Giữ màu xanh trên đảo tiền tiêu Đông Bắc

Huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) từng đi vào thơ ca, nhạc họa nhờ vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc như một viên ngọc bích giữa vùng biển phía Đông Bắc của Tổ quốc ta. Ngày nay, cùng với sự phát triển của đất nước, đảo Cô Tô đã và đang trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng, thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.

Cán bộ Đồn Biên phòng Cô Tô tuyên truyền, vận động ngư dân bảo vệ môi trường biển, không xả rác thải nhựa ra biển. Ảnh: Quốc Huy

Cán bộ Đồn Biên phòng Cô Tô tuyên truyền, vận động ngư dân bảo vệ môi trường biển, không xả rác thải nhựa ra biển. Ảnh: Quốc Huy

Tuy vậy, môi trường trên đảo bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lượng rác từ sinh hoạt và hoạt động du lịch, đặc biệt là rác thải nhựa. Trước tình hình đó, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cô Tô, BĐBP Quảng Ninh đã có nhiều hoạt động chung tay cùng chính quyền địa phương tham gia bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững.

Những nguy cơ hiện hữu

Huyện đảo Cô Tô sở hữu nguồn tài nguyên quý giá từ hệ sinh thái biển, đảo, núi rừng nguyên sinh. Với tiềm năng, lợi thế đó, huyện đã phát triển mạnh nhiều loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp như du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch khám phá, thu hút lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế đến với đảo. Tuy nhiên, lượng khách du lịch tới Cô Tô ngày một lớn cũng gây ra những sức ép không nhỏ tới năng lực xử lý rác thải và vệ sinh môi trường của đảo.

Những ngày cao điểm, Cô Tô đón tới hàng nghìn du khách, biến hệ thống nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh dịch vụ thành nguồn phát rác thải lớn. Ngoài rác sinh hoạt còn phải kể đến lượng rác không nhỏ trôi dạt từ hàng trăm tàu thuyền khai thác hải sản.

Theo kết quả nghiên cứu “Đánh giá hiện trạng quản lý rác thải nhựa tại thị trấn Cô Tô, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh” cho thấy, tại huyện đảo Cô Tô, chỉ có 43% số người được hỏi có biết về tác hại của rác thải nhựa lên sinh vật biển. Thậm chí, một số người cho rằng, sinh vật biển không chịu ảnh hưởng của rác thải nhựa vì biển rộng lớn, mênh mông, rác không thể làm thương tổn đến chúng. 44% người dân được phỏng vấn cho biết, họ có phân loại rác thải nhựa. Song, hình thức phân loại chỉ đơn giản là giữ lại các loại nhựa có thể bán được cho lực lượng thu gom ve chai, còn các loại nhựa khác, họ đều để chung với rác thải sinh hoạt.

Theo ông Đỗ Huy Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Cô Tô, hằng năm, ngoài lượng rác thải sinh hoạt, rác thải đại dương thì lượng rác trong ngành du lịch đã và đang là gánh nặng cho môi trường huyện đảo. Vào ngày cao điểm, huyện đảo đón từ 6.000-8.000 khách du lịch. Mỗi khách chỉ cần sử dụng và mang theo 1-2 túi nilon, chai nhựa thì đảo sẽ tràn ngập rác thải nhựa. Việc xử lý rác, đặc biệt là rác thải nhựa không phải là 1 đến 2 ngày hay 1 đến 2 năm, mà mất hàng ngàn năm, với tốc độ phát triển du lịch như hiện nay nếu không có giải pháp ngay từ đầu, Cô Tô sẽ rất dễ trở thành “đảo rác”.

Giữ mãi màu xanh lam biếc đậm đà

Trước thực trạng trên, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cô Tô đã có nhiều hoạt động thiết thực, đồng thời, nỗ lực tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp, khách du lịch về việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi nilon, hình thành thói quen trong người dân và du khách về sử dụng các vật liệu tái chế, vật liệu thân thiện với môi trường trong hoạt động du lịch.

Đoàn viên, thanh niên Đồn Biên phòng Cô Tô phối hợp với các tổ chức đoàn thực hiện Chiến dịch “Hãy làm sạch biển”. Ảnh: Quốc Huy

Đoàn viên, thanh niên Đồn Biên phòng Cô Tô phối hợp với các tổ chức đoàn thực hiện Chiến dịch “Hãy làm sạch biển”. Ảnh: Quốc Huy

Thiếu tá Ngô Quang Đại, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Nam Hải, Đồn Biên phòng Cô Tô cho biết: “Đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, trung bình mỗi ngày nghỉ, Đảo Cô Tô đón từ trên 2.000 đến 3.000 du khách. Trước tình hình đó, chúng tôi đã tăng cường lực lượng để kiểm soát lượng người ra vào đảo. Trước tiên, chúng tôi phối hợp với các đơn vị Biên phòng trong đất liên làm tốt công tác tuyên truyền, nhắc nhở khi phát hiện du khách sử dụng túi rác thải nhựa ngay từ khi lên tàu. Khi phát hiện ra các du khách dùng túi nilon, chúng tôi sẽ cấp phát túi sinh học thân thiện với môi trường cho du khách, đồng thời, chúng tôi cũng vận động các tàu chở khách không sử dụng chai nước dùng một lần... nhằm hạn chế tối đa rác thải nhựa trên đảo”.

Chia sẻ về vấn đề này, Thượng tá Vũ Quốc Huy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cô Tô cho biết thêm: “Bên cạnh việc tập trung làm tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, để chung tay cùng cấp ủy, chính quyền địa phương trong vấn đề giảm thiểu rác thải nhựa, chúng tôi đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đoàn viên thanh niên trong đơn vị, đồng thời, tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức tới người dân, các hộ kinh doanh du lịch trên đảo. Đặc biệt, chú trọng thông báo, tuyên truyền tới các hộ, công ty kinh doanh dịch vụ vận tải khách ra đảo Cô Tô về ảnh hưởng của rác thải nhựa đối với môi trường biển”.

Mặt khác, Cô Tô là nơi neo đậu của rất nhiều tàu cá. Trước đây, vào mùa đánh bắt, tàu thuyền khắp nơi đổ về, mọi rác sinh hoạt đều vứt xuống biển, tạo ra hàng lớp rác. Bãi biển xa dân cư thì lượng rác 99% là thụ động từ biển dạt vào. Nhận thấy vấn đề này, Đồn Biên phòng Cô Tô đã tổ chức các tổ công tác đi vận động các chủ tàu thuyền neo đậu đúng nơi quy định, không xả rác thải ra biển nhằm bảo vệ cảnh quan của đảo. Đến nay, cơ bản các chủ tàu đều chấp hành tốt.

“Đặc biệt, đơn vị thực hiện hiệu quả Chiến dịch “Hãy làm sạch biển” và bảo vệ môi trường, “Ngày thứ 7 tình nguyện” và “Ngày Chủ nhật xanh” trong Tháng Thanh niên. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu qua Kế hoạch số 133/ KH-UBND, ngày 16/8/2022 của UBND huyện Cô Tô về tiếp tục triển khai Đề án “Huyện Cô Tô không có rác thải nhựa” gắn với tuyên truyền, vận động khách du lịch không mang túi nilon, đồ nhựa dùng một lần khi tham quan, du lịch tại Cô Tô. Để xây dựng Cô Tô thành huyện đảo không rác thải nhựa là hoạt động dài hơi, nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn đang nỗ lực tìm kiếm các phương án hợp lý, triển khai đồng bộ và quyết liệt. Chúng tôi hy vọng người dân, du khách và doanh nghiệp đều ủng hộ và đồng lòng cùng chính quyền và BĐBP hỗ trợ, bảo vệ Cô Tô khỏi rác thải nhựa” - Thượng tá Huy chia sẻ.

Được biết, từ đầu năm 2023 đến nay, cán bộ, đoàn viên, thanh niên Đồn Biên phòng Cô Tô đã phối hợp với các tổ chức đoàn trên địa bàn tuyên truyền được 8 buổi/586 lượt người nghe; phối hợp tuyên truyền bằng loa kéo trên bến cảng, các khu phố và tại các bãi biển, các khu dân cư 25 giờ/100 lượt cán bộ, đoàn viên, thanh niên tham gia; phối hợp các đơn vị, các tổ chức đoàn địa phương thực hiện Chiến dịch “Hãy làm sạch biển” và bảo vệ môi trường, “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh” được 20 buổi/35 tấn rác thải các loại.

Từ ngày 1/9/2022, huyện đảo Cô Tô khuyến khích du khách không mang chai nhựa, túi nilon, các vật liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường ra đảo. Để triển khai hiệu quả quy định này, huyện Cô Tô yêu cầu các hãng vận chuyển và công ty lữ hành hướng dẫn cho du khách ngay từ khi bán vé và khi đến cầu cảng Vân Đồn để ra đảo Cô Tô, yêu cầu mọi người để lại chai nhựa, túi nilon cùng những vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, huyện đảo kêu gọi mỗi người dân nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động chống rác thải nhựa bằng các hành động cụ thể, thiết thực.

Bình Minh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/giu-mau-xanh-tren-dao-tien-tieu-dong-bac-post461271.html