Giữ màu nhà quê trên 'đấu trường sinh tử'

Gần 20 năm là cán bộ Nhà nước, trong tay có bằng Thạc sỹ Quản trị kinh doanh, Kỹ sư công trình thủy lợi… song tình yêu với nông nghiệp sạch như ngọn lửa cháy âm ỉ trong anh Nguyễn Đình Tâm, Giám đốc HTX nông nghiệp và Dịch vụ Tâm Hương, xã Hồng Thái (Na Hang). Nó thôi thúc anh xin thôi làm cán bộ để thành nông dân, để nuôi dưỡng khát khao cháy bỏng là hiện thực hóa mô hình 'từ trang trại đến bàn ăn'. Khởi nghiệp bằng nghề nông ở tuổi 45, anh Tâm chưa một ngày ngơi nghỉ. Anh lặng lẽ tiến từng bước trên 'đấu trường sinh tử' và bước đầu gặt trái ngọt…

Tình yêu muộn với nông nghiệp sạch

Vừa kết thúc chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2022 do Bộ Công Thương tổ chức tại Hà Nội, anh Tâm ngay lập tức trở về xã Hồng Thái (Na Hang) giữa cơn mưa bão. Với người nông dân như anh, ngay lúc này đây, tài sản giờ là những ruộng rau hữu cơ trái vụ có nguy cơ thiệt hại bởi trận mưa bão kéo dài. Làm kinh tế tập thể, đằng sau anh là hàng chục thành viên người dân tộc thiểu số. Đúng là “một người lo bằng kho người làm”. Mấy ngày xa nhà, lòng anh như lửa đốt là vì vậy.

Khoác chiếc áo mưa, chân đi đôi ủng, anh Tâm thoăn thoắt qua từng ruộng rau nắm tình hình sau cơn bão. Rồi anh vui vẻ, hối hả cùng với các thành viên thu hoạch bắp cải, su hào; nâng niu chúng như một món quà vô giá. “Trong thời gian sớm nhất, những ruộng rau hữu cơ nơi đây sẽ có hệ thống nhà màng chất lượng cao để giảm thiểu tối đa thiệt hại do thời tiết và có những sản phẩm tốt nhất cung cấp ra thị trường” - Anh Tâm khẳng định.

Anh Nguyễn Đình Tâm (thứ 2 từ trái sang) kết nối công ty trồng và thu mua nông sản Hàn Quốc
khảo sát trồng cây bắp cải tại xã Khau Tinh (Na Hang).

Năm 2015 bắt đầu cái duyên của anh Tâm với nông nghiệp sạch. Vợ anh là chị Phúc Thị Lan Hương, điều dưỡng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh bắt đầu tập tành bán hàng online bằng sản phẩm handmade. Vốn là người gốc Na Hang, có năng khiếu chế biến và nấu ăn ngon nên chị Hương và mẹ mình tự làm các sản phẩm như thịt trâu khô, thịt lợn khô, thịt chua, thịt treo gác bếp, nem chua, xúc xích và bán online để cải thiện thu nhập. Năm 2017, khi đã có lượng khách hàng bán buôn, bán lẻ thường xuyên trong và ngoài tỉnh, gia đình anh thuê địa điểm, mở cửa hàng Tâm Hương kinh doanh các sản phẩm handmade. Năm 2018, Chính phủ triển khai chương trình OCOP - Mỗi xã một sản phẩm, vợ chồng anh nắm bắt xu thế, chủ động tìm tòi và kết nối các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ được định hướng OCOP trên địa bàn tỉnh.

Đang công tác tại huyện Na Hang, anh Tâm xin luân chuyển về 1 đơn vị trực thuộc của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh để được về gần nhà và hỗ trợ chị Hương kinh doanh nghề tay trái.

Sau giờ làm việc, vợ chồng anh không ngại khó, ngại khổ đến tận nơi mục sở thị các mô hình kinh tế được giới thiệu để tìm hiểu, nắm bắt quy trình sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ. Qua đó, sản phẩm nào chất lượng, đảm bảo, anh mới đưa về quảng bá, bán tại cửa hàng. Chính từ những chuyến đi, gặp gỡ với người nông dân lam lũ tâm huyết với nông nghiệp sạch đã khiến tình yêu với nông nghiệp sạch của anh “nảy mầm”. Anh đã lên ý tưởng phát triển nông nghiệp bền vững với công thức “từ trang trại đến bàn ăn” hay còn gọi là mô hình 3F (Feed - Farm - Food). Đây là mô hình sản xuất thực phẩm an toàn khép kín từ khâu nuôi, trồng ở trang trại đến khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Chị Phúc Thị Lan Hương, vợ anh Nguyễn Đình Tâm giới thiệu với người tiêu dùng các sản phẩm
đặc sản Na Hang mang thương hiệu Tâm Hương.

Trong 2 năm 2019, 2020, nhờ sự quan tâm, định hướng, hỗ trợ của các cấp, ngành, cửa hàng Tâm Hương được Sở Công Thương xây dựng trở thành điểm bán, giới thiệu sản phẩm OCOP đầu tiên của tỉnh. Là điểm duy nhất quảng bá, kết nối chỉ riêng sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản. Sau 6 tháng, cửa hàng dần lớn mạnh, kết nối trên 300 sản phẩm OCOP và định hướng OCOP trong và ngoài tỉnh. Cửa hàng tạo việc làm cho 8 lao động với mức lương trung bình từ 4-7 triệu đồng/người/tháng. Sau 1 năm, cửa hàng đã có doanh thu 500-600 triệu đồng/tháng chưa trừ chi phí.

Với lợi thế đầu ra sản phẩm tại cửa hàng ổn định, năm 2020, anh Tâm chủ động kết nối với cấp ủy, chính quyền xã Hồng Thái (Na Hang) vận động người dân tham gia phát triển HTX trồng rau hữu cơ. HTX cung ứng giống, phân cho thành viên và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Cán bộ chuyên môn của huyện, xã hỗ trợ, theo sát thành viên trong chuyển giao khoa học công nghệ trồng trọt.

Mô hình 3F giàu tiềm năng song nhiều thách thức. Đối với nhiều doanh nghiệp lớn, cuộc chơi với 3F giống như “đấu trường sinh tử” thì với doanh nghiệp nhỏ có thể bị nuốt chửng bất kể khi nào bởi ngành nông nghiệp vốn rủi ro. Dù vốn liếng, kinh nghiệm của người nông dân 2 năm tuổi nghề còn khiêm tốn nhưng anh Tâm cười điềm tĩnh: “Nông nghiệp sạch giống như một cô gái hoàn hảo. Mình trót yêu rồi, phải bằng mọi cách chinh phục thôi”.

Ngoài lợn đen bản địa, lợn rừng lai, gia cầm là một sản phẩm được HTX triển khai theo mô hình.

Ngoài lợn đen bản địa, lợn rừng lai, gia cầm là một sản phẩm được HTX triển khai theo mô hình.

Thành quả bước đầu với 3F

Sau nhiều tháng vận động, tháng 3-2021, HTX Tâm Hương được thành lập với 15 thành viên người Dao, người Mông của xã Hồng Thái. Với 5 ha đất sản xuất, thời gian qua, HTX đã cung ứng ra thị trường một lượng lớn rau củ với giá ổn định, chưa bao giờ bị tồn hàng. Nhờ đó, tạo thu nhập ổn định cho các thành viên.

Sau sản phẩm rau hữu cơ được triển khai với công thức 3F, năm 2020, anh Tâm hiện thực hóa mô hình chăn nuôi lợn đen bản địa và lợn rừng lai nhằm chủ động nguyên liệu chuẩn, sạch để chế biến các sản phẩm mang bản sắc Na Hang với thương hiệu Tâm Hương: Thịt lợn ba chỉ treo gác bếp, thịt lợn chua, thịt lợn khô...

Đàn lợn đen bản địa giống tại trang trại của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tâm Hương tại tổ 7, thị trấn Na Hang (Na Hang).

Đàn lợn đen bản địa giống tại trang trại của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tâm Hương tại tổ 7, thị trấn Na Hang (Na Hang).

Đến thăm trang trại chăn nuôi khép kín của HTX tại tổ 7, thị trấn Na Hang, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước quy mô trang trại trên diện tích 3ha. Thời gian qua, các thành viên đã đóng góp trên 2 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, vật chất, con giống. Riêng chuồng chăn nuôi lợn đen bản địa, lợn rừng lai sinh sản và thương phẩm có diện tích trên 2.000m2 và được thiết kế theo tiêu chuẩn chăn nuôi lợn hữu cơ; nguồn thức ăn, nguồn nước đảm bảo tuyệt đối theo hướng hữu cơ.

Từ năm 2021 đến nay, với 55 lợn nái, 5 lợn đực, HTX đã sản xuất cung ứng trên 50 tấn lợn đen bản địa, lợn rừng lai thương phẩm ra thị trường. Trong đó, HTX bán 30 tấn lợn thương phẩm cho thương lái, 20 tấn được HTX khai thác, bán tươi tại cửa hàng và nguyên liệu cho các sản phẩm của thương hiệu Tâm Hương. Lấy ngắn nuôi dài, HTX đã duy trì tổng đàn gia cầm gồm gà ri, ngan, ngỗng, vịt với tổng trên 2.000 con/năm để lấy trứng, thịt bán tại cửa hàng.

Cuối tháng 4 vừa qua, HTX Tâm Hương khai trương gian hàng giới thiệu sản phẩm đặc sản, OCOP huyện Na Hang tại chợ đêm Na Hang trong Tuần Văn hóa - Du lịch huyện năm 2022. Cửa hàng đã thu hút hàng nghìn lượt du khách đến tham quan, mua sắm và trở thành điểm nhấn trong tuần lễ.

HTX nông nghiệp và Dịch vụ Tâm Hương tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho trên 20 lao động địa phương.

HTX nông nghiệp và Dịch vụ Tâm Hương tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho trên 20 lao động địa phương.

Ông Vi Ngọc Quý, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện bày tỏ, HTX Tâm Hương là một trong số ít HTX nông nghiệp của huyện có quy mô sản xuất lớn. Là đơn vị duy nhất mạnh dạn phát triển theo hướng “từ trang trại đến bàn ăn” của huyện. Từ năm 2021 đến nay, không chỉ tích cực tự tìm đầu ra cho sản phẩm do HTX sản xuất, anh Tâm đã chủ động kết nối hàng chục đối tác trong và ngoài tỉnh chuyên sản xuất, thu mua nông sản nhằm tìm kiếm cơ hội, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao thu nhập cho đồng bào.

Những năm qua, nhiều sản phẩm “nhà quê” được vinh danh thương hiệu nông nghiệp danh giá. Đó cũng là khát vọng lớn lao của anh Tâm. Trước mắt, anh sẽ tạo ra sản phẩm “nhà quê” sạch nhất, ngon nhất bằng chính tâm huyết của mình và đồng bào Na Hang. Anh Tâm thấm thía, làm nông dân mới thấu hiểu hơn bao giờ hết nỗi nhọc nhằn, vất vả. Giữ màu nhà quê trong cuộc “đấu tranh sinh tử” - “từ trang trại đến bàn ăn” còn bao nhiêu gian truân. Song anh Tâm luôn tin, anh sẽ vượt qua, bởi có tâm, ắt có tầm.

Phóng sự: Bích Hằng

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/giu-mau-nha-que-tren-dau-truong-sinh-tu-158523.html