Giữ lửa nghề rèn thủ công truyền thống của người đồng bào Pa Kô
Ngày nay, máy móc sản xuất ra những nông cụ nhiều hơn, đồng nghĩa với việc nghề rèn thủ công truyền thống ở cộng đồng dân cư đang dần mai một. Để lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình, những người thợ rèn thủ công người đồng bào Pa Cô (Quảng Trị) ngày nay vẫn cùng nhau giữ lửa để giữ nghề.
Nghề rèn là một trong những nghề truyền thống lâu đời gắn liền với hoạt động sản xuất của bà con người đồng bào huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Trong nhịp sống hiện đại ngày nay, vẫn còn những thợ rèn âm thầm giữ lửa nghề trong bản làng người đồng bào dân tộc Pa Kô ở xã Lìa, huyện Hướng Hóa, tình Quảng Trị.
Các sản phẩm ở đây được tạo ra hoàn toàn thủ công, từ khâu cắt sắt, tạo hình, quai búa, làm tay cầm... tất cả đều chỉ bằng tay, không có sự can thiệp của máy móc. Tuy nhiên, qua thời gian, nghề rèn đã bị mai một dần. Nhiều bí quyết, kỹ thuật, kinh nghiệm tích lũy từ nhiều thế hệ đang dần bị lu mờ bởi sự phát triển của nghề rèn theo hướng công nghiệp hóa.
Với mong muốn bảo tồn nghề rèn truyền thống của dân tộc, một số hộ gia đình ở xã Lìa đến nay vẫn còn cố gắng giữ gìn và phát huy. Đến nay, xã Lìa có gần 20 người biết thực hành nghề rèn, và có 4 hộ thực hành thường xuyên.
Ở thôn A Rông, xã Lìa lâu nay vẫn gọi ông Hồ Văn Lập là “ông thợ rèn của bản”. Ông Lập cho biết, nghề rèn được truyền từ đời ông cha, khi ông lớn lên đã rất đam mê với nghề truyền thống này. Để thuận tiện cho việc rèn nông cụ phục vụ gia đình và phục vụ bà con, ông Lập đã tự tay chuẩn bị các dụng cụ cần thiết phục vụ cho công việc, như máy tạo gió, đe, búa… Vật liệu cũng được ông tự tìm kiếm, chủ yếu là sắt loại tốt tận dụng từ phế liệu chiến tranh hoặc những vật dụng hư hỏng khác.
“Nghề rèn là nghề lâu đời của gia đình tôi. Tôi muốn tiếp tục duy trì nghề này là để phục vụ nhu cầu làm nương rẫy cho bà con, đỡ phải đi xa vất vả, tốn kém. Mặt khác, bằng nghề này, tôi có thể tận dụng được thời gian rảnh, làm để có thêm thu nhập, vừa giữ được nghề truyền thống của gia đình, của dân tộc mình”, ông Lập chia sẻ.
Ông Hồ Văn Thứ, Phó Chủ tịch UBND xã Lìa, Huyện Hướng Hóa, cho biết: “Vẫn biết ngày nay cơ giới hóa đang dần được ứng dụng rộng rãi vào sản xuất nông nghiệp, thế nhưng đối với bà con dân tộc thiểu số ở huyện Hướng Hóa, những loại nông cụ được rèn thủ công vẫn không thể thiếu khi lên nương lên rẫy. Vì thế, việc duy trì nghề rèn của các hộ gia đình đồng bào dân tộc Pa Kô ở xã Lìa là hết sức cần thiết, vừa góp phần tích cực vào việc phục vụ nhu cầu lao động sản xuất cho bà con dân bản, và cũng là vừa gìn giữ để nghề rèn truyền thống không bị lãng quên”.
Nghề rèn của người đồng bào Pa Kô chủ yếu tồn tại theo kiểu “cha truyền con nối”. Việc phát triển nghề rèn truyền thống của người Pa Kô rất có ý nghĩa, không những góp phần đa dạng văn hóa vùng miền, thu hút khách du lịch, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa độc đáo riêng của dân tộc.