'Giữ lửa' tập 3 của nhà báo Nguyễn Hồng Vinh: Giao hòa lửa báo với hơi văn
Giữ lửa tập 3 là cuốn sách thể hiện rõ nét 'lửa nghề' và 'tay nghề' của nhà báo Nguyễn Hồng Vinh. Đọc cuốn sách, người đọc không khó để nhận ra thông điệp 'truyền lửa' của tác giả.
Đó là cầu nối giữa ý Đảng - lòng Dân, làm thổi bùng lên ngọn lửa khát vọng về ý chí, về tình yêu và quyết tâm làm giàu, làm đẹp thêm cho đất nước, bảo vệ vững vàng thành quả cách mạng mà lớp lớp cha anh đã hi sinh xương máu.
Theo tâm niệm của nhà báo Nguyễn Hồng Vinh, “Giữ lửa” để “truyền lửa”. Có thể hiểu Đảng ta là người “đốt lửa”, mà những người làm báo, hiểu rộng ra là tất cả những cán bộ, đảng viên chúng ta là những người “giữ lửa” và “truyền lửa”.
Dày gần 500 trang, “Giữ lửa tập 3” được chia làm 2 phần (trong đó, Phần I có 57 bài viết (báo chí, ghi chép, tùy bút, phê bình…) của chính tác giả; Phần 2 là những bài phê bình chọn lọc của nhiều tác giả viết về hai tập thơ: Thơ và dấu ấn cuộc đời (2018) và Xanh mãi (2019) và Phần mục lục in một số bản nhạc được phổ từ thơ của nhà báo- nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh. Cuốn sách cho thấy rõ sự hệ thống có tính định hướng quan trọng của tác giả về những vấn đề nóng hổi của đất nước. Các bài báo đều mang tính đối thoại đậm nét, không chỉ khắc họa chân dung tiêu biểu qua một số đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước như: Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười, cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang, cố GS Nguyễn Đức Bình…mà còn khắc họa những chân dung giản dị, đời thường và sự lan tỏa những khát vọng nhân văn thông qua các tùy bút, ghi chép, phê bình văn chương ngồn ngộn hiện thực đời sống hôm nay ở nhiều vùng, miền trên đất nước ta…
Với thực tế lao động và chiến đấu, đã hai lần vào Trường Sơn làm nhiệm vụ phóng viên chiến trường trong những năm chống Mỹ, cứu nước, chúng ta còn bắt gặp trong tập sách còn có những bài viết khắc họa những gương sáng thương binh cao đẹp từng cống hiến công sức và máu xương cho sự nghiệp giành độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc, nay trở về như những bông hoa nở giữa đời thường họ lại lặng lẽ cống hiến sức mình cho dân, cho nước, luôn khẳng định “thương binh tàn nhưng không phế”.
Đọc “Giữ lửa” ta nhận thấy rõ ngọn lửa đam mê cháy trong từng câu chữ. Những bài báo truyền thông điệp về những hình ảnh đẹp, những chân dung đẹp, bồi đắp niềm tin, ý chí, nghị lực vào hành trình lao động qua đó động lực cách mạng được bồi đắp, đồng thuận xã hội được tăng cường, tình thương yêu con người được kết nối. Những vỏ ngôn ngữ như được nén chặt lại, nhiều bài viết chỉ dài không quá 600- 700 từ nhưng lại có những điểm nhấn đắt giá, khơi gợi cảm nhận của độc giả, nói được nhiều nhất, sống động nhất, trung thực nhất về một sự kiện, hiện tượng, một vùng đất, một con người. Đó chính là cái tài của một nhà báo giỏi.
Theo tâm niệm của nhà báo Nguyễn Hồng Vinh, “Giữ lửa” để “truyền lửa”. Có thể hiểu Đảng ta là người “đốt lửa”, mà những người làm báo, hiểu rộng ra là tất cả những cán bộ, đảng viên chúng ta là những người “giữ lửa” và “truyền lửa”. Nhà báo Nguyễn Hồng Vinh khẳng định:“Tập này tôi vẫn chọn tên “Giữ lửa” vì muốn gửi tới độc giả thông điệp rằng đất nước chúng ta đang tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, một trong những động lực để chúng ta đưa đất nước phát triển, sánh vai với các nước tiên tiến trên thế giới chính là chúng ta duy trì và truyền ngọn lửa yêu nước của cha anh cho các thế hệ hôm nay và mai sau”.
Tác giả Nguyễn Hồng Vinh là nhà báo chuyên nghiệp, là người có học vị tiến sĩ báo chí đầu tiên ở Việt Nam. Ông nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; nguyên Tổng biên tập Báo Nhân Dân; nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật Trung ương... Những trọng trách này ông đều hoàn thành xuất sắc; thực thi nhiệm vụ hết mình; vừa giữ vững kỷ cương nguyên tắc, vừa năng động, sáng tạo, được Đảng, Nhà nước, Nhân dân, đồng nghiệp ghi nhận, đánh giá cao. Trong quá trình làm báo của mình, nhiều chủ đề đồ sộ đã được tác giả lan tỏa qua cái nhìn của một nhà báo, nhà thơ luôn giao hòa lửa báo với hơi văn.
Là một nhà báo chuyên nghiệp, nhà quản lý tài ba, nhưng PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh vẫn chứa chan hồn thơ, bằng chứng là ông đã cho ra đời nhiều tập thơ có giá trị về mặt nghệ thuật. Thơ của ông được nhiều bạn thơ đánh giá là có những sáng tạo hết sức độc đáo như cách thể hiện nội dung là phương pháp dùng thơ giới thiệu thơ. Ông dùng những câu thơ hay, đoạn thơ hay của từng tác giả bằng chính những câu thơ, đoạn thơ, đảm bảo tính lo gic, tính nghệ thuật, do đó đã góp phần nhân lên giá trị tác phẩm. Tại cuốn sách “Giữ lửa” tập III, người đọc bắt gặp nhiều bài thơ đã được các nhạc sỹ tên tuổi phổ nhạc. Nhiều nhạc phẩm đã được giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng và không ít những bài viết của những nhà phê bình văn học nghệ thuật viết về ông.
Có thể nói, chính thơ tâm hồn thơ ca đã giúp nhà báo Nguyễn Hồng Vinh có những bài báo chính luận không hề khô khan mà tạo ra những dấu ấn đậm nét, với câu văn mượt mà, đi vào lòng người. Cũng như vậy, chính sự sắc sảo của một cây bút chính luận, sự trải nghiệm của một nhà báo yêu nghề với những dấu chân đặt trên khắp mọi miền tổ quốc lại giúp ông cho ra đời những câu thơ lay động lòng người.
Trước đó, nhà báo Nguyễn Hồng Vinh đã cho ra đời 2 cuốn sách “Giữ lửa” tập 1 và tập 2. Theo nhà báo lão thành Phan Quang nhận xét, “Giữ lửa” (tập 3) so với hai tập “Giữ lửa” trước có những nét mới: Cùng xuôi chiều với dòng chảy chính, chọn hơn 30 bài xã luận “Vấn đề tháng này”, còn có hơn 20 bài được tác giả Nguyễn Hồng Vinh thông qua những thể loại báo chí, văn học như chuyên luận, bình luận, ký sự, chân dung, du ký, tùy bút, tham luận hội thảo, đối thoại với đồng nghiệp, trả lời phỏng vấn của phóng viên… đề cập nhiều vấn đề chính trị, văn hóa, báo chí nóng hổi diễn ra trên đất nước ta và thế giới… “Đọc “Giữ lửa” (tập 3), bên cạnh những bài đề cập các vấn đề quen thuộc hằng tháng, tôi có cảm tưởng như tác giả Nguyễn Hồng Vinh là cánh én bay lượn trên trời cao, nhưng không quên đều đều sà xuống mặt đất nhặt hạt đậu, nhắm chồi hoa tiếp thêm sức sống”- nhà báo Phan Quang nhấn mạnh.
Hiện nay, các cây bút xã luận, bình luận của báo chí đang giảm đi, cuốn sách “Giữ lửa” thực sự đã “truyền lửa” cho các nhà báo thêm niềm đam mê với thể loại được coi là khó viết nhất trong các thể loại báo chí. Đây là tài liệu quý cho những nhà báo trẻ có tâm huyết với nghề có thêm cơ hội học hỏi. Có thể nói, cuốn sách “Giữ lửa” của Nhà báo Nguyễn Hồng Vinh là sự đóng góp không mệt mỏi của một người đã trải qua hơn 50 năm tuổi nghề, mặc dù đã về hưu vẫn như con ong cần mẫn góp mật ngọt cho đời đối với sự nghiệp bồi dưỡng và đào tạo đội ngũ báo chí, sự đóng góp có ý nghĩa với con đường xây dựng và phát triển của đất nước.