'Giữ lửa' nghệ thuật hát Then, đàn Tính cho thế hệ mai sau

Việc bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại về 'Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam' thời gian qua đã được Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương quan tâm. Đặc biệt, để lời hát Then, tiếng đàn Tính lan tỏa đến tận ngày hôm nay không thể không nhắc đến vai trò của những người nghệ nhân.

Nhiều giải pháp thiết thực bảo tồn, phát huy nghệ thuật hát Then, đàn Tính

Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại về "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam" đã được UNESCO ghi danh vào ngày 12/12/2019 tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 14.

Các tiết mục tại Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng Thái lần thứ VII

Các tiết mục tại Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng Thái lần thứ VII

Trong thời gian quan, việc bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại về "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam" luôn được Bộ VHTTDL, các địa phương quan tâm với nhiều giải pháp thiết thực.

Mới đây nhất, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Trịnh Thị Thủy đã ký ban hành Kế hoạch số 3317/KH-BVHTTDL về việc tổ chức Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII, năm 2024.

Theo đó, Liên hoan là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật hát Then, đàn Tính truyền thống.

Việc tổ chức Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái là hoạt động có ý nghĩa, nhằm tôn vinh, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Tày, Nùng, Thái trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam; tạo điều kiện để các địa phương giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Liên hoan cũng là một trong các hoạt động góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Kết luận số 76-KL/TW, ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị. Đồng thời, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Liên hoan là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật hát Then, đàn Tính truyền thống trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước.

Để lời hát Then, tiếng đàn Tính được trao truyền

Cùng với sự quan tâm thường xuyên của Đảng, Nhà nước, các cấp từ Trung ương đến địa phương, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật hát Then, đàn Tính truyền có vai trò rất quan trọng của các nghệ nhân. Nói đến Hát Then, đàn Tính không thể không nhắc đến Nghệ nhân nhân dân (NNND) Hoàng Thị Bích Hồng.

NNND Hoàng Thị Bích Hồng là một trong những tấm gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023.

NNND Hoàng Thị Bích Hồng là một trong những tấm gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023.

Năm 2022, NNND Hoàng Thị Bích Hồng vinh dự là một trong 64 nghệ nhân trên cả nước được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”. Năm 2023, với những đóng góp đặc biệt của mình, NNND Hoàng Thị Bích Hồng là một trong những tấm gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc.

Dù đã gần tuổi 80 nhưng NNND Hoàng Thị Bích Hồng, người dân tộc Tày (huyện Định Hóa, Thái Nguyên) vẫn dành tâm huyết để truyền dạy cho thế hệ trẻ và những người dân địa phương về giá trị của loại hình nghệ thuật hát Then, đàn Tính.

Đến tận bây giờ, câu Then, tiếng Tính của bà vẫn là nguồn cảm hứng thu hút nhiều người đến với loại hình nghệ thuật văn hóa này. Thành thạo kỹ năng về hát Then, đàn Tính, hát Bụt cổ, Then cổ, khả năng độc tấu đàn Tính thành thạo, chuyển thể các làn điệu then để viết lời, bà còn nắm vững các giai điệu then của các tỉnh như Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên.

Nhớ lại những ngày còn nhỏ, mỗi dịp sau Tết các nhà trong xóm thường mời thầy cúng đến làm lễ và trẻ con cũng được đi theo, NNND Hoàng Thị Bích Hồng chia sẻ, tại các buổi lễ đó, thấy âm nhạc của hát Then và đàn Tính rất hay, lời ca và giai điệu đã tự nhiên thấm dần vào bà lúc nào không hay.

Theo bà, hát Then có nhiều làn điệu, mỗi làn điệu có đặc trưng riêng. Đó là những lời ca, tiếng nhạc được chắt lọc từ chính những nét đẹp trong cuộc sống hàng ngày. Nếu liền anh, liền chị quan họ Bắc Ninh sử dụng tiếng hát để giao duyên với nhau thì người Tày, Nùng cũng dùng những lời ca để đối đáp và nên duyên vợ chồng…

Được biết, Khi được tuyển vào Đoàn Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc, bà Hồng đã mang tiếng đàn Tính, câu hát Then phục vụ đồng bào các dân tộc Việt Bắc. Ngày nghỉ hưu, bà lại tìm đến với những người mê lời then, tiếng tính để truyền dạy. Năm 2007, bà Hồng đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) đàn Tính, hát Then tỉnh Thái Nguyên.

Tiếng lành đồn xa, không ít người ở các huyện như Định Hóa, Phú Lương… đã tới đăng ký tham gia CLB. Ngày mới thành lập chỉ có 18 thành viên thì đến nay CLB đã có hơn 100 thành viên. Tính đến nay, CLB Đàn Tính, hát Then do NNND Hoàng Thị Bích Hồng làm Chủ nhiệm đã truyền dạy cho hơn 700 học viên, người lớn tuổi nhất cũng gần 90, còn em nhỏ nhất mới học lớp 3.

Có thể khẳng định, sức lan tỏa từ lời hát Then, tiếng đàn Tính là sự ghi nhận hết sức đáng quý đối với người nghệ nhân. Điều đó đã tiếp thêm động lực để những nghệ nhân như NNND Bích Hồng không ngừng cống hiến, gìn giữ, trao truyền những nét đẹp di sản văn hóa quý giá cho các thế hệ sau.

Hy vọng, với tình yêu di sản của các nghệ nhân, sự quan tâm hỗ trợ thường xuyên của chính quyền từ Trung ương đến địa phương, di sản hát Then, đàn Tính sẽ tiếp tục được bảo tồn, truyền dạy và ngân vang mãi./.

*Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/giu-lua-nghe-thuat-hat-then-dan-tinh-cho-the-he-mai-sau-20241121125215515.htm