Giữ màu xanh cho rừng

Tập trung làm tốt công tác trồng, chăm sóc, phát triển rừng; tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy bảo vệ rừng; nâng cao hiệu quả quản lý, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp…Trung tâm phát triển lâm nông nghiệp Vĩnh Phúc không ngừng nỗ lực bảo vệ, giữ gìn, phát triển diện tích rừng được giao.

Theo kế hoạch, năm 2022, Trung tâm phát triển lâm nông nghiệp sẽ thực hiện trồng mới 10 ha rừng. Ảnh: Thiệu Vũ

Theo kế hoạch, năm 2022, Trung tâm phát triển lâm nông nghiệp sẽ thực hiện trồng mới 10 ha rừng. Ảnh: Thiệu Vũ

Trung tâm phát triển lâm nông nghiệp trực thuộc Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc hiện được giao quản lý gần 1.000ha đất lâm nghiệp, trong đó: diện tích rừng đặc dụng và rừng phòng hộ trên 515 ha; còn lại là diện tích rừng sản xuất và diện tích đất trống.

Toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp Trung tâm được giao quản lý tập trung ở các địa phương thuộc huyện Tam Dương, Bình Xuyên và Tam Đảo. Diện tích phân bố không tập trung, gần khu dân cư; địa hình chủ yếu là đồi núi cao, chia cắt mạnh, chạy dài ven theo chân dãy núi Tam Đảo.

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của rừng đối với bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và quá trình phát triển bền vững của tỉnh, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của cấp trên và phân tích, nhận định tình hình thực tế địa bàn quản lý, Trung tâm tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động bảo vệ, phát triển rừng.

Trong đó, rà soát lại diện tích đất rừng, diện tích rừng cần trồng mới; đồng thời chỉ đạo gieo ươm, sản xuất cây giống đáp ứng đủ cả về số lượng, chất lượng cho hoạt động trồng rừng. Sử dụng giống cây bạch đàn mô U6, keo lai, ngoài ra còn có các cây có giá trị cao đối với môi trường như lim xanh, lim chẹt, thông, lát,...

Năm 2021, trung tâm đã thực hiện trồng mới 7ha rừng. Dự kiến trong năm 2022 diện tích rừng trồng mới sẽ tăng lên 10ha. Đồng thời, thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đúng quy trình, đạt hiệu quả cao với hơn 100ha rừng sản xuất năm thứ 4.

Trồng, chăm sóc rừng đi đôi với nâng cao hiệu quả phòng cháy, chữa cháy bảo vệ rừng, trung tâm ưu tiên bố trí đầy đủ lực lượng, phương tiện, thành lập các tổ xung kích phòng cháy chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ (Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện tại chỗ; vật tư và hậu cần tại chỗ).

Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng cháy, chữa cháy; tổ chức giao khoán, ký cam kết bảo vệ rừng với các hộ nhận giao khoán; thường xuyên bố trí lực lượng tuần tra, canh gác để kịp thời phát hiện, xử lý các vụ việc, tình huống phát sinh.

Bên cạnh đó, tích cực phối hợp với các địa phương có rừng tuyên truyền giáo dục đến từng người dân, hộ nhận khoán về vai trò, ý nghĩa của rừng; đi sâu vào vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng xây dựng mục tiêu mở rộng kinh tế gắn liền với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Rà soát, xây dựng kế hoạch, phương án bảo vệ với từng loại rừng, từng địa bàn, khu vực cụ thể, tập trung phát hiện, ngăn ngừa, xử lý các hành vi gây tổn hại đến rừng như chặt cây, lấn chiếm đất rừng, phát nương làm rẫy, săn bắt thú rừng…

Trong năm 2021, Trung tâm đã phát hiện 4 vụ khai thác đất trái phép trên diện tích đất rừng được giao quản lý tại địa bàn xã Trung Mỹ (Bình Xuyên) và xã Minh Quang (Tam Đảo); 6 vụ tạo lập công trình trái phép trên đất lâm nghiệp tại xã Trung Mỹ, xã Minh Quang và thị trấn Đại Đình (Tam Đảo).

100% các vụ việc được Trung tâm phát hiện, đình chỉ kịp thời, báo cáo và phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Phó Giám đốc Trung tâm phát triển lâm nông nghiệp Bùi Văn Nam cho biết: Hiện nay do quá trình phát triển kinh tế-xã hội, gia tăng dân số, nhu cầu sử dụng đất đai, tài nguyên của người dân ngày càng tăng cao.

Trong khi đó, một bộ phận dân cư nhận thức còn hạn chế, chỉ vì những lợi ích trước mắt mà sẵn sàng vi phạm các quy định bảo vệ rừng, lấn chiếm, tạo lập công trình trái phép trên đất rừng khiến diện tích và chất lượng rừng bị suy giảm.

Do vậy, bên cạnh sự nỗ lực, quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao, để bảo vệ, giữ gìn, phát triển rừng hiệu quả, Trung tâm rất mong muốn nhận được sự phối hợp tích cực, chủ động của các đơn vị, địa phương liên quan, đặc biệt là chính quyền cơ sở. Sự vào cuộc của chính quyền cơ sở là yếu tố quyết định phần lớn đến hiệu quả công tác bảo vệ, phát triển rừng ở mỗi địa phương…

Nguyễn Khánh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/75887/giu-mau-xanh-cho-rung.html