Giữ màu xanh cho di sản
HNN - Những thảm cỏ mượt mà, tán cây cổ thụ che mát trong khuôn viên Đại Nội, vườn Cơ Hạ hay Thiệu Phương không tự nhiên mà có. Đằng sau vẻ đẹp ấy là công sức thầm lặng của hàng chục con người ngày ngày chăm chút cho từng gốc cây, thảm hoa để gìn giữ 'hồn xanh' của di sản Huế.

Chăm chút, tạo tác cho cây cảnh ở di tích
Chăm từng tán cây, ngọn cỏ
Giữa cái nắng oi ả đầu tháng 7, tại con đường vào lăng Thiệu Trị, anh Nguyễn Văn Tuấn, Đội trưởng đội cây xanh, Phòng Cảnh quan môi trường - Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cùng các đồng nghiệp tranh thủ ngồi nghỉ dưới gốc cây sau khi hoàn thành việc cắt tỉa những tán cây cổ thụ cao lớn.
“Cây nằm trong các cung, điện, lăng tẩm như Thế Miếu, Triệu Miếu, lăng Tự Đức, Khải Định… xe không vào được, chúng tôi toàn phải leo lên bằng tay, đeo dây bảo hiểm rồi dùng cưa cắt từng nhánh. Xong lại gom hết nhánh cây rồi kéo, vác ra ngoài khuôn viên mới chuyển được lên xe. Có hôm đang leo thì gặp tổ ong, kiến lửa cắn. Rất vất vả và nguy hiểm”, anh Tuấn nói.
Cắt tỉa cây cổ thụ không hề đơn giản. Đó là công việc đòi hỏi kỹ năng, sức khỏe và cả sự can đảm. Nhiều cây có tán lớn, rễ chằng chịt, nằm sát các kiến trúc cổ, việc cắt tỉa phải đảm bảo vừa thẩm mỹ vừa không ảnh hưởng đến công trình. “Có lúc trèo cây cao hơn chục mét, anh em cứ treo lủng lẳng mà làm”, anh Tuấn chia sẻ.
Phòng Cảnh quan môi trường hiện có 88 người, chia thành nhiều đội: Đội sân vườn tại Đại Nội, đội chăm sóc khu vực ngoài thành, đội cây xanh chuyên cắt tỉa tại các điểm di tích, đội phụ trách vườn ươm nhân giống, bảo tồn các loại cây quý… Công việc của họ bắt đầu từ sáng sớm đến chiều muộn, bất kể nắng mưa.
Anh Lê Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh quan môi trường cho biết, đơn vị đang quản lý hơn 80.000 cây xanh; trong đó, có gần 8.000 cây cổ thụ được gắn mã định vị để theo dõi tình trạng sinh trưởng. Mỗi cây trong khu di sản không chỉ là thực vật, mà còn là một phần lịch sử. Có cây gắn với các vua Triều Nguyễn, có cây đã chứng kiến bao đổi thay của vùng đất này.
Mùa hè, khi nắng gắt và gió Lào liên tục thổi về, công nhân môi trường phải tăng cường tưới nước giữ ẩm, chăm sóc thảm cỏ ở quảng trường Ngọ Môn, cắt tỉa cây kiểng ở vườn Cơ Hạ, Thiệu Phương hay sân Bảo tàng Cổ vật Cung đình... “Mỗi ngày chúng tôi tưới nước hết quảng trường, bắt đầu từ 5 giờ 30 sáng đến trước 7 giờ, rồi chiều lại tiếp tục ở các điểm khác”, chị Trần Thị Bích Thuận, nhân viên Đội sân vườn số 2 cho hay. Nhiều hôm nắng 40 độ, người đầm đìa mồ hôi, nhưng cây không thể để khô, hoa không thể để héo.
Với anh Nguyễn Văn Tuấn, làm công việc này phải yêu cây, yêu không gian xưa của Huế thì mới gắn bó lâu dài. “Mỗi sáng đến các điểm di tích thấy hoa nở rộ, cỏ xanh đều, cây phát triển tốt, khách đi qua chụp ảnh, khen đẹp, là mình thấy vui và có động lực”, anh Tuấn vui vẻ.
Không gian xanh - Không gian văn hóa
Chăm sóc cây xanh không chỉ là chuyện tưới, cắt tỉa hay phòng trừ sâu bệnh. Phòng Cảnh quan môi trường còn đảm nhiệm chỉnh trang toàn bộ cảnh quan vào những dịp quan trọng. Trước mỗi mùa Festival Huế hay dịp lễ lớn, toàn bộ nhân lực được huy động để làm mới cảnh quan, đảm bảo không gian xanh, sạch, đúng tinh thần cung đình xưa.
Anh Hiếu cho biết, trong suốt hai tháng trước triển lãm cây cảnh, phong lan ba miền hồi tháng 5, toàn bộ đội ngũ đã tập trung chỉnh trang khuôn viên Phủ Nội Vụ; cải tạo, sắp xếp lại toàn bộ hệ thống cây cảnh, hoa. “Sắp tới, khu vực Quốc Tử Giám cũng sẽ được chỉnh trang cảnh quan để tạo điểm nhấn mới cho du khách”, anh Hiếu thông tin.
Nhiều khách du lịch đến Huế bị ấn tượng bởi chính màu xanh mát của Đại Nội. Anh Nguyễn Văn Tú, du khách từ Hà Nội chia sẻ: “Đi giữa hàng cây cổ thụ buổi sớm, tôi như lạc vào một không gian khác, rất yên tĩnh và đầy chiều sâu. Cảnh quan đẹp khiến trải nghiệm về Huế cũng thi vị hơn rất nhiều”.
Theo anh Lê Trung Hiếu, để phát huy giá trị di tích, cảnh quan đóng vai trò không thể tách rời với kiến trúc. Cây xanh ở Huế không đơn thuần là trang trí, chúng còn có vai trò che mát, điều hòa khí hậu, bảo vệ kết cấu công trình và quan trọng hơn, truyền đi cảm xúc lịch sử, văn hóa đến người tham quan. Nhiều cây trong khu di tích Huế đã hàng trăm năm tuổi, là chứng nhân lịch sử, từ cây vải, cây nhãn từng được trồng để tiến vua đến những gốc sứ tỏa hương thơm ngát nơi sân miếu. Chăm sóc những cây ấy không chỉ là bảo dưỡng mà còn là gìn giữ linh hồn của Cố đô.
Giữa những ngày nắng nóng, trong dòng người tản bộ dưới tán xanh Đại Nội, ít ai hình dung được phía sau sự thanh mát đó là cả một hệ thống chăm sóc công phu, bền bỉ và tận tâm. Chính màu xanh dịu mát ấy đang ngày ngày tiếp sức cho di sản, gìn giữ nếp xưa, gìn giữ bản sắc Cố đô qua bao thế kỷ.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/giu-mau-xanh-cho-di-san-155942.html