Giữ nếp sống văn minh cho lễ hội

Lễ hội luôn đem lại những lợi ích vật chất lớn, vì thế nó luôn có tác động rất mạnh đến suy nghĩ, việc làm của đơn vị tổ chức.

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

Các lễ hội lớn đầu Xuân Quý Mão 2023 đã đi qua những ngày cao điểm, một số lễ hội đã vãn người đến. Những mùa lễ hội trước có rất nhiều ồn ào, điều tiếng xung quanh công tác tổ chức lễ hội cũng như việc thực hành tín ngưỡng của người dân ở các khu, điểm di tích, lễ hội. Thế nhưng, điều khác biệt ở mùa lễ hội xuân năm nay là không còn nhiều sự ồn ào với những việc làm phản cảm trong thực hành tín ngưỡng. Điều đó cho thấy công tác quản lý các hoạt động văn hóa nói chung, trong đó có hoạt động tín ngưỡng đã được các cơ quan quản lý tăng cường. Quan trọng hơn là ý thức người dân, nhất là những người tham gia lễ hội đã được nâng lên đáng kể.

Hoạt động lễ hội được xác định là một yếu tố cấu thành của du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, cao hơn là thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa. Những năm gần đây, Việt Nam đang đẩy mạnh xúc tiến du lịch thu hút du khách quốc tế thông qua các giá trị văn hóa đặc sắc, trong đó có các hoạt động lễ hội. Nếu tiếp diễn những hình ảnh dung tục và thực dụng ở lễ hội sẽ có tác động tiêu cực đến tâm lý du khách, gây khó khăn cho ngành du lịch cũng như ảnh hưởng xấu đến việc xây dựng đời sống văn hóa.

Với việc tăng cường chỉ đạo, đẩy mạnh hoạt động quản lý lễ hội, đưa công tác tổ chức lễ hội vào kỷ cương, là một bước cụ thể hóa chủ trương phát triển văn hóa thu hút du khách mà Đảng và Nhà nước đã đề ra và đang chỉ đạo thực hiện. Qua công tác tổ chức lễ hội cho thấy các cấp chính quyền, nhất là những địa phương có di tích, lễ hội đã nhận thức rất rõ lợi ích quốc gia gắn liền với trách nhiệm của địa phương, để từ đó “gạn đục, khơi trong”, hạn chế những mảng màu tối, quảng bá, phát huy tốt hơn giá trị văn hóa tinh thần của lễ hội.

Tuy nhiên, phải khẳng định rằng những gì diễn ra ở mùa lễ hội năm nay mới chỉ là bước đầu của sự chuyển biến. Lễ hội luôn đem lại những lợi ích vật chất lớn, vì thế nó luôn có tác động rất mạnh đến suy nghĩ, việc làm của đơn vị tổ chức. Với những người đi lễ cũng vậy. Những yếu tố tinh thần mà họ tự nhận thức luôn thôi thúc họ có những việc làm vượt “lằn ranh” tín ngưỡng, để biến lễ hội trở nên dung tục và nhuốm màu mê tín, dị đoan. Để từng bước lập lại trật tự trong công tác tổ chức lễ hội, đưa lễ hội trở về đúng với những giá trị tốt đẹp vốn có, cùng với duy trì, tăng cường công tác quản lý, phải đẩy mạnh tuyên truyền, giám sát làm thay đổi triệt để nhận thức, hành vi của người tham gia lễ hội. Chỉ khi người tham gia lễ hội hiểu rằng những hành động đẹp của họ tại lễ hội chính là góp phần giữ gìn lễ hội cho muôn đời sau, qua đó tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam, vì sự phát triển của đất nước, thì mới đảm bảo sự ổn định bền vững của lễ hội.

Hạnh Nhiên

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/giu-nep-song-van-minh-cho-le-hoi/26357.htm