Giữ lại dòng chảy lịch sử văn hóa các con sông định danh cho Hà Nội (1): Khởi nguồn những dòng sông nuôi dưỡng Thủ đô
Hiếm có nền văn minh lớn nào mà khi phát triển lại không dựa vào hình sông thế núi. Văn minh là những tiêu chí được định hình từ văn hóa. Mỗi nền văn hóa, tuy có khác biệt nhưng lại không phân chia cao thấp. Văn minh thì ngược lại có lớn, có nhỏ. Một quốc gia văn hiến, văn hóa lâu đời như người Việt, đương nhiên sẽ có một nền văn minh lớn với các đô thị đã có tuổi đời cả nghìn năm. Văn minh châu thổ sông Hồng với đỉnh cao là Thăng Long - Kẻ Chợ - Hà Nội không phải ngẫu nhiên hình thành một sớm một chiều mà được tích tụ, bồi đắp từ những tinh hoa của 'văn hóa nước'. Sông có vai trò khởi nguồn và nuôi dưỡng Thủ đô, việc này đã được lịch sử khẳng định, không cần phải bàn cãi.
LỜI TÒA SOẠN: “Nhị Hà quanh Bắc sang Đông/ Kim Ngưu Tô Lịch là sông bên này” - câu ca dao cổ ngắn gọn đã đúc kết địa thế của Hà Nội - “Thành phố trong sông”. Hay nói đúng hơn là những con sông đã bồi lắng phù sa kết tạo nên thành phố hơn nghìn năm tuổi với bề dày truyền thống lịch sử và văn hóa.
Đối chiếu với Bản đồ Hồng Đức năm 1490 hay là “Hoài Đức phủ toàn đồ”, tấm bản đồ đầu tiên được vẽ bằng công nghệ hiện đại năm 1831 mới thấy, diện mạo sông hồ Hà Nội dù vẫn còn nhưng từng dòng sông đang ngày một chết dần. Những dòng sông, dù chưa bao giờ được coi là di sản nhưng chính nó là khởi nguồn để hình thành nên con người, cảnh quan và cả một không gian văn hóa cho Hà Nội.
Có một điều rất phi lý là, chúng ta “XÓT XA” với các di sản tín ngưỡng tôn giáo, kiến trúc mỗi ngày một xuống cấp. Chúng ta “PHẪN NỘ” khi các đình, chùa, đền, miếu bị tu bổ sai nguyên tắc, giật cấp từ vài trăm năm lịch sử xuống còn… vài tháng tuổi. Chúng ta “HỖN LOẠN” triển khai các đề án trao truyền di sản phi vật thể, tôn vinh nghệ nhân dân gian. Cũng là chúng ta, nên có một điểm nhìn trực diện rằng đã tự “HỦY HOẠI” các dòng sông: xả thải, ô nhiễm trầm trọng, lấp san, cống hóa, bê tông mặt nước… Và rồi, chúng ta “THỜ Ơ” khi nhìn những dòng sông đang lần lượt chết dần chết mòn. Có bao giờ chúng ta đã nghĩ, nếu không còn những dòng sông trong nội đô, Hà Nội phải chẳng chỉ là khối bê tông khổng lồ chồng lấp lên nhau (?!). Một mai mất đi rồi, biết lấy gì bồi đắp, lắng đọng cho dòng chảy THĂNG LONG - ĐÔNG ĐÔ - HÀ NỘI lịch sử và văn hóa (?!).
Dấu tích những huyền thoại
Trong hầu hết các công trình nghiên cứu về địa chí Hà Nội cũng như các vùng phía Tây hồ Tây đều có nhắc đến sông Thiên Phù. Bản đồ Hồng Đức, vẽ năm 1490, cách đây hơn 500 năm cho thấy sự hiện diện của dòng sông này. Thiên Phù bắt nguồn từ Phú Xá - Nhật Tân, chảy theo hướng Bắc - Nam, đến cánh đồng Xuân La thì một nhánh chảy về phía Tây qua Cổ Nhuế, hòa vào sông Nhuệ; một nhánh chảy xuống phía Nam, qua Bái Ân, Nghĩa Đô, Yên Thái rồi nối vào sông Tô Lịch.
Chính Thiên Phù là nguồn cảm hứng để dệt nên bao huyền tích vùng Kẻ Bưởi, chuyện ông Dầu bà Dầu người làng Yên Thái đã tình nguyện trầm mình tại ngã ba sông Thiên Phù và Tô Lịch để hiến sinh, giữ cho góc thành phía Tây nhà Lý không còn xói lở, giúp vua trị bệnh đau mắt… Từ đó, người dân trong vùng tưởng nhớ, lập đền thờ, tôn ông bà là Thành hoàng làng. Đền thờ ông bà giờ hiện diện ở nhiều nơi quanh vùng Bưởi và được nhang khói đến tận hôm nay.
Lại cũng có truyền thuyết rằng, có lần Vua Lý Thái Tổ giong thuyền trên sông, tìm hiểu về cuộc sống của nhân dân, thuyền Vua ghé thăm làng Bái, cảm kích trước tấm lòng của người dân, Vua ban cho làng Bái thêm một chữ Ân, thành Bái Ân như bây giờ… Thời đó, khi Thiên Phù nối với Tô Lịch, sông nước dọc ngang, tạo điều kiện cho giao thủy thuận tiện.
Thuyền đi từ sông Thiên Phù có thể ra sông Hồng ngược lên phía Bắc, hoặc theo sông Tô Lịch, sông Nhuệ, men theo một vài dòng sông, ra tới cửa biển. Đến năm 1747 sông Thiên Phù bị lấp. Giờ ngã ba sông Thiên Phù đoạn giao nhau với sông Tô Lịch chính là ngã ba giao nhau giữa đường Hoàng Hoa Thám, đê Bưởi và đường Hoàng Quốc Việt. Phố xá nhà cửa mọc lên, xóa sạch những dấu tích và làm mờ đi những huyền thoại về vùng Kẻ Bưởi xưa. Nhưng những ngôi chùa men theo sóng nước giữa hồ Tây và sông Thiên Phù thì vẫn còn đó, nào chùa Vạn Niên, chùa Thiên Niên, chùa Tảo Sách…
Năm 2002, một cuộc khai quật khảo cổ học lớn nhất trong lịch sử ngành Khảo cổ học Việt Nam đã được tiến hành ở di chỉ khảo cổ học 18 Hoàng Diệu. Nằm kề khu A, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy dấu tích một dòng sông. Với tất thảy những gì xuất lộ, có thể xác định chính xác, dòng sông có từ thời Lê sơ, bên thềm sông và rìa sông còn có rất nhiều đồ gốm sứ. Lớp niên đại Lê Trung Hưng chồng lên phía trên và chi tiết thú vị nhất là đào sâu xuống đáy của dòng chảy này là... nền móng cung điện thời Lý.
PGS.TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành cho biết, từ tất cả các dấu tích kể trên, có thể xác định dòng chảy này là sông đào chứ không phải hình thành do tự nhiên. Một phát hiện thú vị khác, các nhà khảo cổ còn tìm thấy cả một chiếc thuyền gỗ dài khoảng 18m được sơn son - một vật dụng đặc trưng của Hoàng cung. Dưới lòng sông, còn nguyên vẹn cả bánh lái lẫn mái chèo. Mặc dù mọi bằng chứng khảo cổ khẳng định chắc chắn đây là sông rồi, nhưng là sông gì thì vẫn là thách thức đối với giới nghiên cứu khảo cổ. Đó có phải là dòng Ngọc Hà đã được nhiều sách sử nhắc đến không?
Sinh thời, cố PGS.TS Đỗ Văn Ninh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lịch sử đã đưa ra khá nhiều các giả thiết về sự tồn tại của dòng Ngọc Hà với một nhánh chảy qua Hoàng Thành, gắn liền với địa danh làng hoa nổi tiếng Ngọc Hà đất Thăng Long. Có phải chăng - đó chính là dòng sông Ngọc, vắt qua Liễu Giai, rồi đổ ra Tô Lịch và hồ Tây hay không?
Thời điểm năm 2002, PGS.TS Bùi Minh Trí là Thư ký công trường khai quật khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, ông cho biết, dấu tích lòng sông thời Lê sơ mới phát lộ ở một phạm vi hẹp, thời Mạc thì sông trở nên hoang tàn, sang tới Lê Trung Hưng có thể vài đoạn sông chảy trong Hoàng Thành “chết”, trở thành ao tù, bùn dầy hàng mét và khoảng Lê Trung Hưng thì dòng chảy này từng đoạn trở thành hồ sen.
PGS.TS Bùi Minh Trí cũng khẳng định, để xác định được chính xác dòng sông này thì cần phải mở rộng quy mô khai quật, với diện tích phát lộ dài mấy chục mét chưa đủ để nói lên điều gì, chưa khẳng định chắc chắn sự kết nối của nó với bên ngoài. Tuy nhiên, theo đoán định ban đầu, dòng chảy này chắc chắn phải đi thẳng về phía đường Hoàng Văn Thụ, hướng về phía Bắc để đổ ra hồ Tây, phía Nam đổ ra Ngọc Hà rồi ra Tô Lịch và phía Bắc thì hòa vào sông Hồng.
PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam thì cho biết, hiện chỉ có một tài liệu duy nhất nhắc đến dòng Ngọc Hà là cuốn “Hà Nội địa dư” do Dương Bá Cung soạn năm Tự Đức thứ 4 (1851). Theo đó, Ngọc Hà có hai nhánh bắt nguồn từ một hồ nước lớn trong làng Ngọc Hà. PGS.TS Tống Trung Tín nêu giả thiết, rất có thể con sông được phát hiện trong Hoàng Thành là một nhánh của Ngọc Hà. PGS.TS Bùi Minh Trí nói thêm, việc phải tìm lại dấu tích dòng Ngọc Hà là một trong những mục tiêu của các nhà nghiên cứu lịch sử, khảo cổ bởi lẽ, nghiên cứu dòng chảy là nghiên cứu cảnh quan và cấu trúc đô thị. Duy chỉ có điều, lâu nay chúng ta tập trung nghiên cứu nhiều về dấu tích khảo cổ như cung điện và các di vật liên quan. Việc nghiên cứu đánh giá cảnh quan môi trường lại không nhiều người quan tâm.
“Tứ giác nước” bao bọc và hình thành văn hóa vùng Hà Nội
Năm 1010, Lý Công Uẩn rời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long và quyết định chọn mảnh đất “cao” và “sáng” này làm nơi định đô kinh sư muôn đời. Trong “Chiếu dời đô” có viết: “Tiện giang sơn hướng bội chi nghi” (Nhà nho Nguyễn Đức Vân dịch là: “Tiện hình thế nhìn sông tựa núi”). Tựa núi là tựa vào núi Tản Viên - Ba Vì (Tam Ðảo). Nhìn sông, là cả thành phố nhìn ra sông Cái (sông Hồng). Ca dao thì ngắn gọn tả: “Khen ai khéo họa dư đồ/ Trước sông Nhị Thủy sau hồ Hoàn Gươm”.
Khoảng vào thập niên 1980 của thế kỷ trước, cố GS Trần Quốc Vượng đã cùng nhà khảo cổ Vũ Hữu Minh mô hình hóa, sơ đồ hóa vị thế - quy hoạch của Thăng Long - Hà Nội cổ. Theo đó, Thăng Long - Hà Nội được bao bọc bởi một “tứ giác nước”. Tứ giác nước được hình thành bởi sông Hồng, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu. Mô hình sau đó được xem như một phát hiện địa - chính trị - văn hóa là: Các cửa ô Hà Nội đều là các cửa nước ở ngã ba sông. Sau này, phát hiện được các học giả Âu - Mỹ đánh giá cao.
Sông có vẻ là chưa đủ. Một thời gian sau, GS Trần Quốc Vượng có bổ sung thêm cho sơ đồ “tứ giác nước” vùng hồ Tây và thêm cả sông Thiên Phù. Và rồi, ông đã vẽ lại sơ đồ, cơ bản có thêm một tam giác chồng lên trên “tứ giác nước”. Trong quá trình nghiên cứu, ông cũng phát hiện ra rằng, sông Kim Ngưu không chỉ tách ra từ sông Tô mà còn có một cửa thông với hồ Tây trước cửa đền Trấn Vũ (Quán Thánh). Ở hữu ngạn sông Hồng, sông Tô và tả ngạn sông Kim Ngưu từ trước thời Lý, kéo dài cho tới Trần, Lê, Mạc đã đắp đê bao kinh thành khoảng 30km. Đê ấy bây giờ là đường vành đai của thành phố, vừa là lũy bao quanh kinh thành nên mới có địa danh là đường Đê La Thành.
Thành lũy ngoài cùng này có nhiều cống, để thoát nước xuống phía Nam, Đông Nam, Tây Nam gọi chung là vùng Thanh Đàm (Thanh Trì), vùng này có nhiều hồ đầm như hồ Giảng Võ, Ngọc Khánh, Hoàng Cầu, Đống Đa...; xa hơn là hồ Linh Đàm, Vạn Xoan, đầm Thịnh Liệt. Sông Nhị Hà, sông Tô, sông Kim Ngưu vẫn tiếp tục chảy xuống phía Nam, thêm sông Nhuệ ở phía Tây, sông Nhị ở phía Đông, tạo thành mạng lưới sông nằm giữa Đông (Nhị Hà), Tây (sông Nhuệ, sông Đáy) mà nổi bật và gắn bó hữu cơ cới Thăng Long - Hà Nội là sông Sét (Thịnh Liệt) và sông Lừ. GS Trần Quốc Vượng cũng nêu, không phải ngẫu nhiên, tất cả các di tích tiền - sơ sử và lịch sử Thăng Long cổ đều phân bố ở các vùng ven sông.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, người đã có nhiều công trình khảo cứu về lịch sử Thăng Long - Hà Nội khẳng định, những con sông, ngoài việc góp phần định danh cho Hà Nội còn đóng vai trò quyết định trong việc hình thành văn hóa - các vùng văn hóa cho Hà Nội. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến lý giải, chỉ có con người mới sinh ra văn hóa. Thói quen trong sinh hoạt, đời sống hàng ngày tạo ra phong tục, tập quán từ đó văn hóa ra đời. Nhưng chính môi trường sống lại là nền tảng cho văn hóa hình thành trong đó có sông, hồ.
Ở nhiều nơi sông chỉ có các chức năng cơ bản như cung cấp nước, thực phẩm cho đời sống, cho sản xuất nông nghiệp và là đường giao thông, nhưng sông bao quanh hay chảy trong lòng Hà Nội lại thêm các ý nghĩa khác. Xưa phong thủy hiện diện trong đời sống hàng ngày của con người vì thế trong “Chiếu dời đô”, Lý Công Uẩn đã nói đến thế “núi sau sông trước” của Thăng Long. Núi là Tam Đảo và Ba Vì, sông là sông Hồng, sông Tô Lịch, Thiên Phù.
Trong tâm linh dân gian, tụ thủy là tụ nhân và sông Hồng cùng với sông Đà là Thủy Tổ cùng với Địa Tổ ở Phú Thọ, Sơn Tổ là núi Ba Vì làm thành Tam Tổ trong tâm thức dân Việt. Theo phong thủy, sông Tô Lịch là long mạch của kinh thành, vì thế trong nhiều triều đại con sông này luôn được khơi dòng chảy vì tắc nghẽn sẽ không sinh ra vượng khí. Ba con sông này là ba hào chắn tự nhiên để ngăn bước chân kẻ xâm lược. Người Việt xưa có tục thờ thần nước nên dọc theo các con sông có rất nhiều đền thờ.
Thời Lý trên bờ sông Hông và sông Tô là nơi tổ chức lễ hội đèn Quảng Chiếu, có đốt pháo bông, múa rồi nước, hát chèo, tham dự không chỉ có vua quan mà còn có dân chúng. Tô Lịch là con sông thơ mộng nên vua chúa thường du ngoạn bằng thuyền trên sông này và ghé vào đình các làng dọc hai bên sông thăm thú. Ở vùng Láng, Yên Hòa một thời còn có lễ hội liên vùng trai tráng hai làng rước kiệu qua sông Tô hay ở vùng Đăm nơi có sông Nhuệ chảy qua có hội bơi thuyền. Sông Tô núi Nùng xưa là biểu tượng của Thăng Long.
Nhà văn Nguyễn Việt Hà lại có cách lý giải khác. Nhìn đại thể thì gần đúng như vậy. Mỗi một dòng sông cũng như mỗi một nhóm người đã thăng hoa trưởng thành, đa phần đều tự mang một bản sắc riêng biệt. Sông Sài Gòn phóng khoáng như tính cách người ở TP.HCM. Sông Hương trầm lắng tạo ra phong khí của người Huế. Hải Phòng - “Thành phố như con tầu chở đầy thuốc nổ” là nhờ sông Cấm cuồn cuộn sát ngay cửa biển. Người Hà Nội cũng vậy thôi, những phẩm chất cao quý nhất là do phù sa sông Hồng bồi đắp. Một phân lưu của nó là sông Tô Lịch, tinh tế len lỏi luồn khắp nội ngoại thành Thăng Long. Người Kẻ Chợ lừng danh kỹ tính, rất có thể là vì quen dùng nước sông Tô, một con sông tình tứ kiêu sa và thơ mộng. “Sông Tô nước chảy quanh co/ Cầu Đông sương sớm quán Giò trăng khuya”. Rồi nữa, “Nước sông Tô vừa trong vừa mát/ Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh/ Dừng chèo muốn tỏ tâm tình/ Sông bao nhiêu nước thương mình bấy nhiêu”.