay thay thế bằng dây nilon hoặc sợi các-bon nhập ngoại, cần đàn được gắn một đầu với “má púng” (quả bầu). Ông Cửa phải lên vùng cao chọn mua những quả bầu to, tròn, mỏng, già, chắc, không tỳ vết mang về để gác bếp nhiều tháng, đến khi khô kiệt thì mang ra làm đàn. Có như thế, tiếng đàn mới kêu to, chắc và vang xa. Nói đoạn, ông cầm đàn tính, đôi mắt mơ màng lắc lư theo nhịp đôi tay lướt nhẹ trên dây đàn với tiết tấu đều đều, khoan thai, nghe như tiếng suối róc rách, tiếng rì rào của ngàn rừng, ngàn hoa, tiếng đàn buông lơi như lời tự tình của chàng trai, cô gái Tày háo hức hội xuân. Sống và giữ trọn đam mê với đàn tính và làn điệu then của dân tộc mình, ông Cửa đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.
Điều ông Cửa tự hào hơn thế là đã nhiều lần mang tiếng đàn tính Trung Đô tham gia biểu diễn ở sân khấu lớn, các hội thi liên hoan nghệ thuật dân tộc khu vực và hội thi toàn quốc. Ông Cửa và những người quan tâm đến việc bảo tồn, lưu giữ hồn cốt dân tộc, địa phương mình vui hơn khi có thêm nhiều người trẻ tuổi quan tâm đến học đàn tính, hát then. Hiện, ông Cửa đang dạy đàn tính cho các anh Hà Văn Hàm, Hà Văn Hoàn và Lương Văn Sang ở cùng thôn. Rồi đây, chính họ sẽ cùng với ông Cửa tiếp tục làm sợi dây liên kết giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, cùng nhau lưu giữ hồn cốt của dân tộc Tày ở Trung Đô, Bảo Nhai, Bắc Hà.
Mê tiếng dân ca nơi lưng trời
La Pan Tẩn (Mường Khương) trời nặng, sương mù vấn vít làm cái rét thêm sâu. Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Chúng tiếp tôi bên bếp lửa bập bùng, thi thoảng tiếng củi nổ lách tách nghe như lửa cười. Sinh ra ở La Pan Tẩn, quá nửa cuộc đời thoát ly công tác, đến năm 2002 nghỉ hưu, ông Chúng lại trở về gắn bó với bản làng thân thuộc và bắt đầu hành trình sưu tầm, lưu giữ, truyền dạy dân ca của dân tộc mình.
Chỉ tay về chiếc xe máy dựng ngoài sân, ông Chúng bảo: Suốt mấy năm ròng, hàng trăm lần mình cùng nó rong ruổi đến các bản làng vùng cao để ghi chép tư liệu và ghi âm bài dân ca đồng bào Mông. Nhiều chuyến đi thấy vất vả lắm nhưng bù lại là sưu tầm được những bài hát, làn điệu mới.
Cứ thế, đôi chân ông Chúng đi khắp các bản làng từ Văn Bàn sang Bảo Yên, Bát Xát, Bảo Thắng, Sa Pa, Bắc Hà, Si Ma Cai. Có thời điểm, hầu như toàn bộ khoản lương hưu dành dụm được ông Chúng dùng cho hoạt động sưu tầm như đi lại, ăn nghỉ, sổ sách, máy ghi âm, thù lao cho người cung cấp.
Đang chia sẻ câu chuyện, ông Chúng chợt nhớ ra điều gì vội lật bật lên nhà, ít phút sau ông khệ nệ bê chiếc hòm tôn cũ ra giữa sân. Đôi mắt như sáng lên, ông Chúng khoe: Tất cả tài sản của tôi ở đây! Trong này có hàng trăm băng cát-sét, có chú thích từng làn điệu dân ca của từng người, ở từng thôn, bản cụ thể mà mình sưu tầm được.
Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Chúng đang sở hữu hơn 50 bài dân ca, trên 60 điệu khèn và 50 động tác múa sinh tiền.
Cùng với sưu tầm văn hóa, từ năm 2013, ông Chúng bắt đầu tổ chức hoạt động truyền dạy dân ca cho các cháu nhỏ trong thôn Bãi Bằng và tích cực cùng với chính quyền xã thành lập câu lạc bộ dân ca Mông do ông làm chủ nhiệm. Từ hạt nhân ban đầu ở thôn Bãi Bằng, đến nay, 9/9 thôn của xã La Pa Tẩn đã thành lập được đội văn nghệ. Ông Chúng còn tham mưu cho địa phương tổ chức lễ hội Say Sán mỗi dịp đầu xuân, tạo sân chơi, thu hút du khách dịp đầu xuân, tạo môi trường nuôi dưỡng, gìn giữ văn hóa truyền thống của người Mông. Thật may mắn, ông tìm được một số cặp vợ chồng trong câu lạc bộ có cùng suy nghĩ và mong muốn với mình. Mặc dù người trẻ nhất cũng đã ngoài 50 tuổi nhưng theo ông Chúng như thế cũng là tốt lắm rồi bởi bản thân ông năm nay đã 75 tuổi. “Có bao nhiêu vốn liếng văn hóa của dân tộc mình, tôi sẽ truyền dạy hết cho ai quan tâm, cho thế hệ sau cái nét đẹp, cái hay, cái văn hóa truyền thống của đồng bào Mông không bị mai một”.
Vĩ thanh
Nặng lòng với văn hóa truyền thống của Nghệ nhân Ưu tú Lâm Quang Cửa, Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Chúng và nhiều nghệ nhân khác là điều đáng khích lệ, động viên. Lịch sử đã trao cho họ trọng trách của người giữ hồn dân tộc và họ đã làm tốt sứ mệnh của mình bằng tình yêu bất tận với nghệ thuật dân gian.

Thành Phú

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/van-hoa-van-nghe/giu-hon-dan-toc-bang-tinh-yeu-tha-thiet-z8n20200309081601973.htm