Giữ lửa nghề chạm khắc gỗ

Với niềm đam mê cháy bỏng với nghề chạm khắc gỗ, anh Lê Hùng Sức (34 tuổi, ngụ ấp Long Bình, xã Long Điền A) đã quyết định kế thừa và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương Chợ Mới…

Anh Sức quyết định mở một xưởng gỗ nhỏ lập nghiệp cách đây hơn 10 năm trước. Con đường khởi nghiệp của Hùng Sức lúc ấy phải đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu vốn. Đặc biệt, việc đầu tư máy móc, nguyên liệu và thuê nhân công đòi hỏi một số vốn lớn mà một chàng trai trẻ như anh không có nhiều. Do đó, việc làm sao để tạo ra những sản phẩm vừa mang đậm nét truyền thống, vừa đáp ứng được nhu cầu của thị trường hiện đại là một bài toán khó đối với chàng trai 9X.

Tuy nhiên, với sự kiên trì và đam mê, anh Sức đã dần khẳng định được tài năng của mình, khi tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, được khách hàng đánh giá cao về cả chất lượng và mẫu mã. Trong từng sản phẩm của mình, anh rất chú trọng đến việc kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, vừa mang đậm nét văn hóa Việt, vừa đáp ứng được thị hiếu của nhiều khách hàng. Theo anh Hùng Sức, để gắn bó và trụ với nghề chạm khắc gỗ, ngoài sự khéo léo, niềm đam mê và sự kiên trì, người thợ cần không ngừng học hỏi kỹ thuật mới để hoàn thiện hơn mỗi ngày. “Quy trình sản xuất một sản phẩm chạm khắc gỗ trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ. Đầu tiên, người nghệ nhân sẽ chọn những loại gỗ có vân gỗ đẹp và độ bền cao. Thường, khách hàng hay đặt loại gỗ bên, gỗ thao lao, cẩm lai… Sau khi đã chọn được gỗ, tiếp theo sẽ phác thảo mẫu thiết kế, sau đó dùng các dụng cụ thủ công hoặc máy móc để chạm khắc. Cuối cùng, sản phẩm được hoàn thiện bằng các công đoạn sơn, đánh bóng để tăng thêm vẻ đẹp và độ bền”- anh Hùng Sức chia sẻ.

Anh Hùng Sức luôn tự học hỏi để nâng cao tay nghề

Anh Hùng Sức luôn tự học hỏi để nâng cao tay nghề

Các sản phẩm chạm khắc gỗ ở Chợ Mới rất đa dạng, từ đồ nội thất như giường, tủ, bàn ghế, đến các sản phẩm trang trí như tượng, tranh, đồ thờ cúng. Mỗi sản phẩm đều mang một vẻ đẹp riêng, thể hiện sự tài hoa và tâm huyết của người nghệ nhân. Những bộ đồ thờ cúng được chạm khắc tinh xảo luôn được người dân ưa chuộng và sử dụng trong các dịp lễ Tết. Chính vì điều đó, anh Hùng Sức nói rằng bản thân mỗi người thợ phải không ngừng học hỏi và nâng cao tay nghề để không bị “tụt hậu”.

So với ngày trước, việc chạm khắc gỗ ngày nay đã nhẹ công hơn rất nhiều vì có sự hỗ trợ từ máy móc hiện đại. Anh Hùng Sức cho biết, trước đây, người thợ dành rất nhiều thời gian và công sức để hoàn thành một sản phẩm. Có những sản phẩm khách đặt kỳ công, việc hoàn thành đôi khi phải mất rất nhiều ngày. Nhưng bù lại, sản phẩm làm ra sắc sảo, mỗi sản phẩm là “độc bản” bởi được làm thủ công rất tỉ mỉ. Có sự trợ giúp của máy khắc, thời gian được rút ngắn hơn rất nhiều lần. Người thợ chỉ cần lên bảng vẽ, lập trình trên máy, việc chạm khắc nặng nhọc là việc của máy. Tuy vậy, để sản phẩm của mình đến tay khách hàng hoàn hảo nhất, anh Hùng Sức còn cắt gọt, đục đẽo thêm các chi tiết nhỏ để trông sáng và đẹp hơn từng thớ gỗ.

Hiện, cơ sở của anh Hùng Sức đã được đầu tư 4 máy: 3 máy khắc gỗ và 1 máy chạm tượng. Mới đây, cơ sở của anh đã được Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh An Giang thẩm định và hỗ trợ vốn, với số tiền 80 triệu đồng. “Thời điểm này đang là cao điểm vụ Tết, cơ sở tôi phải làm cả buổi tối để kịp giao hàng đúng hẹn. Việc được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp là điều kiện và là động lực để tôi phát triển cơ sở chạm khắc gỗ của mình” - anh Hùng Sức bày tỏ.

Để góp phần vào công tác đào tạo nghề ở xã, anh Hùng Sức đã nhận dạy nghề cho không ít thanh niên địa phương, nhưng không nhận tiền học phí. Khi thành thạo, ai muốn gắn bó với anh điều được tạo điều kiện, không thì có thể tự tìm con đường phát triển bản thân. “Tôi đến với nghề chạm khắc này là cái duyên. Khi xưa, tôi là người được thầy truyền nghề miễn phí, nên tự nhủ sau này cũng không lấy học phí những ai có đam mê, muốn gắn bó với nghề này”- anh Hùng Sức tâm sự.

PHƯƠNG LAN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/giu-lua-nghe-cham-khac-go-a411580.html