Giữ mạch đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển

Khi thành lập tỉnh Lào Cai (mới) trên cơ sở hợp nhất 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái, điều được đặt lên hàng đầu không chỉ ở việc tổ chức lại bộ máy hành chính, mà quan trọng hơn là củng cố vững chắc niềm tin, sự đồng thuận và khối đại đoàn kết toàn dân. Trong hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc giữ vai trò đặc biệt trong việc kết nối giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân. Sau sắp xếp, vai trò ấy không những không giảm đi, mà còn phải mạnh mẽ hơn, sâu sát và hiệu quả hơn.

Đối với tỉnh Lào Cai (mới), Mặt trận Tổ quốc không chỉ là “cầu nối” giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân, mà còn giữ vai trò chủ động trong việc tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, giám sát và phản biện xã hội, chăm lo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.

Trong bối cảnh hợp nhất, khi bộ máy hành chính được tổ chức lại theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, Mặt trận Tổ quốc càng phải thể hiện rõ vai trò lực lượng giữ mạch đoàn kết, lan tỏa sự đồng thuận và khơi dậy khát vọng phát triển trong Nhân dân.

Việc hợp nhất hai tỉnh cũng đồng nghĩa với việc sắp xếp lại toàn bộ mô hình tổ chức của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ. Đây là cơ hội để tinh gọn bộ máy, nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức trong việc bảo đảm tính hiệu quả, tính đại diện và tính kết nối với cơ sở.

Theo quy định, bộ máy Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh được tổ chức tinh gọn, rõ chức năng, nhiệm vụ, không chồng chéo, trùng lặp. Các ban tham mưu, giúp việc cấp tỉnh có dưới 10 người chỉ bố trí 1 phó trưởng ban; từ 10 người trở lên không quá 2 phó trưởng ban. Số lượng lãnh đạo cấp phó của cơ quan Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh và cấp xã do Ban Thường vụ cấp ủy cùng cấp quyết định, có thể tạm thời bố trí nhiều hơn trong giai đoạn chuyển tiếp, nhưng tối đa 5 năm phải bảo đảm đúng quy định.

Một trong những yêu cầu quan trọng đặt ra với hệ thống Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lào Cai (mới) là phải khắc phục tình trạng “hành chính hóa”, chỉ làm công văn, giấy tờ, mà phải thực sự là lực lượng xã hội - chính trị gần dân, hiểu dân, vì dân.

Muốn vậy, cần hướng mạnh hoạt động về cơ sở, tăng cường nguồn lực và nhân lực cho các ban công tác Mặt trận ở khu dân cư, các chi hội của các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng. Đây là nơi trực tiếp triển khai các phong trào thi đua yêu nước, nơi tiếp nhận và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân, nơi lan tỏa tinh thần đoàn kết và khơi dậy trách nhiệm công dân. Đồng thời, Mặt trận Tổ quốc cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác tham mưu, phối hợp, triển khai nhiệm vụ. Việc nắm bắt dư luận xã hội, tổ chức giám sát, phản biện, tổng hợp ý kiến cử tri… cần được thực hiện nhanh hơn, chính xác hơn, hiệu quả hơn.

Đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai cho biết: Thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lào Cai xác định rõ vai trò, nhiệm vụ ngày càng nặng nề hơn. Ủy ban và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, như: Chủ động tham mưu Tỉnh ủy về các giải pháp củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, nhất là tại các địa bàn sáp nhập, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng còn khoảng cách phát triển; tổ chức các cuộc giám sát, phản biện xã hội có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các vấn đề người dân quan tâm, ví như việc phân bổ nguồn lực sau hợp nhất, chính sách cán bộ, bảo tồn bản sắc văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội; phát huy vai trò của các tổ chức thành viên, trọng tâm là các tổ chức chính trị - xã hội… trong việc nắm bắt tình hình cơ sở, tổ chức phong trào thi đua, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường trong Nhân dân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân hiểu đúng, đồng thuận và đồng hành với chính quyền trong quá trình chuyển đổi mô hình tổ chức hành chính. Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Mặt trận các cấp, nhất là cán bộ ở cấp xã, thôn, bảo đảm đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện mới.

Thành lập tỉnh Lào Cai trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Lào Cai, Yên Bái đang mở ra một thời kỳ mới, thách thức nhiều nhưng cũng là thời cơ lớn. Trong hành trình ấy, vai trò của Mặt trận Tổ quốc rất quan trọng, để sự hợp nhất không chỉ là dấu mốc hành chính, mà thực sự khởi đầu cho một không gian phát triển mới, một tinh thần Lào Cai mới, bền vững hơn, xứng đáng với khát vọng đến năm 2030, trở thành tỉnh phát triển của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ.

Trình bày: Hữu Huỳnh

Nguyễn Thành Phú

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/giu-mach-doan-ket-khoi-day-khat-vong-phat-trien-post649443.html