Giữ màu xanh cho đại ngàn...
Từ huyện lỵ Quan Hóa đến bản Ho, xã biên giới Hiền Kiệt gần 60 cây số. Con đường quanh co uốn lượn dẫn chúng tôi đi qua những cánh rừng xanh thẫm. Nhờ công sức, trí tuệ của con người, trên đất cằn sỏi đá màu xanh của sự sống và sự bình yên nơi đại ngàn đang mãi vươn xa...
Cán bộ, kiểm lâm viên Hạt Kiểm lâm Quan Hóa tuần tra, bảo vệ rừng trên địa bàn.
Đón chúng tôi trong tâm trạng phấn khởi, chị Vi Thị Tha - chủ trang trại rừng tại bản Ho chia sẻ: Được Nhà nước giao đất, giao rừng với diện tích 35 ha từ năm 1993, đến nay gia đình đã trồng, chăm sóc 30 ha rừng keo, luồng phát triển tốt, còn lại là bảo vệ rừng (BVR) tự nhiên, rừng sản xuất. Hằng tháng gia đình cùng lực lượng kiểm lâm và ban quản lý thôn, chính quyền địa phương tổ chức tuần tra rừng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Diện tích rừng do hộ gia đình làm chủ được bảo vệ an toàn, luôn xanh tốt, không xảy ra cháy rừng.
Trưởng trạm Kiểm lâm Nam Động Dương Thanh Liên cho biết: Trạm thuộc Hạt Kiểm lâm Quan Hóa, có 3 cán bộ, kiểm lâm viên (KLV) được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ trên 25.300 ha rừng thuộc 4 xã của huyện Quan Hóa. Địa bàn trạm quản lý có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập của người dân chủ yếu phụ thuộc vào rừng. Sức ép nhu cầu gỗ cho mục đích gia dụng, làm nhà ở và tập quán canh tác của người dân bản địa là nguyên nhân cơ bản đe dọa đến an ninh rừng. Dù vất vả, xa nhà, nhưng anh em luôn xem “trạm gác là nhà, rừng là quê hương”... Ngoài bố trí KLV về phụ trách địa bàn tham mưu cho chính quyền các xã chủ động BVR tận gốc, trạm đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan trên địa bàn tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm Luật Lâm nghiệp....
“Khi nghĩ về một đời người, tôi thường nhớ về rừng cây/ Khi nghĩ về một rừng cây, tôi thường nhớ về nhiều người/ Trẻ trung như cụm hoa hồng/ Hồn nhiên như ngàn ánh lửa/ Chiều hôm khi gió về”... Chẳng thể giải thích được rõ ràng vì sao, những giai điệu sâu lắng của ca khúc “Một đời người, một rừng cây” cứ vang lên trong tâm trí chúng tôi kể từ khi ghé thăm Trạm Kiểm lâm Nam Động, nghe các KLV nơi đây trải lòng về quãng đời thăng trầm, gắn bó với nghề rừng.
Làm việc với chúng tôi, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Quan Hóa Trần Ngọc Thông cho biết: Quan Hóa có trên 86.000 ha rừng, trong đó rừng tự nhiên trên 52.700 ha, còn lại là diện tích rừng trồng. Độ che phủ của rừng đến hết năm 2022 là 84,79%, là một trong số những huyện có diện tích rừng lớn của tỉnh Thanh Hóa, được đánh giá còn giàu về trữ lượng, đa dạng về thành phần loài với nhiều loài động thực vật quý hiếm, tập trung trên diện tích rừng đặc dụng thuộc các khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Pù Luông và Khu bảo tồn các loài hạt trần quý, hiếm Nam Động.
Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác quản lý BVR, hạt kiểm lâm chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện lĩnh vực lâm nghiệp và phối hợp với các cơ quan, ban, ngành có liên quan triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR). Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện Quan Hóa đã ban hành kế hoạch hành động triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12-1-2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, BV&PTR; xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát đối với các xã trên địa bàn, chỉ đạo kiểm lâm làm việc tại địa bàn tham mưu cho đảng ủy các xã ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW. Cấp ủy, chính quyền địa phương, chủ rừng đã nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện để huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia BVR. KLV đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thực hiện kế hoạch quản lý BV&PTR, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) theo phương châm “4 tại chỗ”.
Công tác phát triển rừng được quan tâm chú trọng, hàng năm trồng mới trên 300 ha và hàng nghìn cây phân tán, độ che phủ của rừng được nâng lên hàng năm, từ 81,6% (năm 2012) lên 84,79% (năm 2022). Kết quả nổi bật là toàn bộ diện tích rừng hiện có của huyện Quan Hóa được bảo vệ an toàn, hiệu quả, không xảy ra phát rừng làm rẫy trái phép.
Công tác chống chặt phá, khai thác rừng, buôn bán, vận chuyển, kinh doanh, chế biến lâm sản trái phép được tăng cường thực hiện. Ngoài việc đưa KLV về địa bàn tham mưu cho chính quyền trong BVR tận gốc, hạt kiểm lâm đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra an ninh rừng tại các vùng còn giàu tài nguyên, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, đấu tranh trấn áp các ổ nhóm lâm tặc, các đường dây buôn lậu lâm sản, tạo điều kiện cho Nhân dân yên tâm sản xuất nghề rừng. Phong trào toàn dân tham gia BV&PTR với sự phối hợp chặt chẽ của Ủy ban MTTQ và các thành viên trong tổ chức mặt trận do lực lượng kiểm lâm làm tham mưu, cấp ủy lãnh đạo, chính quyền điều hành đã tạo nên sức mạnh tổng hợp. Nhờ đó, những năm vừa qua số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm đáng kể, không để hình thành các “điểm nóng” về phá rừng, khai thác rừng, buôn bán lâm sản trái phép. Nhận thức, ý thức, trách nhiệm trong quản lý BVR của Nhân dân được nâng lên rõ rệt. Cấp ủy Đảng, chính quyền đã và đang vào cuộc quyết liệt thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước trong công tác quản lý BVR, quản lý lâm sản; các đơn vị chức năng tích cực phối hợp trong thực hiện công tác BVR, PCCCR, đấu tranh chống buôn lậu lâm sản. Địa vị pháp lý, quyền lợi, nghĩa vụ của chủ rừng đã được khẳng định. Lực lượng kiểm lâm trên địa bàn huyện luôn đổi mới sát dân, bám rừng, tham mưu có hiệu quả cho cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác quản lý BVR, góp phần giữ vững an ninh rừng. Công tác phát triển rừng được quan tâm chú trọng, hàng năm trồng mới trên 300 ha và hàng nghìn cây phân tán, độ che phủ của rừng được nâng lên hàng năm, từ 81,6% (năm 2012) lên 84,79% (năm 2022). Kết quả nổi bật là toàn bộ diện tích rừng hiện có của huyện Quan Hóa được bảo vệ an toàn, hiệu quả, không xảy ra phát rừng làm rẫy trái phép. An ninh rừng trên địa bàn ổn định; các hành vi xâm hại tài nguyên rừng ở địa phương được đẩy lùi, trong các năm vừa qua không xảy ra cháy rừng.
Từ công tác giữ rừng tại gốc của huyện Quan Hóa, nhìn lại bức tranh toàn tỉnh cho thấy, Thanh Hóa có diện tích rừng lớn trên 648.370 ha. Trong những năm qua mặc dù còn rất nhiều khó khăn, thách thức trong công tác BV&PTR, nhưng rừng Thanh Hóa vẫn được bảo vệ và phát triển theo hướng bền vững; diện tích rừng không ngừng tăng qua các năm, độ che phủ của rừng đạt 36,8% (năm 2011), tăng lên 53,6% (năm 2022). Công tác quản lý BV&PTR ngày càng được xã hội hóa, giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động, góp phần bảo vệ môi trường, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới...
Để giữ rừng, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa đã xây dựng “thế trận bảo vệ rừng tại gốc theo hướng xã hội hóa”. Mục đích của xã hội hóa BVR tận gốc chính là định hướng cho người dân và chính quyền địa phương thực hiện theo phương châm BVR là trách nhiệm của toàn dân, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, triển khai thực hiện của chính quyền địa phương; các ban, ngành tham mưu thực hiện, trong đó kiểm lâm là lực lượng nòng cốt tham mưu thực hiện nhiệm vụ BV&PTR, PCCCR và quản lý lâm sản. Lực lượng kiểm lâm đã thực hiện hiệu quả Đề án “Tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị, đề nghị của Nhân dân về công tác kiểm lâm”; quản lý tốt cưa xăng, súng săn, gỗ tích trữ trong dân tại các huyện miền núi; giúp Nhân dân thực hiện các chính sách an sinh xã hội, nhưng vẫn bảo vệ được rừng một cách bền vững, từ đó người dân thấy được lợi ích sẽ tự nguyện tham gia BV&PTR, PCCCR. Cùng với đó, đã phát động nhiều phong trào thi đua như: “Xây dựng hình ảnh công chức, viên chức kiểm lâm bản lĩnh, sáng tạo, văn minh, thân thiện”; “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu lâm sản”...
Mùa nắng nóng toàn tỉnh có hơn 42.300 ha rừng có nguy cơ cháy cao. Chi cục kiểm lâm đã lắp đặt 11 trạm camera IP có độ phân giải cao dùng để chụp ảnh các khu rừng đáp ứng yêu cầu tự động phát hiện sớm các đám cháy rừng;...
Mùa nắng nóng toàn tỉnh có hơn 42.300 ha rừng có nguy cơ cháy cao. Chi cục kiểm lâm đã lắp đặt 11 trạm camera IP có độ phân giải cao dùng để chụp ảnh các khu rừng đáp ứng yêu cầu tự động phát hiện sớm các đám cháy rừng; chỉ đạo các đơn vị cơ sở tăng cường tham mưu cho chính quyền địa phương chủ động tuyên truyền phổ biến pháp luật về BVR, PCCCR; rà soát các khu vực có nguy cơ cháy rừng cao và quản lý chặt chẽ các nguyên nhân gây cháy rừng; thường xuyên tổ chức tuần tra canh gác lửa rừng và trực PCCCR trên hệ thống camera quan sát lửa rừng và tại 53 điểm trực gác lửa rừng ở các khu rừng trọng điểm cháy khi dự báo cấp cháy rừng từ cấp III trở lên. 4 tháng đầu năm 2023 các hạt kiểm lâm đã phối hợp với chủ rừng, lực lượng chức năng các huyện đồng bằng ven biển xử lý vật liệu cháy dưới tán rừng bằng biện pháp đốt trước có điều khiển được 775,4 ha, làm mới và tu sửa 88 km đường băng cản lửa...
Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa Vũ Văn Vân cho biết: Những năm vừa qua kiểm lâm Thanh Hóa đã tạo được một thế trận trong công tác “bảo vệ rừng tại gốc theo hướng xã hội hóa”. Để tổ chức thực hiện thành công thế trận bảo vệ rừng, giữ vững ổn định an ninh rừng theo hướng bền vững, phải tranh thủ được sự chỉ đạo của cấp ủy đảng, tổ chức thực hiện quyết liệt của chính quyền, sự vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội, trách nhiệm của chủ rừng, đồng thuận của Nhân dân. Trong đó, kiểm lâm đóng vai trò nòng cốt trong công tác tham mưu và thực thi pháp luật, cùng với cả hệ thống chính trị giữ màu xanh đại ngàn, vun trồng và chăm sóc tình yêu với rừng.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/giu-mau-xanh-cho-dai-ngan/185551.htm