Giữ màu xanh cho rừng

Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, công chức, người lao động Chi cục Kiểm lâm Hải Dương luôn vượt mọi khó khăn để bảo vệ rừng; chủ động tham mưu thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lâm nghiệp.

Cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh thường xuyên bám sát bản đồ quy hoạch rừng và đất lâm nghiệp để triển khai thực hiện nhiệm vụ hiệu quả

Cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh thường xuyên bám sát bản đồ quy hoạch rừng và đất lâm nghiệp để triển khai thực hiện nhiệm vụ hiệu quả

Trồng đi đôi với bảo vệ

Hiện nay, trên địa bàn Hải Dương có hơn 11.100 ha rừng và đất lâm nghiệp, thuộc TP Chí Linh và thị xã Kinh Môn. Mỗi năm, toàn tỉnh đã trồng, chăm sóc hàng trăm ha rừng thay thế, rừng sau khai thác và trên diện tích đất chưa có rừng tại TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn. Năm 2021, các địa phương ở Chí Linh, Kinh Môn trồng thêm 102 ha rừng. Năm 2022, diện tích rừng được trồng mới của tỉnh ước đạt 130 ha... Diện tích rừng được giao khoán bảo vệ đạt 5.940 ha, chủ yếu là diện tích rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Diện tích rừng được quản lý, bảo vệ ổn định, độ che phủ rừng năm 2022 đạt 5,33%; công tác giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng được chú trọng, bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật…

Để bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đặc biệt quan tâm công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Hằng năm, chi cục chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Chí Linh, Hạt Kiểm lâm Kinh Môn tham mưu cho chính quyền địa phương kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, trong đó xây dựng, rà soát, bổ sung phương án phòng cháy, chữa cháy và tăng cường phối hợp với lực lượng liên quan tổ chức thực hiện. Vào mùa cao điểm phòng chống cháy rừng, các Hạt Kiểm lâm, Trạm Quản lý rừng và UBND các xã, phường có rừng tổ chức lực lượng thường trực 24/24 giờ, phân công trực bảo đảm quân số, bố trí trang thiết bị cần thiết, chủ động tuần tra, canh gác rừng, đặc biệt là các khu vực rừng trọng điểm dễ xảy ra cháy. Qua đó diện tích rừng của tỉnh luôn được bảo vệ ổn định, không xảy ra cháy lớn, các điểm cháy nhỏ đều được phát hiện sớm và huy động lực lượng dập tắt kịp thời nên thiệt hại do cháy rừng gây ra không đáng kể.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh tham gia Tết trồng cây xuân Quý Mão năm 2023 ở TP Chí Linh

Chi cục Kiểm lâm tỉnh tham gia Tết trồng cây xuân Quý Mão năm 2023 ở TP Chí Linh

Các đơn vị trực thuộc chi cục tăng cường kiểm tra thụ lý, xử lý các vụ vi phạm về bảo vệ rừng. Từ năm 2013-2023, các đơn vị trực thuộc chi cục đã kiểm tra thụ lý, xử lý 465 vụ vi phạm về bảo vệ rừng, tổng số tiền phạt nộp ngân sách nhà nước hơn 8 tỷ đồng; tịch thu gần 150 m3 gỗ, hơn 1,4 tấn động vật hoang dã, cùng một số phương tiện, tang vật vi phạm khác.

Phát triển lâm nghiệp bền vững

Công tác quản lý bảo vệ rừng hiện còn nhiều khó khăn, thách thức như quá trình đô thị hóa tạo áp lực đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp. Chất lượng rừng trồng còn thấp, giá trị kinh tế không cao. Các hiện tượng thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu ảnh hưởng rất lớn đến công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng…

Chi cục Kiểm lâm tỉnh bàn giao 98 cá thể rùa quý hiếm cho Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật (Vườn quốc gia Cúc Phương) ngày 26.4.2023

Chi cục Kiểm lâm tỉnh bàn giao 98 cá thể rùa quý hiếm cho Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật (Vườn quốc gia Cúc Phương) ngày 26.4.2023

Thời gian tới, để duy trì ổn định và phấn đấu đến năm 2030 độ che phủ của rừng của tỉnh đạt 5,6%, ông Phạm Hồng Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết chi cục sẽ tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp trọng tâm như tham mưu thực hiện xây dựng các quy hoạch, kế hoạch quản lý, bảo vệ, phát triển bền vững diện tích rừng tự nhiên hiện có. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch 4228/KH-UBND ngày 17.11.2021 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các chương trình, đề án về lâm nghiệp khác. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, chủ rừng và các cơ quan có liên quan trên địa bàn tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác bảo vệ rừng, theo dõi diễn biến rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, quản lý truy xuất nguồn gốc lâm sản trên địa bàn tỉnh. Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, chính quyền địa phương, nắm bắt thông tin, đấu tranh ngăn chặn, phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi phá rừng, khai thác trái phép rừng. Tăng cường lực lượng kiểm lâm phụ trách địa bàn xã, phường với phương châm “bảo vệ rừng tại gốc”, làm tốt công tác khuyến lâm; hướng dẫn cho chủ rừng trong sản xuất, kinh doanh nghề rừng, xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế vườn rừng có hiệu quả cao, từ đó xã hội hóa công tác bảo vệ rừng…

Lực lượng Kiểm lâm Việt Nam được thành lập ngày 21.5.1973. Ngày đầu thành lập, lực lượng Kiểm lâm Hải Dương, tiền thân của Chi cục Kiểm lâm tỉnh có tổng số 18 người. Đến nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh có 44 cán bộ, công chức. Bộ máy tổ chức của chi cục được phân thành 3 cấp: cấp chi cục, cấp hạt và tương đương, gồm Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng, Hạt Kiểm lâm Chí Linh, Hạt Kiểm lâm Kinh Môn; Hạt Kiểm lâm TP Hải Dương, các phòng chuyên môn và 3 trạm kiểm lâm.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba năm 2012 và nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch UBND tỉnh, Cờ thi đua của UBND tỉnh…

VĂN NGHIỆP

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/moi-truong/giu-mau-xanh-cho-rung-234565