'Giữ lửa' đờn ca tài tử ở Phú Tân
Hầu hết các xã trên địa bàn huyện Phú Tân hiện nay đều có câu lạc bộ (CLB) đờn ca tài tử. Dù phong trào phát triển rộng khắp nhưng sau thời gian hoạt động, một số nơi không còn hiệu quả hoặc ít duy trì. Một trong những lý do là sân chơi này chủ yếu chỉ có … người già tham gia, trong khi tìm kiếm lớp trẻ tiếp nối rất khó. Trung tâm Văn hóa – Thể thao (VHTT) huyện Phú Tân đang quyết tâm cải thiện thực trạng này bằng những giải pháp ban đầu với nguyện vọng trong vài năm tới, đờn ca tài tử trên vùng cù lao sẽ không bị mai một.
Sân chơi tinh thần vùng quê
Hiện nay có nhiều loại hình vui chơi giải trí, nhưng phong trào đờn ca tài tử vẫn được lưu truyền, góp mặt trong các buổi sinh hoạt trong cộng đồng dân cư. Tại huyện cù lao Phú Tân cũng không ngoại lệ, thông qua các CLB, đờn ca tài tử đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu và đậm tình làng nghĩa xóm. Hoạt động mỗi địa phương có quy mô khác nhau, không chỉ xuất phát từ niềm say mê của người dân mà còn phát triển với mong muốn gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Tại ấp Hậu Giang 2, xã Tân Hòa, tối thứ 7 hàng tuần, nhóm 10 thành viên tập trung tại nhà ông Lê Minh Tiến. Họ cho biết vì quá đam mê nên tự lập CLB, gồm người trong xã và ngoài xã, nay hoạt động ổn định còn “kết nghĩa” với nhiều CLB khác trong huyện. Bước vào không gian buổi sinh hoạt, mọi người thả hồn theo tiếng đờn, tiếng gõ nhịp song lang, giai điệu của đờn sến, đờn cò… những trang pháo tay vang lên mỗi khi “ca sĩ” vừa xuống câu vọng cổ. Thành viên các CLB xã bạn cũng đến dự để giao lưu, đúc kết, với mong muốn hoạt động mỗi CLB tại địa phương mình đều hiệu quả, thu hút đông đảo quần chúng tham gia.
Thiếu nhi Phú Tân giao lưu với câu lạc bộ thiếu nhi đờn ca tài tử của tỉnh
Còn tại xã Hiệp Xương, CLB đờn ca tài tử ấp Hiệp Hòa thành lập khoảng 2 năm nay là sân chơi thu hút 18 thành viên sinh hoạt định kỳ thứ 5 hàng tuần. Cán bộ văn hóa xã Trần Giúp Anh cho biết, CLB thường xuyên tổ chức đi giao lưu luân phiên với CLB các xã bạn theo lịch cố định các ngày trong tuần. Sân chơi này mang lại nhiều niềm vui, giúp phong trào đờn ca tài tử ngày càng nâng cao, đồng thời cũng là góc thư giãn, giải trí cho mọi thành phần, tầng lớp sau giờ làm việc hàng ngày. Mỗi đợt sinh hoạt, kinh phí tổ chức được xã hội hóa, không phân biệt người có năng khiếu hay không, bất kỳ ai yêu thích, đam mê đều tham gia vào CLB. Từ khi hoạt động mạnh, CLB còn dự thi trong huyện, vào dịp mừng Đảng, mừng xuân, hội thi của địa phương. Rải rác ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phú Tân hiện nay đều có thành lập các CLB sinh hoạt theo ấp, liên ấp, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của bà con. Theo nhạc sĩ Lê Hồng Phúc (Trung tâm VHTT huyện), đờn ca tài tử ở các xã, thị trấn đã trở thành sân chơi quan trọng đối với người dân nông thôn. Khi cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả, việc được thả hồn cùng lời ca, tiếng hát vào dịp cuối tuần như một giải pháp tinh thần giúp họ thêm yêu lao động và thấy cuộc đời tươi đẹp hơn…
Đào tạo thế hệ kế thừa
Giữ gìn và phát huy môn nghệ thuật đờn ca tài tử, Trung tâm VHTT huyện Phú Tân đang tập trung củng cố và đào tạo đội ngũ kế thừa, nhất là phát triển các em nhỏ có năng khiếu. Giám đốc Trung tâm VHTT huyện Phú Tân Lê Văn Ẩn cho biết, hiện nay những em trong độ tuổi từ 7-10 được Trung tâm VHTT đào tạo môn nghệ thuật đờn ca tài tử miễn phí. Có những em năng khiếu đặc biệt như em Thục Đoan đã lọt vào chung kết cuộc thi Tài tử miệt vườn; bé Nguyễn Khánh Hưng 7 tuổi với tài năng độc tấu đàn sến, từng tham gia cuộc thi Biệt tài tí hon làm “say lòng” khán giả; một số em khác hàng năm thi văn nghệ ngành giáo dục đều đạt giải cấp huyện, tỉnh. Đặc biệt, có nhiều em tự yêu thích, phát triển năng khiếu nhờ sự chỉ dạy của các nhạc công, ca sĩ trong địa phương. Ông Lê Văn Ẩn cũng bày tỏ trăn trở, các CLB địa phương hiện hoạt động rất tốt và duy trì thường xuyên, đặc biệt tại Trung tâm Thương mại thị trấn Phú Mỹ có 1 CLB hoạt động mỗi buổi sáng. Tuy nhiên, người độ tuổi trẻ nhất cũng thuộc U.30, còn thanh niên không mấy ai mặn mòi với thể loại này, chỉ có số trẻ em yêu thích đang được quan tâm. Trong huyện từng có nhiều tay đờn rất hay, nhưng vì cuộc sống, ai nấy tứ tán đi làm xa. Những lúc tổ chức văn nghệ, muốn tìm ra một người đờn giỏi, hát bài bản hầu như không có, chỉ duy nhất một nhạc công làm ngay tại trung tâm, còn lại phải mượn người các nơi khác.
Điểm sinh hoạt đờn ca tài tử tại Trung tâm Thương mại thị trấn Phú Mỹ tổ chức đều đặn mỗi buổi sáng.
“Lớp trẻ yêu thích đờn ca tài tử, nếu tính trong toàn huyện, những em biết ca chập chững khá nhiều, nhưng số có năng khiếu ca tốt được huấn luyện bài bản chỉ 5-6 em. Nếu để vài năm nữa mà không đào tạo kịp thời, môn nghệ thuật này sẽ thật sự mai một” - ông Ẩn trần tình. Lớp đào tạo đờn ca tài tử nói riêng và các môn nghệ thuật khác tại Trung tâm VHTT huyện linh hoạt về giờ giấc, tạo không gian thuận lợi nhất cho các em đến rèn luyện, bồi dưỡng phát triển dần tài năng, trở thành đội ngũ kế thừa các bộ môn nghệ thuật. Mới đây, Trung tâm VHTT huyện còn mời câu lạc bộ thiếu nhi đờn ca tài tử tỉnh An Giang để giao lưu. Đêm biểu diễn thu hút sự quan tâm và yêu thích của khá đông khán giả. Đây là những hoạt động khởi đầu mong muốn tạo sức ảnh hưởng của đờn ca tài tử trong các em nhỏ, dần tiến đến các sân chơi là hội thi, thu hút các em vào lớp học nhiều hơn để góp phần nối dài môn nghệ thuật truyền thống đặc sắc.
Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/-giu-lua-don-ca-tai-tu-o-phu-tan-a254181.html