Giữ hồn vườn 'măng cụt Lái Thiêu'
Nhiều người dân và chính quyền địa phương vẫn quyết giữ vườn măng cụt như một khu vườn sinh thái để bảo tồn đặc sản quê hương
Thương hiệu "măng cụt Lái Thiêu" từ lâu đã nức tiếng gần xa. Các địa phương ven sông Sài Gòn của TP Thuận An, tỉnh Bình Dương như An Sơn, Hưng Định, Bình Nhâm, Lái Thiêu, cả trăm năm nay được nhắc tới là vùng đất của măng cụt mang thương hiệu này. Những năm qua do tốc độ đô thị hóa, diện tích vườn măng cụt ở TP Thuận An bị thu hẹp nhưng cái hồn của "măng cụt Lái Thiêu" vẫn luôn hiện hữu.
Khu vườn truyền thống của gia đình
Anh Nguyễn Quang Trợ - chủ vườn măng cụt tại ấp Phú Hưng, xã An Sơn, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương - phấn khởi cho biết măng cụt năm nay vừa được mùa lại được giá. Diện tích vườn măng cụt của anh Trợ lên tới 5 ha, với khoảng 1.000 gốc. Theo tính toán của anh, với khoảng 8-9 tấn măng cụt, có giá dao động từ 65.000-80.000 đồng/kg, gia đình anh sẽ thu về hơn 400 triệu đồng, so với 2 năm trước tăng khoảng 30%-50%. Vụ mùa măng cụt kéo dài khoảng 2 tháng, thông thường sẽ từ đầu tháng 5 đến tháng 7.
Dẫn chúng tôi đi thăm khu vườn, anh Trợ tự hào bởi đây là một trong những vườn măng cụt lão quý tại vùng đất Lái Thiêu, đã gắn bó với gia đình anh Trợ qua 3 thế hệ; có cây tới hàng trăm năm tuổi. "Cây măng cụt càng lâu năm càng cho năng suất cao" - anh Trợ nói chắc nịch. Anh khẳng định vườn măng cụt của gia đình được chăm sóc thuần hữu cơ lại không nằm trong vùng đất bị ô nhiễm nước nên cây khỏe, rễ nhiều.
Theo anh Trợ, các vườn măng cụt lão ở đây cho trái nhỏ, múi và hạt cũng nhỏ hơn nhưng vị ngọt thanh, đậm đà thì không có nơi nào sánh bằng… nên chủ yếu khách quen tới mua hoặc chỉ cần bán qua Facebook hay Zalo cho cá nhân là đã "cháy" hàng.
"Trái măng cụt thất thường lắm, năm nay được mùa, chứ 2 năm trước, sản lượng măng cụt rất thấp, nên mỗi năm cả vườn măng cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Nếu tính giá trị kinh tế thì không cao nhưng cả nhà vẫn quyết định giữ vườn măng cụt như một khu vườn sinh thái để bảo tồn đặc sản của quê hương" - anh Trợ bày tỏ.
Hỗ trợ người dân lưu giữ vườn cây
Cũng là người đang sở hữu vườn măng cụt hàng trăm tuổi, anh Tôn Thất Tùng, chủ vườn măng cụt ở phường An Thạnh, kể gia đình anh sống ở đây đã qua 4 thế hệ, có những cây măng cụt trong vườn hơn 100 năm. Theo anh Tùng, thổ nhưỡng của vùng Lái Thiêu rất tốt, từ bề mặt xuống sâu khoảng 50 cm là có tầng đất sét dẻo nên giữ được nước; do đó, không chỉ trồng được cây măng cụt mà hầu hết những loại trái cây của vùng hạ du Mê Kông đều phát triển nhanh: dâu, sầu riêng, chôm chôm, mãng cầu… "Thời gian qua, khi cơn lốc đô thị lướt qua, không ít khu vườn đã thành nhà, thành hàng quán. Thế nhưng, nhờ có những chính sách hỗ trợ chủ vườn, chính sách ngăn ngừa việc phân lô tách thửa kịp thời nên thương hiệu "măng cụt Lái Thiêu" vẫn còn nguyên hồn cốt" - anh Tùng nói.
Ông Đỗ Thanh Sử, Phó Chủ tịch UBND TP Thuận An, khẳng định địa phương này đang hạn chế tối đa việc phân lô tách thửa và đã có chính sách cụ thể; trong đó, hạn mức diện tích xây dựng trong vườn cây, quy hoạch khu vực này là khu vực du lịch sinh thái vườn nên chỉ được sử dụng tối đa 25% diện tích. Đồng thời, địa phương sẽ thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng để cùng người dân lưu giữ những vườn cây ăn trái nổi tiếng, lâu đời này.
Để hỗ trợ các nhà vườn, địa phương còn chi hơn 21 tỉ đồng phân bón, ngày công chăm sóc; đồng thời thường xuyên cải tạo môi trường, bảo đảm nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp thông qua việc đầu tư, nâng cấp, nạo vét kênh rạch, các hệ thống thoát nước để chủ động việc tưới tiêu, rửa phèn, ngăn mặn, giữ ngọt, tạo thuận lợi cho việc phát triển kinh tế vườn trên địa bàn.
Đến nay, ngoài việc đăng ký nhãn hiệu tập thể "măng cụt Lái Thiêu" cho nông dân, sắp tới, nhiều chủng loại trái cây đặc sản khác sẽ tiếp tục được đăng ký. Việc này vừa gắn kết trách nhiệm của mỗi cá nhân, doanh nghiệp để cùng bảo tồn chất lượng trái cây đặc sản của địa phương vừa góp phần nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm, làm tăng thêm giá trị vườn cây.
Năm nay, do kinh tế khó khăn nhưng măng cụt được mùa, được giá nên nhiều lao động trở về địa phương làm công việc hái trái.
Anh Nguyễn Thành Nam, 40 tuổi, cho hay đi hái măng cụt mỗi ngày cũng kiếm được 400.000 đồng.
Ngoài việc hái trái chín, với món gỏi gà măng cụt đang "hot trend", nhiều người còn kiếm được tiền nhờ gọt măng cụt xanh.
Mỗi ngày, một người có thể gọt được khoảng 50-70 kg măng xanh, kiếm khoảng 400.000-700.000 đồng.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phong-su-but-ky/giu-hon-vuon-mang-cut-lai-thieu-20230521205645543.htm