Giữ 'lửa nghề' nơi vùng cao Bắc Yên

Nhiệt huyết, yêu nghề, những người làm báo ở Tổ Truyền thanh - Truyền hình, thuộc Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện Bắc Yên luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, vất vả, bám sát cơ sở để tác nghiệp, khai thác, tiếp cận thông tin, thường xuyên có những sản phẩm báo chí có chất lượng, đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân và phục vụ nhiệm vụ chính trị được giao.

Cán bộ, phóng viên Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện Bắc Yên trao đổi nghiệp vụ.

Cán bộ, phóng viên Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện Bắc Yên trao đổi nghiệp vụ.

Tổ Truyền thanh - Truyền hình có 21 người; trong đó, có 7 phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên, còn lại là kỹ thuật. Đội ngũ mỏng, tác nghiệp ở huyện có địa hình chia cắt bởi vùng cao, vùng lòng hồ..., việc thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền trên địa bàn 16 xã, thị trấn của huyện thực sự là thách thức đối với những người làm báo nơi đây. Không quản ngại khó khăn, các phóng viên thường xuyên bám cơ sở, gần dân, lắng nghe ý kiến, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đến với Đảng, chính quyền; phát hiện những đề tài hay, gương người tốt, việc tốt, để có những tác phẩm báo chí có chiều sâu và tác dụng tích cực, lan tỏa đến cộng đồng. Cũng chính trong khó khăn, vất vả đã rèn luyện cho đội ngũ phóng viên nơi đây trở nên đa năng hơn, với biệt danh phóng viên “4 trong 1”, khi một mình vừa phải tự quay phim, tự viết, dựng hình và tự dẫn chương trình.

Sinh ra lớn lên tại xã vùng cao Xím Vàng, huyện Bắc Yên, 16 năm làm báo, với tình yêu nghề, anh Hạng Chờ La, phóng viên của Trung tâm đã đi hết các xã, bản trong huyện, không thể kể hết những khó khăn, vất vả, trên vai lỉnh kỉnh máy quay, trèo đèo, lội suối, nhiều đêm ngủ lại bản với bà con... Là người dân tộc Mông, anh hiểu rõ phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc mình. Anh có nhiều tác phẩm viết về vùng cao Bắc Yên đã đoạt giải cao tại Liên hoan PT-TH tỉnh. Anh Hạng Chờ La chia sẻ: Làm nghề báo, phải tích cực đi cơ sở, thâm nhập thực tế mới có được những tác phẩm chân thực mang hơi thở cuộc sống; phản ánh tâm tư nguyện vọng của người dân. Mỗi tác phẩm được bà con đón nhận là nguồn động viên để các phóng viên, biên tập viên của Trung tâm nỗ lực hơn nữa.

Phóng viên Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện Bắc Yên tác nghiệp tại cơ sở.

Phóng viên Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện Bắc Yên tác nghiệp tại cơ sở.

Còn đối với chị Phạm Thị Phượng, mặc dù sinh ra và lớn lên ở vùng quê lúa Thái Bình, nhưng đã có 18 năm làm phóng viên tại huyện vùng cao Bắc Yên. Bản thân là nữ, làm việc trong môi trường nghề đòi hỏi lăn lộn, tác nghiệp chủ yếu tại những địa bàn khó khăn, nhưng chị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong suốt thời gian làm báo ở cơ sở, chị đã có hàng trăm chuyến đi thực tế và không ít lần phải “đo đường”, ở vùng cao, nhiều lần bị vắt cắt... Đổi lại, chị thu thập được nhiều thông tin, tư liệu quý để đưa tin, viết bài.

Kỷ niệm nhớ nhất là năm 2008, chị Phượng và đồng nghiệp đến xã Hua Nhàn, thực hiện tác phẩm “Đẻ ít con là không khổ”. Ngày đó, đi Hua Nhàn còn khó lắm, từ trung tâm huyện Bắc Yên phải mất nữa ngày băng đèo, lội suối mới đến nơi. Sau một ngày tích cực ghi hình, phỏng vấn, buổi tối, gia đình Trưởng bản Kéo Bó mổ hẳn con dê tiếp đãi phóng viên. Tác phẩm này đã được giải nhất tại Liên hoan PT-TH tỉnh năm 2008. Ngoài ra, chị và đồng nghiệp còn 3 lần đạt giải nhất và nhiều giải nhì, ba tại các kỳ Liên hoan PT-TH tỉnh. Chị Phượng chia sẻ: Đến vùng cao, chúng tôi mới cảm nhận được tình cảm của bà con dành cho những người làm báo. Mỗi chuyến đi là một lần trải nghiệm, cũng là để thử thách bản lĩnh, trưởng thành hơn trong nghề nghiệp.

Với số lượng phóng viên, biên tập viên khiêm tốn, nhưng hàng tuần, Trung tâm thực hiện 4 chương trình phát thanh tiếng phổ thông, 2 chương trình phát thanh tiếng Mông. Hằng tháng, thực hiện 2 trang truyền hình cơ sở phát triển sóng Đài PT-TH tỉnh; cùng nhiều tin, bài đăng tải trên cổng thông tin của huyện, cộng tác với cơ quan báo chí của tỉnh, Trung ương bảo đảm kịp thời, nhanh chóng. Các tác phẩm phát thanh, truyền hình phản ánh chân thực mọi mặt của đời sống trên địa bàn huyện Bắc Yên. Trong đó, nổi bật là tuyên truyền về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; tuyên truyền những tấm gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; gương người tốt việc tốt; những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới...

Phóng viên Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện Bắc Yên thông tin các sự kiện của địa phương.

Phóng viên Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện Bắc Yên thông tin các sự kiện của địa phương.

Ông Đinh Mai Sao, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện Bắc Yên, thông tin thêm: Để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cùng với tạo điều kiện tốt nhất để anh em tham gia các lớp tập huấn, lớp đại học chuyên ngành báo chí, chúng tôi khuyến khích, động viên anh em phấn đấu trở thành hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Bởi tham gia tổ chức Hội, các phóng viên có điều kiện học hỏi, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn nghiệp vụ với các nhà báo chuyên nghiệp trong toàn tỉnh, qua đó hoàn thiện bản thân hơn, góp phần nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí. Hiện nay, Trung tâm có 3 người là hội viên Hội Nhà báo tỉnh, đây là nhân tố quan trọng giúp đơn vị bắt nhịp với xu hướng làm báo chuyên nghiệp, hiện đại.

Đa năng, yêu nghề, không quản ngại vất vả, gian nan, những phóng viên của Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện Bắc Yên luôn giữ "lửa nghề", mang hơi thở cuộc sống vào từng tác phẩm, thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, đưa các tác phẩm báo chí ngày càng gần gũi, gắn bó với nhân dân.

Việt Anh

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/giu-lua-nghe-noi-vung-cao-bac-yen-51101