Tăng cường quản lý chợ hải sản Dốc Lết

Chợ hải sản Dốc Lết (thôn Đông Cát, phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa) hình thành tự phát, không thuộc khu vực quy hoạch chợ nên phát sinh các vấn đề về môi trường, trật tự mỹ quan.

Chưa đảm bảo vệ sinh môi trường

Theo ghi nhận của phóng viên, bãi biển Dốc Lết thời điểm này đang thu hút rất đông người dân và du khách đến vui chơi, tắm biển. Chủ yếu lượng khách đến Dốc Lết là từ tỉnh Đắk Lắk, TP. Hồ Chí Minh. Chợ hải sản Dốc Lết ở vị trí ngay sát bãi biển; có quy mô nhỏ với khoảng vài chục lô sạp buôn bán hải sản tươi sống, trái cây, món ăn đặc sản Ninh Hòa. Các lô sạp dựng bằng gỗ, lợp tôn đã nhiều năm nên nhiều chỗ lụp xụp và tạm bợ. Việc chế biến các món ăn được thực hiện tại sạp hoặc phía sau chợ, sau đó mang đến cho du khách ở bãi biển. Điều đáng nói là trong quá trình chế biến hải sản, rác thải chưa được thu gom sạch sẽ, phần lớn nước thải xả vào hố thu ngấm xuống đất hoặc tràn ra bên ngoài. Tuy chính quyền địa phương đã treo băng rôn, có bảng tuyên truyền đảm bảo vệ sinh môi trường, bỏ rác đúng nơi quy định nhưng chúng tôi thấy, sát bên hông chợ tập trung rác thải bốc mùi hôi. Theo phản ánh của một số đơn vị hoạt động du lịch ở khu vực này, thời gian qua, nhiều hộ dân buôn bán tại chợ Dốc Lết thường xuyên xả nước thải trực tiếp xuống biển và chưa có giải pháp thu gom, xử lý rác thải nên gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, ở khu vực bãi biển Dốc Lết có tình trạng tiểu thương, người bán hàng rong chèo kéo du khách vào các điểm vui chơi, ăn uống. Ông Đặng Văn Trung (du khách ở Đắk Lắk) cho biết: “Gia đình tôi thích sự thoải mái trong lựa chọn khu vực vui chơi, ăn uống khi đi du lịch. Việc các tiểu thương, người bán hàng chèo kéo quá nhiều khiến chúng tôi không thoải mái”.

Du khách nghỉ ngơi ở khu vực chợ hải sản Dốc Lết.

Du khách nghỉ ngơi ở khu vực chợ hải sản Dốc Lết.

Sẽ tăng cường quản lý và xử lý vi phạm

Ông Phan Văn Dọn - Chủ tịch UBND phường Ninh Hải cho biết, chợ hải sản Dốc Lết hình thành tự phát đã gần 20 năm, quy mô ngày càng mở rộng. Những năm qua, hoạt động buôn bán phục vụ khách du lịch tại đây đã tạo nguồn thu nhập, nâng cao đời sống cho một bộ phận người dân địa phương. Tuy nhiên, theo quy hoạch, ở khu vực chợ hải sản Dốc Lết sẽ hình thành điểm cầu tàu phục vụ khách du lịch, không quy hoạch chợ dân sinh nên những năm qua, chợ vẫn tồn tại một cách nhếch nhác.

Hiện nay, do hệ thống hầm rút xử lý nước thải ở chợ đầu tư đã lâu, xuống cấp nên có tình trạng nước thải từ quá trình chế biến hải sản chảy tràn ra ngoài, ảnh hưởng đến môi trường. Khối lượng rác thải phát sinh hàng ngày ở chợ được thu gom, xử lý, nhưng do ý thức của một bộ phận người dân chưa cao nên còn vứt rác bừa bãi, chưa đúng nơi quy định. Để khắc phục tình trạng này, địa phương đang bố trí kinh phí để nâng cấp hệ thống thu gom nước thải; tổ chức các đợt kiểm tra định kỳ và đột xuất để phát hiện, xử lý kịp thời những trường hợp có hành vi xả thải ra môi trường.

Theo ông Dọn, hiện nay, do hoạt động du lịch ở khu vực chợ hải sản Dốc Lết chưa bài bản nên còn có tình trạng chèo kéo khách du lịch. Do đó, trong thời gian chờ thực hiện quy hoạch, đầu tư bài bản ở khu vực này, UBND phường Ninh Hải đang tham mưu UBND thị xã thành lập tổ quản lý, xây dựng phương án đảm bảo trật tự mỹ quan tại đây.

UBND thị xã Ninh Hòa đã có văn bản yêu cầu UBND phường Ninh Hải thường xuyên kiểm tra môi trường khu vực chợ hải sản tại Dốc Lết; thực hiện các giải pháp nhằm chấm dứt việc tự ý xả chất thải không tiêu hủy, bao ni-lông vào hệ thống chứa nước thải ở khu vực này; tiến hành thu gom rác thải và tập kết đúng nơi quy định; tháo dỡ các mương nước thải tự phát chảy qua bãi tắm nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác bảo vệ môi trường.

THÁI THỊNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202407/tang-cuong-quan-ly-cho-hai-san-doc-let-43e3d7b/