Giữ hồn Tết xưa trong cuộc sống hiện đại

Tết Nguyên đán là Tết cổ truyền mang đậm bản sắc văn hóa của người Việt. Trải qua nhiều thăng trầm, biến đổi theo thời gian, những nét đẹp văn hóa trong ngày Tết cổ truyền vẫn được người dân gìn giữ, phát huy trong đời sống hiện đại, góp phần tô đậm thêm bản sắc văn hóa dân tộc.

Người Sán Dìu xã Đạo Trù (Tam Đảo) dán những mảnh giấy đỏ lên các cây cối, vật dụng trong nhà để thể hiện ước mong một năm mới sung túc, đủ đầy. Ảnh: Trà Hương

Người Sán Dìu xã Đạo Trù (Tam Đảo) dán những mảnh giấy đỏ lên các cây cối, vật dụng trong nhà để thể hiện ước mong một năm mới sung túc, đủ đầy. Ảnh: Trà Hương

Trên địa bàn tỉnh có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc lại có những phong tục đón Tết, vui Xuân khác nhau, song tựu trung đều thể hiện niềm tin và ước vọng về một năm mới với những điều tốt đẹp, an lành, hạnh phúc, may mắn, thành công.

Đối với mỗi người dân Việt Nam, Tết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là ngày hội đoàn viên, là nơi lưu giữ ký ức tuổi thơ, là những mảnh hồn quê, là ước mơ sum vầy, là hơi ấm gia đình, là “tình làng, nghĩa xóm”… Năm hết, Tết đến, dù ai đi học, đi làm xa quê cũng mong muốn được trở về nhà, cùng bà, cùng mẹ đi chợ quê, chẻ giang, lau lá dong, gói bánh chưng, ra đồng làm lễ tảo mộ hay đi chúc Tết người thân, hàng xóm...

Trong nhịp sống hiện đại, nhiều gia đình vẫn lưu giữ và thực hành những phong tục đón Tết, vui Xuân, không chỉ thể hiện sự trân trọng đối với những giá trị truyền thống mà còn minh chứng cho sự trường tồn vĩnh cửu của tinh hoa văn hóa dân tộc.

Tết đến, Xuân về, tiếng cười nói râm ran trên những nẻo đường quê. Ảnh: Trà Hương

Tết đến, Xuân về, tiếng cười nói râm ran trên những nẻo đường quê. Ảnh: Trà Hương

Những ngày cuối năm, chị Bùi Thị Hồng Nhung ở xã Đại Đồng (Vĩnh Tường) tất bật thu xếp công việc, chuẩn bị đón Tết. Điều khiến chị Nhung háo hức chờ đợi nhất có lẽ là được tham dự các phiên chợ quê ngày Tết. Đối với chị, đi chợ ngày Tết không phải chỉ để mua, bán hàng hóa mà còn để tận hưởng bầu không khí náo nhiệt, tươi vui của những ngày cuối năm, háo hức đón chờ một năm mới đến.

Chị Nhung luôn dạy các con phải biết trân trọng, gìn giữ, duy trì các phong tục, tập quán của dân tộc trong đời sống, nhất là trong dịp Tết cổ truyền. Dù cuộc sống bận rộn, song chị luôn cố gắng sắp xếp thời gian, chuẩn bị các nguyên vật liệu cần thiết để tự gói và nấu bánh chưng thay vì đặt mua ở chợ. Các con của chị Nhung đều háo hức được cùng mẹ ngồi trông nồi bánh chưng, cùng bố ra đồng tảo mộ mời tổ tiên về ăn Tết, nhận lì xì mừng tuổi và cùng gia đình đi du Xuân, tham gia các trò chơi dân gian ngày Tết…

Chị Nhung cho biết: “Ngày Tết, các thành viên trong gia đình quây quần, sum họp, cùng nhau dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, đi chợ, gói bánh chưng, chuẩn bị mâm ngũ quả, cùng nhau đón Giao thừa, đi chúc Tết ông bà, cha mẹ… Những tập tục đó góp phần tạo nên hồn cốt văn hóa của người Việt. Dù sống trong xã hội hiện đại, tôi vẫn muốn gia đình mình đón Tết theo phong tục truyền thống, vừa tạo không khí đoàn viên ấm áp, vừa tạo cơ hội để các con tìm hiểu về phong tục đón Tết cổ truyền của dân tộc”.

Phụ nữ Sán Dìu, xã Đạo Trù (Tam Đảo) làm bánh chưng gù chuẩn bị cho ngày Tết Nguyên đán. Ảnh: Trà Hương

Phụ nữ Sán Dìu, xã Đạo Trù (Tam Đảo) làm bánh chưng gù chuẩn bị cho ngày Tết Nguyên đán. Ảnh: Trà Hương

Cứ vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm, gia đình chị Trần Thị Hằng, người dân tộc Sán Dìu ở thôn Tân Lập, xã Đạo Trù (Tam Đảo) lại làm món chè để thắp hương, tiễn ông Công, ông Táo về trời. Vào ngày cuối cùng của năm cũ, cả gia đình cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, treo câu đối, dán các mảnh giấy đỏ lên bàn thờ, trước cửa nhà, cổng ra vào và các cây cối trong nhà để đánh dấu những đồ, vật dụng của gia đình mình và thể hiện ước muốn một năm mới hạnh phúc, sung túc, đủ đầy.

Để đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, chị Hằng đã chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu để chế biến các món bánh truyền thống của dân tộc Sán Dìu là bánh chưng gù, bánh gio, bánh con. Sau lễ cúng giao thừa, các thành viên trong gia đình cùng nhau quây quần, uống rượu, ăn cỗ đón mừng năm mới.

Chị Hằng cho biết: “Người Sán Dìu có tục giữ lửa vào đêm Giao thừa. Tôi đã chuẩn bị một cây củi to để đốt vào đêm 30 Tết và giữ than hồng đến sáng mùng 1 Tết để cầu mong mọi điều may mắn và hạnh phúc của năm cũ sẽ được nối tiếp trong năm mới. Trong ngày Tết, già, trẻ, gái, trai tham gia các trò chơi dân gian và hát trao nhau làn điệu Soọng cô chúc mừng năm mới, vui Tết, đón Xuân về… Tiếng nói cười lúc nào cũng râm ran dưới những nếp nhà và trên khắp mọi nẻo đường”.

Việc gìn giữ và thực hành những phong tục đón Tết cổ truyền giúp thế hệ trẻ thêm trân quý, có ý thức giữ gìn những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, để mỗi người dân sống có trách nhiệm hơn với gia đình, cộng đồng, Tổ quốc.

Bạch Nga

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/122836//giu-hon-tet-xua-trong-cuoc-song-hien-dai