Giữ lấy 'nốt trầm xao xuyến'...

Kinhedothi - Trong hành trình đi và đến Thành phố Sáng tạo mà Hà Nội đang nỗ lực từng ngày, các khu phố đi bộ tựa như những 'trái ngọt' hiện hữu cho tâm hồn, sự sáng tạo và xu hướng hội nhập của người Hà Nội hiện đại.

Đúng là “một nốt trầm xao xuyến” bởi ngoài phong thái thời đại, nơi ấy đích thực là không gian cho người ta lắng lại giữa cuộc sống đô thị sôi động để quan sát, cảm nhận nét đẹp trầm tích của mảnh đất nghìn năm văn hiến.

Gần 1 thập kỷ xôn xao

Ngày 1/9/2016, phố đi bộ Hồ Gươm bước vào đời sống của người Hà thành, thoắt cái đã gần 1 thập kỷ. Bao nhiêu sôi động, bao nhiêu mới mẻ và bao nhiêu dư âm, dư vị cuộc sống đã đọng lại trong không gian khoáng đạt kết nối khu vực Hồ Gươm, với khu 36 phố phường giăng mắc ô bàn cờ ấy.

Cuộc sống sôi động, ồn ào trong buổi đô thị hóa của phố thị bỗng lắng lại vào mỗi dịp cuối tuần để người Hà Nội có cả một không gian thư giãn, thả bộ ngắm hồ để nhận ra cái duyên dáng Hà thành giữa nhịp điệu giao thoa văn hóa hối hả.

Ở nơi đó, người ta không chỉ được tự do tản bộ, vui chơi, mà còn được thưởng thức các trò chơi dân gian, các màn biểu diễn đường phố và nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc. Những hoạt động văn hóa ở phố đi bộ mang những nét đẹp đặc trưng của Hà Nội, qua gần 1 thập kỷ đã trở thành thương hiệu du lịch và điểm hẹn của nhiều bạn trẻ, gia đình.

Chỉ sau 2 năm triển khai thí điểm, các nhà quản lý và nhiều chuyên gia văn hóa Hà Nội đã tâm đắc khẳng định, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã tạo dựng được một điểm đến, điểm nhấn của Thủ đô; tạo ra không gian vui chơi, thư giãn cho cộng đồng dân cư, du khách trong nước và nước ngoài. Không gian này cũng trở thành điểm hẹn cho hàng trăm sự kiện và nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật giàu sắc màu. Điều đáng nói hơn là không gian văn hóa mở ấy đã khiến lượng khách du lịch lưu trú đến quận Hoàn Kiếm và TP Hà Nội tăng nhanh.

Người dân chơi trò chơi dân gian trên không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Người dân chơi trò chơi dân gian trên không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Năm đầu tiên hoạt động (năm 2017), lượng khách đến là 1.776.366 lượt người, tăng 33% so với năm trước đó (năm 2016); hết 8 tháng của năm 2018 (tròn 2 năm hoạt động), lượng khách đã là 424.089 lượt người, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2017. Và từ độ đó đến giờ, chỉ trừ thời gian chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cuối tuần nào phố đi bộ Hồ Gươm cũng náo nhiệt trong đời sống người Hà thành. Thống kê của Tổng Cục Du lịch cho thấy, lượng du khách đến mỗi ngày trung bình khoảng 3.000 - 5.000 người, buổi tối lên đến 15.000 - 20.000 người.

Tiếp nối mạch nguồn náo nức đó, tuyến phố đi bộ thứ 2 của Hà Nội - phố đi bộ Trịnh Công Sơn chính thức khai màn ngày 11/5/2018. Đây là một không gian đi bộ mới lạ, nằm sát các đầm sen nức tiếng Tây Hồ, tạo cảm giác nhẹ nhàng, thư thái. Trên tuyến phố chạy dài gần 1 cây số là đoạn đường bích họa giới thiệu về đời và nhạc của người nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh, là sân khấu biểu diễn nghệ thuật, các gian hàng ẩm thực mang kiến trúc phố cổ...

Ở đây có âm nhạc từ dân gian đến đương đại, từ nghệ thuật đường phố đến nghệ thuật chuyên nghiệp như ca trù, xẩm, chầu văn, chèo, nhạc cụ dân tộc, âm nhạc đương đại, triển lãm tranh ảnh, các tác phẩm nghệ thuật, các trò chơi dân gian... Mọi hoạt động diễn ra trên đường phố, dưới hồ nước, bên vườn hoa thanh tao và rất đỗi nhẹ nhàng - một dáng vẻ của Hà Nội phố không giống với khu phố đi bộ Hồ Gươm và khu 36 phố phường cổ kính.

Và dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm 2022, không gian đi bộ Thành cổ Sơn Tây cũng đi vào hoạt động trên tuyến phố 820m với diện tích sử dụng 34.550m2 - một không gian văn hóa cộng đồng đa sắc màu xung quanh tòa thành lịch sử với nhiều hoạt động thể thao, nghệ thuật cùng khu vực ẩm thực, chợ hoa và sinh vật cảnh.

Người ta bảo không gian đi bộ này là nơi yên bình để thảnh thơi ngắm nhìn kiến trúc, vẻ đẹp cổ kính của tòa thành hơn 200 tuổi. Rồi mới đây nhất là sự hiện diện của phố đi bộ kết hợp ẩm thực Đảo Ngọc Ngũ Xã - khu ẩm thực đêm được tổ chức trên hai tuyến phố chính giao nhau tại trung tâm đảo, bao gồm Ngũ Xã và Nguyễn Khắc Hiếu (phường Trúc Bạch, quận Tây Hồ) với nhiều món ăn đặc trưng Hà Nội phố…

Hiện tại, người Hà Nội còn đang chờ ngày phố đi bộ Hoàng Mai (quận Hoàng Mai), phố đi bộ quanh hồ Ngọc Khánh (quận Ba Đình), phố đi bộ quanh hồ Thiền Quang (quận Hai Bà Trưng), không gian văn hóa xung quanh di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám ra mắt.

Việc mở các tuyến phố đi bộ nằm trong Chương trình 03 của Thành ủy Hà Nội về chỉnh trang, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025, theo đó, sẽ phát triển từ 3 - 5 khu vực thành không gian, tuyến phố đi bộ. Phải nói rằng, đây là âm hưởng đẹp của Thủ đô sau một thời gian dài dồn tâm ý cho chỉnh trang, tái thiết đô thị.

Đây cũng là xu hướng chung của các TP trên thế giới, mà Hà Nội trong tiến trình hội nhập và xây dựng Thành phố Sáng tạo, không thể đứng ngoài cuộc. Tuy nhiên, tùy theo đặc thù của từng “góc phố Hà Nội” mà người tạo dựng phố đi bộ cần tính đến điểm nhấn riêng, cũng như việc quản lý để phố đi bộ thực sự là “nốt trầm xao xuyến” giữa lòng Thủ đô.

Xóa tạp âm cho “nốt trầm” thăng hoa

Gần 1 thập kỷ đã đủ để chứng minh sức hút và sự cần thiết của các không gian đi bộ Hà Nội. Tuy xôn xao, rộn ràng là thế, song câu chuyện quản lý luôn như những bài toán cần lời giải có tình, có lý. Phố đi bộ Hồ Gươm là một điển hình, ngay sau 2 năm thí điểm đã có không ít ì xèo, bàn cãi về văn minh đô thị, về những thói hư tật xấu, những lộn xộn tự phát… chốn công cộng nảy sinh trong dư luận.

Nào thì tình trạng tắc nghẽn giao thông, nào thì hàng rong đeo bám khách, chèn ép giá, nào thì chuyện trang phục không lịch sự, dắt chó không đeo rọ mõm, mở nhạc tập thể dục giữa phố… làm mất đi sự yên bình, văn minh của một không gian văn hóa vốn có, ảnh hưởng đến du khách khi muốn đến thưởng thức những giá trị hồn cốt của Hà Nôi ngàn năm. Những “tạp âm” ấy dai dẳng từ độ đó cho đến giờ vẫn chưa dứt, khiến sự vương vấn trong lòng người về những “nốt trầm xao xuyến” bị vơi bớt ít nhiều.

Các nhà nghiên cứu văn hóa, những người nặng lòng với văn hóa Hà thành cũng cho rằng, để không gian phố đi bộ Hà Nội có điểm nhấn, trở thành địa chỉ văn hóa và kéo dài “sức sống”, nhất định cần có kế hoạch bài bản của các nhà quản lý. Trong đó, các yêu cầu về quản lý môi trường, về an ninh cần được nhận diện; các đơn vị tham gia dịch vụ cần có các tiêu chuẩn, hướng đến nhu cầu của khách; và cũng cần có bộ phận chuyên trách quản lý hoạt động của phố đi bộ… Hà Nội nên chú trọng đầu tư chiều sâu cho phố đi bộ bằng cách tạo ra những nét riêng, đặc sắc, nhất thiết giữ được không gian văn hóa riêng của Hà Nội.

Dường như sau bao bàn cãi, tranh luận, Dự thảo Quy chế quản lý hoạt động trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận đã “lên khuôn”, đang đưa ra lấy ý kiến người dân. Dự thảo này quy định rõ các hoạt động được tổ chức ở không gian đi bộ gồm: sự kiện chính trị, văn hóa, du lịch tiêu biểu qui mô lớn cấp T.Ư và TP do Sở VH&TT Hà Nội tham mưu, đề xuất; hoạt động, sự kiện quảng bá văn hóa, du lịch, giao lưu nghệ thuật phục vụ mục đích đối ngoại theo đề nghị của các địa phương và quốc tế.

Còn các hoạt động, sự kiện dưới hình thức thuần túy hội chợ thương mại, chương trình khuyến mại; giới thiệu, trải nghiệm sản phẩm, hàng hóa tiêu dùng, liên hoan ẩm thực và làng nghề... không được “chào đón” tại đây.

Về cơ bản, dự thảo là những điều chỉnh tích cực nhằm hạn chế các hoạt động gây ảnh hưởng tiêu cực hoặc hạn chế khả năng tiếp cận không gian công cộng của người dân và du khách, tạo điều kiện cho các hoạt động phù hợp hơn về văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo trong khu vực phố đi bộ, nâng cao chất lượng khi trải nghiệm không gian văn hóa công cộng ở nơi này.

Không cần bàn thêm về sự cần thiết của các phố đi bộ Hà Nội khi đô thị hóa đang gióng giả nỗi khát khao không gian giải trí vui chơi của người đương thời. Tuy nhiên, việc kết nối không gian, tạo ra các giá trị văn hóa và ngăn chặn các “tạp âm” là bài toán mà các nhà quản lý cần tính đến ngay từ khi hình thành các “nốt trầm xao xuyến” trong lòng Hà Nội hôm nay và mai sau.

Thục Trinh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/giu-lay-not-tram-xao-xuyen.html