Giữ màu thời gian cho di tích

Cùng với đẩy mạnh trùng tu, tôn tạo các di tích, thời gian qua, Đồng Nai thực hiện nhiều công trình bảo quản sơn son thếp vàng hoành phi, liễn đối, bảng chữ thờ tại các di tích trên địa bàn tỉnh.

Các hiện vật tại di tích đình Phú Mỹ (xã Phú Hội, H.Nhơn Trạch) đã được bảo quản, sơn son thếp vàng. Ảnh: CTV

Các hiện vật tại di tích đình Phú Mỹ (xã Phú Hội, H.Nhơn Trạch) đã được bảo quản, sơn son thếp vàng. Ảnh: CTV

Việc bảo quản sơn son thếp vàng hoành phi, liễn đối, bảng chữ thờ không chỉ tránh sự hư hỏng, kéo dài tuổi thọ cho các hiện vật tại di tích mà qua đó còn góp phần nâng cao giá trị, thu hút người dân và du khách đến tham quan, phát triển du lịch văn hóa địa phương.

* Bảo quản, sơn son thếp vàng hoành phi, liễn đối…

Trải qua thời gian dài tồn tại, nhiều hạng mục hoành phi, liễn đối, bảng chữ thờ tại hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh đứng trước nguy cơ hư hỏng, mai một. Bởi vậy, ngành Văn hóa đã và đang đẩy mạnh bảo quản, sơn son thếp vàng các hạng mục trên tại nhiều di tích như: đình Phước Thiền, đình Phú Mỹ (H.Nhơn Trạch); đình Bình Thiền, đình Phước Lư (TP.Biên Hòa); đình Phước Lộc, đình Phước Nguyên (H.Long Thành)…

Di tích đình Phú Mỹ (xã Phú Hội, H.Nhơn Trạch) được khởi dựng vào thời Gia Long (khoảng năm 1802). Đây là một trong những công trình do Bảo tàng Đồng Nai làm chủ đầu tư, được bảo quản, phục hồi sơn son thếp vàng nhiều hiện vật (hạng mục hậu điện) nhằm đưa hiện vật về nguyên bản ban đầu. Trong đó, có 22 bức hoành phi, 1 cặp câu đối, 7 bộ bảng chữ thờ… được cạo bỏ lớp sơn công nghiệp bằng phương pháp thủ công, xử lý các vết nứt và bảo quản chống mối mọt, phục hồi nguyên trạng sơn son thếp vàng truyền thống các hiện vật.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Sở VH-TTDL giao Bảo tàng Đồng Nai phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, khảo sát về các loại hình truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác bảo quản, phát huy giá trị của bảo vật quốc gia và lập hồ sơ hiện vật đề nghị công nhận bảo vật quốc gia đợt 12-2023.

Có hơn 10 năm trông coi và bảo vệ di tích đình Phú Mỹ, ông Lê Văn Út cho biết, đình Phú Mỹ vừa là nơi sinh hoạt tín ngưỡng dân gian, vừa là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa. Người dân địa phương rất vui mừng khi ngôi đình xưa được bảo quản, phục hồi sơn son thếp vàng, diện mạo trở nên khang trang nhưng vẫn giữ được nhiều yếu tố gốc.

“Từ khi công trình hoàn thành, di tích đón nhiều du khách đến dâng hương, tham quan và tìm hiểu, trung bình từ 150-300 khách/tháng” - ông Út chia sẻ.

Tương tự, 2 di tích đình Bình Thiền, đình Phước Lư (TP.Biên Hòa) trải qua thời gian dài tồn tại với điều kiện khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, các hoành phi, liễn đối, bảng chữ thờ đã bị xuống cấp, mối mọt xâm hại. Một số liễn đối, hoành phi đã bị nứt bề mặt, các khớp mộng đã bị hư hỏng, toàn bộ bề mặt đã bị sơn phủ bằng lớp sơn công nghiệp. Hiện 2 di tích đã được bảo quản, phục hồi sơn son thếp vàng các hạng mục xuống cấp, trả lại yếu tố gốc ban đầu.

Mới đây nhất, UBND tỉnh đã phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật bảo quản, sơn son thếp vàng hoành phi, liễn đối, bảng chữ thờ tại di tích đình Phước Lộc, đình Phước Nguyên (H.Long Thành). Đây là 2 di tích được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh lần lượt vào năm 2007 và 2009. Trong đó, di tích đình Phước Lộc cần bảo quản, phục hồi sơn sơn, thếp vàng 11 bức hoành phi, 22 câu đối, 8 bảng chữ thờ; di tích đình Phước Nguyên cần bảo quản, phục hồi 2 bức hoành phi, 9 bảng chữ thờ.

* Kéo dài tuổi thọ cho các hiện vật tại di tích

Theo Bảo tàng Đồng Nai, tất cả các hoành phi, liễn đối, bảng chữ thờ đều được bảo quản theo phương pháp truyền thống. Những vật liệu sử dụng cho công trình là sơn ta, vàng quỳ, bột màu nhật. Các lớp sơn được thực hiện tùy vào cấu kiện, vị trí để thi công và giữ được vẻ tinh xảo của các hoa văn, họa tiết trang trí trên các hiện vật… Tất cả nhằm kéo dài tuổi thọ cho các hiện vật, tạo cơ sở vật chất để duy trì các hoạt động nghi thức, lễ hội đang được lưu giữ ở các di tích, góp phần quảng bá giá trị văn hóa vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.

Là một trong những người trực tiếp trùng tu, bảo quản sơn son thếp vàng cho nhiều hiện vật tại các di tích trên địa bàn tỉnh, anh Lê Hoàng Vũ (ngụ KP.2, P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) cho hay, để có thể tham gia vào công việc giữ màu cho di sản, những người như anh phải có chứng chỉ hành nghề trùng tu di tích; phải trải qua nhiều thủ tục, tham dự khóa bồi dưỡng về kiến thức do cơ quan có thẩm quyền đào tạo. Thế nên, khi bắt tay vào trùng tu, bảo quản các di tích, anh xem là dịp để mình được thực hiện đúng trách nhiệm của người làm công tác bảo tồn.

“Trùng tu, bảo quản di tích bắt buộc phải sử dụng các nguyên liệu đã được quy định để giữ nguyên trạng di tích và phải có sự giám sát thường xuyên bởi các chuyên gia từ khi khởi công cho đến khi hoàn thành. Công việc rất khó nhưng cũng rất hấp dẫn. Khó là bởi phải học cách bảo quản di tích sao cho vừa giữ yếu tố gốc, vừa đảm bảo tiến độ; hấp dẫn là bởi nhiều câu chuyện lịch sử, văn hóa đằng sau mỗi di tích” - anh Vũ bộc bạch.

Với nỗ lực giữ gìn, phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa, nhiều di tích trên địa bàn tỉnh đã và đang được trùng tu, khôi phục nguyên trạng những yếu tố gốc, yếu tố vốn có của di tích. Việc đầu tư vào quá trình bảo tồn và phát triển tinh hoa trí tuệ của tiền nhân, lưu giữ không gian văn hóa gắn với chiều sâu của ký ức được nhiều người kỳ vọng rằng sẽ làm giàu hơn đời sống tinh thần cho nhân dân không chỉ ở hiện tại mà cả mai sau.

Ly Na

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/202307/giu-mau-thoi-gian-cho-di-tich-3171023/